Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

Thưởng thức hương vị cháo canh bột sát Dì Yên, Ba Đồn

Cháo canh bột sát, hay còn gọi là cháo sát Quảng Bình, là món ăn dân dã nhưng đầy sức hút với bất kỳ...
HomeTin tứcLễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Bru-Vân Kiều xã Ngân...

Lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình)



Hiện nay, ở Quảng Bình đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều có dân số khoảng trên dưới 19.000 người, chia làm 4 nhóm tộc người: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây đã và đang giữ gìn, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của quê hương, đất nước.

Đồng bào Bru-Vân Kiều theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh; phổ biến là các thần, như thần núi, thần sông, thần đá, thần cây… và thần lúa, vị thần cai quản lương thực thực phẩm, chăm sóc đời sống vật chất của đồng bào là một trong những vị thần có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh và lao động sản xuất đồng bào Bru-Vân Kiều. Trong thờ cúng và các nghi lễ tâm linh của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình, thần lúa được tượng trưng bằng hai bó lúa con, buộc vào hai bên một cái sọt nhỏ, thường ngày được treo trên chỗ nằm của người phụ nữ có uy tín, có kinh nghiệm sản xuất ở trong gia đình hoặc trong họ (chủ lúa); trong sọt đó có một bát đựng trầu, cau và một số vòng đồng loại nhỏ. Hằng năm, thần lúa được cúng nhiều lần, vào những dịp như phát rẫy, tria hạt, tuốt lúa, sau vụ thu hoạch, mừng cơm mới (lúa mới)…


1


Đồng bào Bru-Vân Kiều mỗi khi tổ chức lễ hội đều phải có cột nêu


Tại các bản làng của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình từ xưa đến nay về cơ bản đều tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới. Lễ hội Mừng cơm mới được coi là lễ Tết của đồng bào, là dịp để người dân báo cáo với trời đất, tổ tiên, thổ thần về kết quả của một mùa lúa đã qua, cảm ơn các vị thần linh, trước hết là thần lúa đã cho bản làng một vụ mùa bội thu. Đồng thời, lễ hội cũng nhằm cầu cho mùa màng luôn tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhà nhà, người người đều dồi dào sức khỏe.


Không ai biết Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng Lễ hội đã có từ xa xưa. Khi lúa chín vàng đầy rẫy, đồng bào cùng nhau gặt về đem tuốt lúa ra. Khi mọi công đoạn đã gọn gàng sạch sẽ, họ bắt đầu sửa soạn tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới. Thông thường, ở từng gia đình họ tự soạn những mâm lễ theo khả năng của mình, theo lòng thành và hoàn cảnh. Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy không tổ chức chung cho toàn thể cộng đồng trong xã mà chỉ tổ chức trong phạm vi các gia đình, họ tộc, theo từng thôn, bản. Tùy thuộc vào thời gian gặt lúa mà ở mỗi bản và mỗi dòng họ tổ chức lễ hội vào từng thời điểm khác nhau. Cách thức cúng bái và bày trí mâm cỗ cũng khác nhau. Cũng như các địa phương khác, Lễ hội Mừng cơm mới ở nơi đây có 2 phần, phần lễ và phần hội.


Trước khi vào lễ, các trưởng họ sẽ triệu tập con cháu lại để họp bàn và chọn ra ngày giờ đẹp nhất, tốt nhất để tổ chức cúng mừng cơm mới. Theo quan niệm của đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống tại xã Ngân Thủy, thời gian tốt nhất để cúng giàng, cúng thần linh là vào buổi sáng vì lúc đó khí trời tốt nhất trong ngày. Mỗi khi tổ chức lễ hội đều phải có cột nêu, cột nêu thường được đặt ở vị trí trung tâm tại địa điểm tổ chức lễ hội. Cột nêu trang trí hình cây lúa, có buộc các túm lúa sai hạt vào cột, trên cột có trang trí hình học đơn giản, hình chim muông, mặt trăng, mặt trời… với các đường nét đơn giản, nhưng thanh thoát, thường thì đồng bào chỉ dùng 2 màu đen, đỏ để trang trí các họa tiết trên cột nêu. Khi làm lễ, dân bản đứng xung quanh thành vòng tròn, chứng kiến các bậc cao niên, già làng, thày cúng làm lễ; khi cúng xong, bà con dân bản đánh chiêng, phèng la và cũng nhau múa hát quanh cột nêu trong lễ hội.


2


Mâm lễ vật thường phải có thịt của một con vật 4 chân (bò, dê, hoặc lợn) và ché rượu cần


Vào dịp dân bản tổ chức lễ hội, không khí náo nhiệt, tất bật. Trước những ngôi nhà sàn, đàn ông con trai làm lợn, mổ bò, còn chị em phụ nữ nấu xôi, làm bánh. Lễ vật của các mâm cỗ tùy thuộc và điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ gia đình trong bản, thường mỗi hộ góp một con gà, vài lon gạo nếp, đĩa xôi… Một đặc điểm chung là mâm cỗ của mỗi hộ gia đình thường có một đĩa cơm nếp mới do chính nhà mình làm ra, các ống cơm nếp trắng và cơm nếp than được đựng trong ống tre lồ ô rồi nướng trên bếp than hồng, bát nước trong và những bông hoa được làm từ cây tre tượng trưng cho những bông lúa để cúng giàng. Mâm lễ vật của bản thường phải có thịt của một con vật 4 chân (bò, dê, hoặc lợn) và ché rượu cần được ủ lâu năm.


Vào buổi sáng của ngày làm lễ, hai thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn (hoặc bò, dê) để làm lễ tế sống (hiến sinh). Khi già làng báo lệnh khai lễ, dân bản đứng khép vòng quanh con lợn nằm yên ở trên đất, tất cả mắt hướng về giữa, Già làng bước vào giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải rót đầy rượu, rồi miệng cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe. Nội dung lời khấn có ý là: Hôm nay lễ mừng cơm mới, dân bản xin được cúng một con lợn cho thần trời, thần nước, thần đất, thần núi… mong các vị thần nhận lễ cho, để dân bản cùng về đây vui hội….


Khi lễ sắm sửa hoàn tất, già làng lại bước vào đứng trước khám thờ cùng với bốn vị cao niên khác, dân bản đứng vây quanh khám thờ. Già làng bước tách hàng lên trước và cất lời khấn mang ý nghĩa: Xin các thần về dự lễ, mâm cỗ đã bày sẵn. Đứng trước lễ, xin các thần ban cho dân bản mọi sự may mắn. Tốt hay không tốt, xin thần báo già này biết trước!


Già làng bước thêm một bước đến trước mâm bồng đan bằng nứa rừng đặt bên vò rượu cần, có đặt trên mặt đĩa xin keo. Keo là hai thanh nứa có màu nâu khói bếp bản rộng, mỗi bề dài bằng một đốt tay. Sau đó già làng cầm hai thanh keo nâng lên, nhắm nghiền mắt lại khấn thầm mấy câu rồi thả keo vào đĩa có đặt sẵn một lá trầu không. Khi keo một ngửa một sấp là được tốt, già lui một bước, cùng bốn lão bản đứng sau chắp tay vái liên tục trước khám thờ. Dân bản đứng trong lễ cùng chắp tay vái mỗi người ba vái. Đến lượt già làng bưng gạo muối tung ra tứ phía rừng, vẳng tiếng ràn rạt trên mặt lá là lúc mọi người đọc lời khấn thật to như hát đồng thanh, với nội dung: Xin các thần, thấn lúa phủ hộ cho dân bản sức khỏe tốt, một vụ mùa mới sẽ may mắn, bội thu!


3


Kết thúc phần lễ là phần hội của đồng bào Bru-Vân Kiều


Kết thúc phần lễ là phần hội trong Lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy là những câu hát oát, xả nớt, chà chấp… và những trò chơi dân gian như chơi xà hùa, bóng má, cháy xà rì, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy… được dân bản tham gia rất nhiệt tình, làm cho không khí lễ hội càng thêm sôi nổi. Sau khi vui chơi với những làn điệu dân ca, các trò chơi truyền thống, người lớn, trẻ em trong bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ với nhiều món ăn dân dã, họ vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Trong bữa cơm mới đầm ấm, sum vầy, sau những lời chúc sức khỏe, những tiếng cười giòn tan, những ly rượu cần ngọt lịm là những câu chuyện về quá khứ đã qua, những lời nhắn nhủ, răn dạy của trưởng họ, các già làng và của bố mẹ dành cho con cháu của mình.


Lễ hội mừng cơm mới là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, được bà con coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây cũng là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội có giá trị đặc sắc về lịch sử cũng như văn hóa tộc người, thu hút các nhà nghiên cứu và du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá đời sống văn hóa truyền thống của người dân địa phương.


MẠNH QUANG – Ảnh: TUẤN MINH


http://vanhoanghethuat.vn/le-hoi-mung-com-moi-cua-dan-toc-bru-van-kieu-quang-binh.htm