(QBĐT) – “Có nhà văn đàn anh nói với tôi: Phải vượt lên mọi đề tài mới thành danh! Tôi đã thử vượt nhưng rốt cuộc, chỉ khi viết về những gì mình gắn bó, am tường… tôi mới cảm thấy “thuận tay” và được bạn đọc quan tâm, chia sẻ. Vì thế, tôi vẫn kỳ vọng vào những thành quả tương lai trên cánh đồng thân thuộc của mình”. Nhà thơ Mai Nam Thắng đã chia sẻ những lời gan ruột như thế khi nhìn lại nghiệp văn chương của mình. Với ông, người lính, chiến tranh chính là “cánh đồng thân thuộc” mà ở đó, ông như tìm thấy những xúc cảm mãnh liệt nhất và khẳng định được chỗ đứng của chính mình bằng “những thành quả tương lai”.
Với nhà thơ Mai Nam Thắng, chuyện về chiến tranh, về những người lính luôn sống động như thể những ngày đã qua và những không gian xưa cũ chưa bao giờ phai nhạt. Ký ức ngày hôm qua đã để lại cho ông những tứ thơ lạ, những bài thơ đầy sức nặng về đất nước, quê hương và những người lính.
Nhà thơ Mai Nam Thắng sinh năm 1958, tại xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa). Ông lớn lên giữa khốc liệt của chiến tranh và ý chí quật cường của những người dân vùng tuyến lửa bên bờ sông Gianh. Hình ảnh người lính, người mẹ, người vợ chờ chồng con từ chiến trường đã ăn sâu vào ký ức ông.
Cũng chính từ nơi đây, những vần thơ về người lính, về chiến tranh của Mai Nam Thắng ra đời-không phải từ tưởng tượng, mà được vun bồi từ chính những trải nghiệm, khoảnh khắc ông đã sống cùng những người lính, hiểu họ và yêu mến họ bằng một tình cảm chân thành nhất. “Có những điều chưa kịp vào trang sách/Mà sao em nói rạch ròi?/Thoáng ngỡ ngàng thầy đã hiểu em ơi/Khi đất nước lại lên đường đuổi giặc/Có bài giảng nào hùng hồn, sâu sắc/Bằng những âm thanh vang dội chiến trường”. Đó là những câu thơ trong bài thơ về chiến sự, cũng là bài thơ đầu tay của ông được đăng báo. Rồi cứ thế, đề tài chiến tranh và người lính cứ “đeo” mãi theo ông như duyên nợ.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Mai Nam Thắng nhập ngũ năm 1980. Chặng đường từ một binh nhì trẻ tuổi cho đến khi trở thành đại tá trong Quân đội là hành trình của sự trưởng thành trong cảm nhận và suy tư. Những cung đường ông đã đi qua, những con người bình dị ông đã gặp, tất cả đều khắc sâu vào ký ức. Vì thế, thơ ông không phải là những lời hoa mỹ, mà là những đoạn đời chân thực, đầy xúc cảm.
Trong Từ thủa Binh nhì, ông kể lại hành trình của một người lính từ những ngày đầu bỡ ngỡ đến khi trưởng thành, nhận thức rõ hơn về sự hy sinh và mất mát. Trong Lèn Hà bi tráng, ông đã khéo léo kể lại câu chuyện về những chiến sĩ thông tin hy sinh anh dũng khi truyền lệnh giữa bom đạn. Họ ngã xuống để giữ cho mạch máu thông tin không bao giờ đứt quãng. Mai Nam Thắng bảo: “Viết về người lính vừa là trách nhiệm, vừa là cách tôi tri ân những đồng đội đã hy sinh. Mỗi trang viết là một lời hứa giữ gìn những ký ức không bao giờ phai nhạt”. Đó là lời hứa của một người lính-lời hứa không để cho những ký ức về đồng đội, về cuộc chiến và những hy sinh ấy chìm vào quên lãng.
Những năm tháng khi đất nước đã hòa bình, là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, ông đã có những chuyến công tác đến với cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa, lên với đất lửa Điện Biên hay biên giới Tây Nam… Những chuyến đi ấy đã đưa ông đến gần hơn với những người lính, hiểu sâu sắc những vất vả, hy sinh của họ. Ông sống cùng, ăn chung bữa cơm, nghe kể những câu chuyện đời thường và cả những ước mơ dang dở. Những trang ký sự như Trường Sa nhìn gần, Lèn Hà bi tráng, Dọc đường lên Điện Biên là những thước phim tư liệu quý giá, là bức tranh tâm lý sống động về đời lính. Trong đó, ông khắc họa những con người bình dị nhưng phi thường, mang trên vai trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc nhưng vẫn giữ trọn tình yêu với gia đình, quê hương.
Từng chi tiết nhỏ mỗi tác phẩm đều được viết bằng sự trân trọng và cảm phục. Ông bảo, chuyến đi Trường Sa vào mùa hè 1989 là một dấu mốc lớn trong cuộc đời cầm bút của mình. Ông đã theo tàu vận tải ra đảo Thuyền Chài, sống cùng các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những ngày gian khổ ấy, Mai Nam Thắng đã cảm nhận rõ hơn những khó khăn, vất vả của người lính biển.
Mãi về sau, đã nhiều lần quay trở lại đảo trên những con tàu hiện đại hơn nhưng không đâu có được cảm xúc như những ngày tháng gian khổ ấy. Những chuyến đi, những câu chuyện mà ông ghi lại đã giúp Mai Nam Thắng tạo nên nhiều tác phẩm đầy sức sống, phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc đời người lính. Ông đã viết về họ với tất cả sự trân trọng, quý mến, bởi với ông, mỗi người lính đều có một câu chuyện riêng, một hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng thấu hiểu.
Ông luôn tìm cách khuyến khích những người viết trẻ, đặc biệt là những cây bút thử sức với đề tài chiến tranh và người lính. Với ông, chiến tranh và người lính không chỉ là ký ức mà còn là giá trị sống động trong văn học, cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ, để thấy được chiều sâu nhân văn và giá trị trường tồn của những trải nghiệm.
Nhà thơ Mai Nam Thắng nguyên là Trưởng Ban biên tập Báo Quân đội Nhân dân.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Nhớ về miền cát trắng (tập thơ in chung năm 1997), Mùa cũ (tập thơ, 2003), Cổ tích làng cát (trường ca, 2004), Từ thủa Binh nhì (tập thơ, 2014), cùng 4 tập truyện ký (Mười hai năm phác họa, Căn hộ thế chấp, Đi tàu chợ cùng Đại tướng, Ký ức khoai deo) và 2 tập phê bình-tiểu luận (Với Mẹ và sông, Theo dòng sáng tạo)…
Giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi viết về đề tài Hải quân năm 1990 (Chuyện tình chép ở Trường Sa); 2 lần đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Bộ Quốc phòng, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam về đề tài biển đảo năm 2020 và nhiều giải thưởng tại cuộc thi sáng tác khác.
|
Vì “những giá trị trường tồn” mà ông nhắc đến nên thơ văn của Mai Nam Thắng không hào nhoáng, cầu kỳ nhưng luôn chạm đến trái tim người đọc bằng chính những trải nghiệm mộc mạc. Như nhận xét của PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Thơ Mai Nam Thắng đi theo mạch truyền thống, thiên về giản dị, ấm áp, chân tình. Anh trọng cảm xúc và ý tưởng hơn là nghệ thuật diễn đạt. Không tỏ ra cầu kỳ hình thức, không bị lệ thuộc vào chữ nghĩa, thơ anh tự nhiên như chính cuộc sống đời thường”.
Với Mai Nam Thắng, giữ lửa ký ức không hẳn là khắc họa những hình ảnh hào hùng hay bi tráng, mà là cách ông soi chiếu những vết thương lòng, những ước mơ dang dở, những tình cảm bình dị của người lính trong những ngày tháng cam go. Như cây lau kiên cường trong bài thơ “Lau trắng Điện Biên”, mỗi câu chữ của Mai Nam Thắng như một nhành lau vươn lên giữa bão giông, không quên cội nguồn, không quên những nỗi đau và những giấc mơ không thành.
Diệu Hương
https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/nguoi-giu-lua-ky-uc-2223193/