(QBĐT) – Tháng 6/2023, tôi thực hiện bài viết “Hành trình đi tìm những người lính “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, phản ánh câu chuyện những người con đi tìm cha là liệt sỹ Đại đội 9 (C9), Tiểu đoàn 6 (D6), Trung đoàn 270 (E270), Quân khu 4 đóng quân tại Đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Trị), đêm đêm vượt sông Bến Hải vào Nam diệt giặc. Trong trận đánh ngày 17/6/1969, trên đường rút quân về rừng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh thì bị lộ. Trận đánh không cân sức diễn ra, 53 người lính C9 lần lượt ngã xuống… Chỉ huy trận đánh là Đại đội trưởng Trần Đình Thân.
Nam chinh
Trong 53 liệt sỹ C9, D6, E270 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, quê quán trải dài khắp cả nước: Hà Nội, Hà Bắc (cũ), Hải Hưng (cũ), Nam Hà (cũ), Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Linh… Riêng tỉnh Quảng Bình có 3 liệt sỹ, gồm: Đại đội phó Nguyễn Bá Mễ (xã Quang Phú, TP. Đồng Hới), Dư Văn Quế (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) và Đinh Thế Chư (xã Xuân Hóa, Minh Hóa).
Hơn 54 năm sau, được sự nhất trí của chính quyền tỉnh Quảng Trị, thân nhân các liệt sỹ C9 cùng nhau tổ chức một lễ giỗ chung cho những người đã khuất tại chính nơi họ ngã xuống. Trong lễ giỗ chung này, qua câu chuyện đi tìm đồng đội của cựu chiến binh C9 Nguyễn Văn Minh (SN 1949, quê quán xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), đang sinh sống tại phường Linh Tây, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), nguyên chiến sĩ liên lạc cho đại đội trưởng Trần Đình Thân, tôi mới hay ông Trần Đình Thân hy sinh tại chiến trường Campuchia, phần mộ hiện ở Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc (Bố Trạch).
Tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc, mộ của người Đại đội trưởng C9, D6, E270 năm xưa ghi rõ: Liệt sỹ Trần Đình Thân; sinh ngày 10/6/1945; nguyên quán: Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình; cấp bậc, chức vụ: Đại tá; hy sinh ngày 11/12/1985. Lần theo địa chỉ trên, tôi về xã Văn Hóa và gặp gỡ, trò chuyện với bà Lương Thị Hậu (SN 1943), vợ liệt sỹ Trần Đình Thân.
Ông Trần Đình Thân nhập ngũ tháng 2/1964, đơn vị D6, E270, Quân khu 4. Tháng 8/1967, ông Thân là chuẩn úy, Đại đội trưởng C9, D6, E270. Tại vùng đất giới tuyến, C9 đóng quân ở xã Vĩnh Chấp, đêm đêm vượt sông Bến Hải “đánh giặc Nam”. Sau trận đánh ngày 17/6/1969, đến tháng 10/1970, ông Trần Đình Thân làm tiểu đoàn phó D5, E270 tiếp tục chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên. Chiến trường miền Nam cuốn lấy những người lính trường chinh như ông Thân sâu vào phía trong cho đến ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi.
Tây chiến
Đất nước thống nhất, tháng 6/1978, thiếu tá Trần Đình Thân là Trung đoàn phó Trung đoàn 2, Sư đoàn 316 (E2, F316), Quân khu 2. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, ông được điều vào làm Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 8 (F8), Quân khu 9 trực tiếp tham gia đánh Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam. Từ tháng 3/1982-7/1984, ông Trần Đình Thân theo học lớp đào tạo sĩ quan cao cấp tại Học viện Quân sự cấp cao. Sau khóa học, ông Thân quay về làm Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 339 (F339), Quân khu 9 với cấp bậc đại tá.
F339 thành lập tháng 3/1978, thời điểm cuộc chiến tranh do tập đoàn phản động Pôn Pốt phát động ở biên giới Tây Nam bước vào giai đoạn căng thẳng, ác liệt nhất. Đây là đơn vị chủ lực cấp sư đoàn đầu tiên của lực lượng vũ trang Quân khu 9 gồm 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 4 cơ quan và các tiểu đoàn trực thuộc.
Lịch sử F339 ghi nhận: Với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, F339 vừa chiến đấu, vừa ổn định biên chế. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, đặc biệt là sự tin yêu, giúp đỡ hết lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo mọi điều kiện giúp cán bộ, chiến sĩ F339 vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Trong 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, cán bộ, chiến sĩ F339 chiến đấu hàng nghìn trận lớn nhỏ, diệt hơn 10.000 tên địch, bắt sống 1.500 tên; giải phóng hơn 30.000 người dân, thu hàng nghìn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh của tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xary.
Trong những kỷ vật chiến trường bà Lương Thị Hậu đang cất giữ, tôi tiếp cận được cuốn “Sơ yếu lý lịch” của đại tá Trần Đình Thân. Dòng chữ cuối cùng ông ghi đầu tháng 12/1985. Đại tá Trần Đình Thân hy sinh ngày 11/12/1985. Bà Lương Thị Hậu nhớ lại: “Đồng đội ông ấy kể, nghe đến tên Trần Đình Thân, lính Pôn Pốt đều khiếp sợ, chúng gọi ông là hùm xám chiến trường. Trong một chuyến đi kiểm tra trận địa, xe ô tô chở ông ấy trúng phải mìn…”
Vọng phu thờ chồng…
Một thời nam chinh… tây chiến, đại tá Trần Đình Thân kết hôn với bà Lương Thị Hậu, một hoa khôi của Hợp tác xã Lê Lợi, xã Văn Hóa vào năm 1971. Hai vợ chồng ít có cơ hội bên nhau dài ngày, thời gian “làm chồng, làm vợ” đếm trên đầu ngón tay. Năm 1972, ông Thân về phép, bà Lương Thị Hậu đón nhận tin vui. Mùa gặt vụ 8 năm đó, bà Thân ra đồng thu hoạch lúa cùng xã viên, trong lúc làm việc không may bị sỉa chân trượt ngã, cái thai bị sẩy…
Khi đại tá Trần Đình Thân hy sinh, bà Lương Thị Hậu mới 42 tuổi. Nhiều người đánh tiếng muốn chắp nối với bà, nhưng ai ai cũng nhận được một cái lắc đầu quả quyết. Bà Hậu ở vậy, trở thành vọng phu thờ chồng, thờ con… Thời gian trôi qua gần hết đời người. |
Chiến tranh cuốn đại tá Trần Đình Thân sâu vào phía Nam, rồi cùng đồng đội sang Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế. “Từ đó đến khi hay tin ông Thân mất, có mấy bận ông ấy tranh thủ ghé qua nhà. Mà duyên phận thế nào, tôi chẳng được mang thai lần nữa”, bà Hậu ngậm ngùi.
“Ông ấy đi chiến trường Campuchia, gửi về tặng vợ một chiếc võng, một cái đèn pin, một cái đồng hồ và một chiếc đài bán dẫn. Lúc ông ấy mất, thần giao cách cảm thế nào… tôi đang nằm võng thì võng đứt, cái đèn pin bật thì bóng cháy, cái đồng hồ dừng chạy, chiếc đài đang nói bỗng im bặt…”, bà Lương Thị Hậu kể. Rồi bà vào phía đầu giường nằm loay hoay tìm chiếc đài kỷ vật của chồng. Bà ngồi đối diện với tôi, hai bàn tay nhăn nheo nâng niu, vuốt ve chiếc đài: “Tôi chỉ còn lại nó làm bạn… Mỗi lần nhớ đến ông ấy, tôi lại lấy chiếc đài ra ngắm, lau chùi. Ông ấy mất… đến nay cũng ngót nghét gần 39 năm”.
Ngô Thanh Long
https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202412/mot-thoi-nam-chinh-tay-chien-2223181/