(Thanh tra) – Thanh tra tỉnh Quảng Bình vừa có báo cáo phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 gửi UBND tỉnh Quảng Bình. Trong đó nêu rõ đối tượng tập trung trong năm 2025 là cần kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn không chỉ ở sở, ngành mà cả lãnh đạo các huyện được dư luận xã hội quan tâm.
Thanh tra tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Lê Hữu Chính
Căn cứ hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 2221/TTCP- KHTH ngày 23/10/2024, Thanh tra tỉnh xây dựng Kế hoạch năm 2025 của ngành thanh tra tỉnh Quảng Bình.
Tập trung thanh tra vào những sở, ngành, địa phương được dư luận quan tâm
Về nhiệm vụ trong năm 2025, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, ngành cấp tỉnh, bao gồm thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của giám đốc sở và thủ trưởng các ngành cấp tỉnh. Trong đó, tập trung vào những sở, ngành có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo; cần kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện, tập trung thanh tra các dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công; thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành chính sách, pháp luật trong đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều; việc quản lý và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chủ tịch UBND cấp huyện. Trong đó, tập trung vào vào những địa phương có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo; cần kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực chuyên ngành; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân trong việc chấp hành quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quản lý ngành, những lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm.
Thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của thanh tra sở, thanh tra cấp huyện nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra các vụ việc đột xuất do Chủ tịch UBND tỉnh giao (đối với Thanh tra tỉnh); do thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện giao (đối với thanh tra sở, huyện).
Tập trung chống tham nhũng
Trong năm 2025, ngành Thanh tra tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực (đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư tuyển dụng, bổ nhiệm…); phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng
Thanh tra tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh việc tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định số 07-QĐ/TU ngày 13/9/2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra tỉnh Quảng Bình nêu rõ mục tiêu trong năm 2025 là tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan. Tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, tạo sự thống nhất trong quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Đồng thời, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.
https://thanhtra.com.vn/hoat-dong-nganh-91D9B9332/thanh-tra-quang-binh-se-tap-trung-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-nguoi-co-chuc-co-quyen-ec053f3d9.html