VHO – Hội thảo khoa học “Trang phục dân tộc Chứt, nhu cầu, cách tiếp cận và định hình” nhằm giới thiệu, định hình một bộ trang phục truyền thống mang bản sắc văn hoá của người Chứt ở Quảng Bình.
Ngày 22.12, tại thành phố Đồng Hới, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở VHTT Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học “Trang phục dân tộc Chứt, nhu cầu, cách tiếp cận và định hình”.
Đây là hoạt động của Sở VHTT Quảng Bình triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển Du lịch”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Người Chứt là một trong những dân tộc có dân số ít dưới 10.000 người, cư trú chủ yếu tại vùng núi đá vôi ở phía tây tỉnh Quảng Bình và một phần miền núi tỉnh Hà Tĩnh.
Người Chứt có 5 tộc người, bao gồm Sách, Mày, Mã Liềng, Rục và A Rem. Giữa các nhóm tộc người địa phương có những nét tương đồng và sự giao thoa văn hóa với các tộc người bên ngoài.
Tuy nhiên, trong quá trình sinh tồn, nhiều yếu tố văn hóa của người Chứt đã bị mai một, trong đó có trang phục. Người Chứt là thành phần duy nhất trong 54 dân tộc Việt Nam chưa có trang phục mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã tham luận, thảo luận làm rõ các nội dung về việc xây dựng bộ y phục mang bản sắc tộc người Chứt; cơ sở khoa học và cách tiếp cận trong định hình trang phục dân tộc Chứt…
Các nghiên cứu cho rằng, trước đây, trang phục truyền thống của người Chứt bao gồm áo, khố được làm từ vỏ cây rừng, lá rừng, hoặc một số da động vật.
Sau này, người Chứt sử dụng các loại trang phục dệt vay mượn từ các tộc người cận cư như với nhóm Việt – Mường (thông qua trang phục nhóm Nguồn), nhóm Tày – Thái (thông qua trang phục dân tộc Lào), nhóm Môn – Khơ me (thông qua trang phục nhóm Khùa, Ma Coong)…
Đặc biệt, tham luận “Đề xuất trang phục dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình: Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất mẫu” đã giới thiệu chi tiết 3 mẫu trang phục truyền thống của người Chứt dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào, phù hợp với sắc thái dân tộc, điều kiện thực tế.
Thông tin tại hội thảo, 3 mẫu trang phục này đã nhận được sự đồng thuận của đồng bào dân tộc Chứt thông qua các chuyến khảo sát, điền dã, lấy ý kiến tại 3 huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Những mẫu thiết kế trang phục này dựa vào 5 màu trang trí, đó là những nét đặc trưng về văn hoá, tập tục, thị hiếu, nét sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Chứt. Trong đó có những biểu tượng như con voọc chà vá chân nâu, núi, hang đá, màu xanh lá ráng…
Các đại biểu và đại diện người Chứt ở một số địa phương ở Quảng Bình đã trao đổi, góp ý về bộ trang phục truyền thống của Chứt phải đồng bộ, hài hoà, mang tính thẩm mỹ. Bên cạnh đó, toát lên nét đặc trưng vùng miền, thuận tiện trong sinh hoạt cộng đồng…
Kết thúc hội thảo, ông Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học & Nhân học Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tại Hội thảo.
Theo ông Nam, kết quả đạt được sẽ góp phần “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có dân số ít người”; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Chứt trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
https://baovanhoa.vn/van-hoa-du-lich-dan-toc-thieu-so/dinh-hinh-bo-trang-phuc-truyen-thong-cua-nguoi-chut-116308.html