Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeQuảng BìnhNgười đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

Người đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

(QBĐT) – Không ít người khi tìm hiểu về đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tự đặt câu hỏi: Trong khi phần lớn đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) là người các tỉnh miền núi phía Bắc lại có tới ba người quê Quảng Bình. Họ ly hương vì mục đích đấu tranh giải phóng dân tộc bằng hành trình khác nhau rồi nhận ra đồng hương trên bước đường hoạt động cách mạng: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sâm (Trần Văn Kỳ) và Võ Văn Luận (Võ Văn Dảnh). Trong đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ giao nhiệm vụ chỉ huy chung và Hoàng Sâm trở thành Đội trưởng đầu tiên Đội VNTTGPQ.

Tham gia cách mạng từ năm 1927, hoạt động ở Thái Lan rồi qua Trung Quốc, giữa năm 1940, Trần Văn Kỳ quyết định rời “Điền Kiềm Quế Biên khu du kích đội” sang Tĩnh Tây. Tại đây, đồng chí may mắn gặp lại Thầu Chín-Nguyễn Ái Quốc và được Người đặt cho bí danh Hoàng Sâm. Thời gian theo học Trường Trương Bội Công ở Tĩnh Tây, Hoàng Sâm kết thân với đồng hương Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp). Sau lần gặp gỡ đặc biệt này, Hoàng Sâm cùng 40 cán bộ của Cao Bằng quyết định bỏ trường về nước hoạt động.

Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, tháng 5 năm đó, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ VIII tại Khuổi Nậm. Việc triệu tập và bảo đảm đưa đón các đại biểu về Pác Bó an toàn cực kỳ khó khăn và mạo hiểm. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin cậy, Hoàng Sâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức đường dây qua Lạng Sơn đón các đại biểu về dự hội nghị.


Đồng Chí Hoàng Sâm Thời Kỳ Chỉ Huy Mặt Trận Tây Tiến.
Đồng chí Hoàng Sâm thời kỳ chỉ huy Mặt trận Tây Tiến.

Cuối năm 1941, Đội du kích Pác Bó thành lập. Hoàng Sâm làm Đội phó, sau đó là Đội trưởng. Cuối năm 1943, Đội du kích Cao Bằng phân tán lực lượng đi làm nòng cốt xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng ở các địa phương. Với bí danh Trần Sơn Hùng, Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức Đội bảo vệ cho các tổ xung phong Nam tiến.

Tháng 10/1944, phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc phát triển mạnh, Nguyễn Ái Quốc chỉ thị: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng”. Người giao nhiệm vụ tổ chức, thành lập Đội VNTTGPQ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp với lời nhắc nhở, quán triệt phương châm “Người trước, súng sau”. Sau khi cân nhắc, 34 đội viên được lựa chọn. Đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên. Trước ngày thành lập đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp, báo cáo và lãnh tụ Hồ Chí Minh hoàn toàn nhất trí các nội dung, trong đó có việc lựa chọn Hoàng Sâm làm đội trưởng.

Đội VNTTGPQ là đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội cách mạng hoạt động theo phương châm chính trị trọng hơn quân sự; vừa xây dựng cơ sở, phát triển phong trào vừa tác chiến theo kiểu du kích, cơ động, bí mật, bất ngờ “lai vô ảnh, khứ vô tung”…

Hoàng Sâm lăn lộn với phong trào cách mạng ở vùng Lục Khu (Cao Bằng), gắn bó với nhân dân và am hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, nắm rõ tình hình địch và thông thạo địa hình. Đặc biệt, Hoàng Sâm với bí danh Trần Sơn Hùng tạo dựng được uy tín, tầm ảnh hưởng to lớn không chỉ trong đồng bào các dân tộc ở vùng Lục Khu mà còn thu phục rất nhiều toán thổ phỉ khét tiếng vùng Cao-Bắc-Lạng lúc bấy giờ.

Hàng chục năm trôi qua nhưng trong ký ức nhiều người dân Cao Bằng vẫn không quên những câu chuyện đời thực có phần nhuốm màu huyền thoại về Trần Sơn Hùng. Các trùm phỉ khét tiếng vùng Lục Khu gọi Hoàng Sâm là “ông Trần”. Chỉ nghe danh “ông Trần”, trùm phỉ khét tiếng trong vùng, như: Voòng A Sáng, Voòng A Sình, Lý Xíu… đều phải dè chừng, kiêng nể.

Với khả năng uống một lúc vài lít rượu, biệt tài phi ngựa không cần yên cương, bắn súng bằng cả hai tay bách phát, bách trúng, Trần Sơn Hùng nhiều lần vào tận sào huyệt các trùm phỉ để thu phục chúng qua thách đấu bắn súng, phi ngựa, uống rượu, ném lựu đạn, bắn cung… Ông La Thanh, đội viên Đội VNTTGPQ, người chứng kiến nhiều cuộc đấu trí, đấu tài giữa Trần Sơn Hùng và trùm phỉ Lý Xíu kể lại rằng, sau nhiều lần chạm trán như vậy, Lý Xíu đã phải thốt lên: “Tôi thật có mắt không ngươi, đứng trước núi Thái Sơn mà không biết. Xin bái phục, bái phục” và xin kết nghĩa huynh đệ với “ông Trần”.

Ngay từ buổi đầu thành lập Đội VNTTGPQ và trong suốt quá trình hoạt động, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội trưởng Hoàng Sâm luôn thấm nhuần sâu sắc phương châm “chính trị trọng hơn quân sự và vũ trang tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Tại những địa bàn Đội VNTTGPQ đi qua, công tác vũ trang tuyên truyền trong dân được quán triệt đặt lên hàng đầu. Hoàng Sâm chỉ thị cho toàn đội giữ gìn tài sản cho dân, không “tơ hào” bất cứ thứ gì của bà con dân bản.


Rừng Trần Hưng Đạo, Nơi Thành Lập Đội Vnttgpq.
Rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Hoàng Sâm không chỉ là một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự” mà còn là một nhà tổ chức và chỉ huy tài ba. Trên cương vị là Đội trưởng, Hoàng Sâm trở thành hạt nhân đoàn kết của toàn Đội VNTTGPQ. Thành phần Đội VNTTGPQ buổi đầu thành lập chủ yếu lựa chọn từ đội vũ trang các châu: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Ngân Sơn… và một số cán bộ học quân sự ở Trung Quốc về. Họ đến từ nhiều vùng quê, xuất thân từ nhiều thành phần dân tộc khác nhau, trình độ nhận thức và hiểu biết về quân sự cũng có sự chênh lệch khá lớn.

Trong bối cảnh đó, đội trưởng Hoàng Sâm cùng với chính trị viên Dương Mạc Thạch tranh thủ mọi thời gian gần gũi, tìm hiểu về lai lịch, tâm tư, sở trường, sở đoản từng người, tận tâm giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo, đối xử bình đẳng với mọi người, không phân biệt thành phần xuất thân, quê quán, dân tộc, trình độ cao hay thấp. Nhiều đội viên lúc còn sống, như: Hoàng Văn Thái, Bế Kim Anh, Tô Tiến Lực… đều có chung nhận xét: Hoàng Sâm là một chỉ huy cương trực, tuy có phần nóng tính nhưng rất hòa đồng, giàu lòng vị tha, luôn coi trọng và đối xử với anh em đội viên như những người anh em ruột thịt, không câu nệ chỉ huy hay cấp dưới.


Năm 1948, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam có 11 người thì hai người con quê hương Quảng Bình ưu tú là Võ Nguyên Giáp nhận cấp hàm Đại tướng và Hoàng Sâm nhận cấp hàm Thiếu tướng. Năm 1969, Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh tại chiến trường Trị-Thiên khói lửa ở tuổi 54, khi tài năng quân sự đang độ chín và tỏa sáng cống hiến.

Hai trận đánh Phai Khắt và Nà Ngần, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đội trưởng Hoàng Sâm chỉ huy toàn đội thực hiện xuất sắc phương châm “Lấy chiến thắng để tuyên truyền vũ trang. Lấy tuyên truyền vũ trang để giành chiến thắng mới” như lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị lúc thành lập. Sau các trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu, Đội VNTTGPQ phát triển lên thành đại đội, Hoàng Sâm tiếp tục được giao làm Đại đội trưởng. Tết Ất Dậu năm 1945, chính Hoàng Sâm là người khởi xướng chương trình hoạt động của Đại đội VNTTGPQ mang tên “Mùa Tết chiến đấu” giải phóng Ngân Sơn, Chợ Rã… Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Hoàng Sâm chỉ huy một bộ phận của VNTTGPQ tiến đánh quân Nhật ở Phủ Thông, Thái Nguyên, Bắc Kạn…

Ngày 15/5/1945, VNTTGPQ cùng Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân, Hoàng Sâm tiếp tục lãnh đạo lực lượng Việt Nam Giải phóng quân xây dựng và bảo vệ khu giải phóng Cao-Bắc-Lạng-Thái-Tuyên-Hà, rồi chỉ huy đánh quân Nhật, dẹp trừ các tổ chức phản loạn tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Yên… 

ĐẠI TÁ, PGS. TS. Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Viện Lịch sử quân sự

TS. Nguyễn Thị Thùy Trang, Học viện chính trị Khu vực III

https%3A%2F%2Fbaoquangbinh.vn%2Fchinh-tri%2F202412%2Fnguoi-doi-truong-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-2223196%2F