(QBĐT) – Năm 2024, cùng với những khởi sắc nổi bật của tỉnh, ngành Văn hóa-Thể thao (VH-TT) đã có nhiều đóng góp quan trọng. Nhiều sự kiện VH-TT được tổ chức thành công, tạo dấu ấn đậm nét trong đời sống xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Bình đến bạn bè trong và ngoài nước.
Tỏa sáng hào khí anh hùng
Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Để chuẩn bị cho các sự kiện trọng đại của quê hương trong năm 2024, đặc biệt là lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024), ngay từ đầu năm, Sở VH-TT đã tập trung tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức đồng bộ, sâu rộng nhiều hoạt động. Các sự kiện đã góp phần tỏa sáng hào khí quê hương và thể hiện tấm lòng tri ân với các bậc tiền nhân, được nhân dân phấn khởi đón nhận.
Các hoạt động nổi bật trong chuỗi sự kiện có thể kể đến là cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hàng trăm tác giả trong và ngoài nước, với 445 tác phẩm đến từ 200 tác giả.
Kết quả có 3 tác phẩm xuất sắc đã được trao giải, góp phần tạo ra biểu tượng mới mang đậm bản sắc Quảng Bình. Đồng thời, Sở VH-TT đã đăng cai tổ chức thành công giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024. Lần đầu tiên diễn ra tại Quảng Bình, giải đã quy tụ 36 đội đua với gần 400 vận động viên đến từ 10 tỉnh, thành trong cả nước, thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ nhiệt tình.
Cũng trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh với chủ đề “Quảng Bình hào khí 420 năm” được tổ chức ấn tượng với 150 bức ảnh và 170 hiện vật, 74 gian hàng của các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên bảo vật quốc gia “Ấn Tuần phủ Đô tướng quân” được trưng bày, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách.
Đặc biệt, lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Quảng Bình hành trình Khát vọng-Phát triển” đã được tổ chức trang trọng và hoành tráng, góp phần ôn lại những ký ức hào hùng và tỏa sáng hào khí quê hương. Với chương trình nghệ thuật đặc biệt được dàn dựng công phu kết hợp với màn trình diễn ánh sáng công nghệ cao và 1.000 chiếc flycam Drone, tạo ra những hình ảnh tiêu biểu và đẹp nhất về Quảng Bình. Đây là sự kiện nổi bật, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình các tỉnh bạn, được đại biểu, nhân dân và du khách đánh giá cao.
Cùng với đó, các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn cũng được phối hợp tổ chức trọng thể. Ký ức về những tháng năm gian khổ, hy sinh nhưng đầy vinh quang, tự hào được ôn lại với nhiều cảm xúc, sống động.
Đặc biệt, dịp kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đã diễn ra triển lãm ảnh “Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ”.
Với 103 bức ảnh như những thước phim quay chậm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của vị tướng huyền thoại được trưng bày trong không gian trang trọng và khoa học. Những bức ảnh tư liệu quý đã giúp người xem sống lại những ký ức hào hùng của một thời chống giặc ngoại xâm giành nền độc lập dân tộc, trên hết đó là niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người luôn bình dị, gần gũi với nhân dân.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Năm 2024, với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, toàn tỉnh đã có thêm 6 di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng lên 147 di tích.
Đặc biệt, mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT và Du lịch đã ký quyết định công nhận 3 di sản của Quảng Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa (thuộc loại hình lễ hội truyền thống), hát tuồng bội xã Hưng Trạch (Bố Trạch) và hát sắc bùa huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian). Hiện Quảng Bình đang sở hữu 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 13 di sản được Bộ VH-TT và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh các hoạt động bảo tồn, sự kiện đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian hát Kiều đã được tổ chức thành công, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Với lịch sử đầy biến động, thăng trầm, để hát Kiều trở thành di sản như hôm nay là sự cố gắng bền bỉ của cấp ủy, chính quyền và các thế hệ nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản của cha ông.
Năm 2024, Sở VH-TT đã ban hành 4 quyết định thanh tra, kiểm tra. Trong đó, 2 quyết định thanh tra chuyên ngành lĩnh vực di sản văn hóa; 2 quyết định kiểm tra chuyên ngành về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lĩnh vực quảng cáo. Đồng thời, tổ chức 18 cuộc kiểm tra trên lĩnh vực hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa; kinh doanh dịch vụ thể thao; hoạt động quảng cáo đối với 69 tổ chức và cá nhân; ban hành 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 42 triệu đồng; buộc tháo gỡ 2 biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm.
|
“Đặc biệt, trong năm 2024, hành trình kết nối di sản văn hóa với du lịch cũng tạo nhiều khởi sắc mới thông qua việc tiếp tục triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Các hoạt động của dự án đã thu hút sự tham gia tích cực của đồng bào Bru-Vân Kiều, Chứt và cộng đồng các dân tộc thiểu số khác, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Qua các lớp tập huấn, hoạt động giao lưu văn hóa, khôi phục và trình diễn nghệ thuật, ẩm thực của các tộc người… đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa quý báu của mình. Đây chính là nền tảng vững chắc để Quảng Bình tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời góp phần khai thác, phát triển du lịch bền vững” bà Nguyễn Thị Bích Thủy trao đổi thêm.
Nội Hà
https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/tri-an-va-quang-ba-hinh-anh-que-huong-2223125/