(QBĐT) – Để nâng tầm giá trị các loại vật nuôi, Hội Nông dân (ND) xã Xuân Hóa (Minh Hóa) đã thành lập Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm thôn Tân Xuân. Việc thành lập tổ hội giúp bà con đoàn kết, phát triển thành viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm để cùng nhau phát triển sản xuất theo hướng bền vững…
Chi hội ND thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa có trên 50 hội viên. Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của hội viên ND gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết hay quy trình sản xuất rõ ràng. Để giải quyết những khó khăn đó, Hội ND xã Xuân Hóa quyết định cho thành lập Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm thôn Tân Xuân.
Chủ tịch Hội ND xã Xuân Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Mục đích thành lập tổ hội là để tập hợp hội viên ND cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, thông qua các hoạt động như: Giúp đỡ, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình, bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi; tập hợp tâm tư, nguyện vọng của hội viên, thành viên để chuyển tải đến các cấp ủy, chính quyền những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn…”
Sau khi thành lập, Tổ hội ND nghề nghiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp cho hội viên; phối hợp với các cấp Hội ND tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; xây dựng phương án sản xuất, ký kết với các đơn vị liên quan để cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y… cho các hộ chăn nuôi. Mỗi tháng, tổ sinh hoạt một lần, các nội dung sinh hoạt chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, thuốc thú y, tiêu thụ sản phẩm…
Anh Đinh Quang Thao, Tổ trưởng Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm thôn Tân Xuân cho biết: “Trong quá trình hoạt động, tổ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên trong tổ còn lập nhóm zalo để cập nhật giá lợn, gà hàng ngày và chia sẻ các loại thức ăn, thuốc thú y… trong chăn nuôi. Để hạn chế các dịch bệnh cho đàn vật nuôi, các thành viên trong tổ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống”.
Trước đây, gia đình anh Thao chỉ dựa vào 3 sào ruộng công và đi làm thuê nên vô cùng chật vật, khó khăn. Để giúp anh phát triển kinh tế gia đình, cấp ủy, chính quyền và các cấp hội ND hỗ trợ, tạo điều kiện cho anh đi học nghề thú y và phát triển chăn nuôi lợn, bò, gà…
Nhờ có kiến thức, anh bắt tay mở rộng diện tích chuồng trại nuôi gà, lợn với gần 800m2. Mỗi năm, anh nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa 1.000 con, giúp anh thu lãi gần 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh nuôi khoảng 100 con lợn thịt, 6 con lợn nái, trồng 4ha rừng, làm dẫn tinh viên (chuyên thụ tinh cho bò) giúp tổng thu nhập gia đình anh đạt khoảng 300 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí.
Năm 2011, anh Đinh Thanh Lực, ở thôn Tân Xuân quyết định mua lợn nái về nuôi. Trước khi nuôi quy mô lớn, anh học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, thú y tại các lớp đào tạo nghề và tìm hiểu thực tế từ những người chăn nuôi lợn trên địa bàn và qua các phương tiện thông tin.
“Tôi thấy chăn nuôi là hướng đi phù hợp với đất đai, thời tiết ở xã Xuân Hóa. Người ND nếu cần chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chăm chỉ lao động, mạnh dạn đầu tư gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả. Từ suy nghĩ đó, tôi đã đầu tư nguồn vốn để mở rộng chuồng trại có mái che, quạt, hầm biogas… phục vụ nuôi gà, lợn”, anh Lực chia sẻ.
Hiện tại, gia trại của anh Lực nuôi 12 con lợn nái sinh sản, bình quân đàn lợn đẻ trên 200 con/năm. Từ những con giống đó, khi nuôi đạt trọng lượng khoảng 100kg anh sẽ cho xuất chuồng, bán ra thị trường khoảng 200 con lợn thịt/năm. Với giá thịt lợn hơi dao động 60.000-70.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu về khoảng 1 tỷ đồng. Cùng với số tiền bán gà, mỗi năm gia đình anh Lực có lãi ròng trên 400 triệu đồng.
Thấy anh Thao, anh Lực chăn nuôi lợn, gà hiệu quả, nhiều hộ dân trong thôn đã đến học tập kinh nghiệm, mua giống về nuôi. Đến nay, cả thôn Tân Xuân có khoảng 20 hộ phát triển chăn nuôi có quy mô. Riêng Tổ hội ND nghề nghiệp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có 5 thành viên, mỗi năm nuôi trên 500 con lợn thịt, gần 10.000 con gà các loại, nâng tổng đàn lợn toàn xã Xuân Hóa lên 4.900 con, đàn gia cầm 19.000 con. Nhờ đó, kinh tế gia đình các hộ ND trong thôn ngày càng đi lên.
Theo Chủ tịch Hội ND huyện Minh Hóa Đinh Hoàng Long, nhờ phát triển nuôi gia súc, gia cầm nên nhiều hội viên ND thôn Tân Xuân trở thành hộ khá, giàu. Để giúp Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm thôn Tân Xuân phát triển, hội sẽ đề xuất lên hội cấp trên hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ ND cho các hội viên vay mở rộng sản xuất. Đồng thời, tổ chức cho các thành viên trong và ngoài tổ tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh; đồng thời giới thiệu các nội dung thông tin liên quan đến thị trường, liên kết bao tiêu sản phẩm hàng hóa…
“Hiện tại, xã Xuân Hóa có 1 hợp tác xã (HTX) nuôi ong lấy mật, 1 HTX nông sản, 1 chi hội nuôi ong đoàn kết và 3 Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau. Đa số các HTX, chi hội, tổ hội kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, góp phần tập hợp hội viên, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, mua bán con giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh…”, Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa Đinh Lâm Sòng cho biết. |
Xuân Vương
https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/nang-tam-gia-tri-dan-vat-nuoi-2223239/