Sau ảnh hưởng của cơn bão số 6 vào tháng 10/2024, vùng ven biển ở 3 thôn của xã Thanh Trạch bị sạt lở nghiêm trọng hơn; xâm thực, xói lở đã ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 150m, chiều dài trên 1km.
Tình trạng xâm thực và sạt lở gây ảnh hưởng đến 450 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu, phá hủy nhiều diện tích hồ nuôi tôm tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch.
Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN
Tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển đoạn qua xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) diễn ra đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và khiến người dân địa phương rất lo lắng.
Dẫn phóng viên TTXVN ra vùng bờ biển bị sạt lở, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, cả tuyến bờ biển đoạn qua xã dài hơn 2km, chạy qua 3 thôn Thanh Xuân, Thanh Hải và Thanh Gianh đều bị ảnh hưởng lớn từ sạt lở. Riêng tại thôn Thanh Xuân bị nghiêm trọng nhất khi có 450 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, có 6 hộ đầu tư hồ nuôi tôm, mỗi hồ trên dưới 2 tỷ đồng, đưa vào sản xuất chưa lãi được bao nhiêu đành chấp nhận bỏ cho sóng cuốn trôi. Hiện những dãy nhà xây làm nơi ở cho người trông coi hồ tôm, nơi để dụng cụ, máy móc, thức ăn đang bỏ dở, hoang phế. Hàng cây phi lao chắn sóng, trồng được 7 – 8 năm tuổi, bảo vệ các hồ tôm, nay cũng bị sóng đánh tan hoang, chỉ còn trơ trọi một ít gốc.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, hiện tượng biển xâm thực vào đất liền diễn ra trong vòng 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong và sau ảnh hưởng của cơn bão số 6 vào tháng 10/2024, vùng ven biển ở 3 thôn của xã Thanh Trạch bị sạt lở nghiêm trọng hơn. Xâm thực, xói lở đã ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 150m, chiều dài trên 1km.
Nhiều diện tích hồ nuôi tôm của người dân xã Thanh Trạch bị xâm thực, sạt lở không thể sản xuất.
Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN
Đi trên mặt đê các hồ tôm đã bị sóng đánh tan, ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Thanh Xuân (xã Thanh Trạch) cho biết, các hồ nuôi tôm tại đây được đầu tư xây dựng từ trước năm 2020, khi đó chưa xuất hiện tình trạng sạt lở như hiện nay. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm sản xuất, biển đã lấn dần vào, hàng cây phi lao chắn sóng đều bị sóng đánh bật gốc và cuốn trôi. Các hộ nuôi dùng bao cát đắp làm đê bao chắn sóng, ngăn sạt lở để bảo vệ hồ nuôi tôm, song không thể chống chịu được sóng lớn vào những ngày biển động.
Tình trạng biển xâm thực cũng khiến nhiều hộ dân sống cạnh biển lo lắng. Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Tình (xã Thanh Trạch) mở hướng nhìn ra biển qua con đường bê tông liên thôn. Ông cho biết, mỗi ngày nhìn sóng biển cao đánh vào bờ cát, thấy lòng không khỏi bất an. Nếu không sớm có biện pháp, tình trạng biển xâm thực, sạt lở sẽ uy hiếp cả con đường đổ bê tông liên thôn của xã và khu nghĩa trang của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tình cho biết thêm, nhiều năm trước, bà con vùng biển trong xã đã góp công, góp sức xây dựng lại khu đền thờ cá Ông khá bề thế. Đây cũng là nơi diễn ra Lễ hội cầu Ngư đầu năm, trước khi vào vụ đánh bắt thủy sản của bà con địa phương. Hiện tình trạng biển xâm thực đã ăn sâu vào tận hàng cây phi lao trước sân đền khiến người dân rất lo lắng, bất an.
Tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển đoạn qua xã Thanh Trạch đang ngày càng gia tăng
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, vùng biển xã Thanh Trạch bị sạt lở là tình trạng đáng báo động do tác động của biến đổi khí hậu. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp tình thế như vận động người dân không sản xuất, nuôi trồng thủy sản tại khu vực này để tránh thiệt hại; chỉ đạo xã tổ chức trồng cây phi lao để khôi phục rừng phòng hộ chắn sóng, nhằm hạn chế sạt lở sâu thêm vào đất liền.
Tuy nhiên, về lâu dài, do kinh phí của địa phương có hạn nên tỉnh Quảng Bình kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để địa phương xây dựng hệ thống kè biển tại khu vực sạt lở, gia cố lại các vị trí, nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho bà con nhân dân./.
https%3A%2F%2Fchinhsachcuocsong.vnanet.vn%2Fquang-binh-bo-bien-bi-xam-thuc-sat-lo-khien-nguoi-dan-bat-an%2F53359.html