Những gam màu tươi sáng
Về các vùng nông thôn Quảng Bình hôm nay, dù ở đâu chúng ta cũng sẽ được hòa mình vào những làng quê yên bình, trù phú và không ngừng thay da đổi thịt; ta sẽ được thấy “phố ở trong làng” bởi điện, đường, trường, trạm khang trang, hiện đại, những con đường xanh bốn mùa hoa nở, được điểm tô thêm màu đỏ sắc cờ; đêm đêm điện sáng bừng như nơi phố phường, đô thị, càng gợi cho ta những cảm nhận chân thực nhất về vóc hình những miền quê đáng sống.
Không chỉ đẹp về diện mạo và vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Quảng Bình vẫn đậm đà bản sắc, nhiều thuần phong mỹ tục được khơi dậy, nhiều chuẩn mực văn hóa mới được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng, họ mạc vẫn trọn vẹn, thủy chung và gắn kết hơn. An ninh nông thôn được giữ vững. Cảnh quan môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp, trong lành.
Nhìn lại chặng đường gần 15 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hẳn trong mỗi người dân Quảng Bình đều cảm nhận rõ những đổi thay kỳ diệu ngay trong từng gia đình, từng ngõ xóm đến cộng đồng dân cư. Sự đổi thay này được kết tinh từ “ý Đảng hợp lòng dân”, sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân; vì mục tiêu “nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.
Với quan điểm xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, trong đó xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn sửa đổi, bổ sung các quy định, bộ tiêu chí, cơ chế quản lý, đồng thời sử dụng nguồn vốn ngân sách cùng các nguồn lực khác một cách hợp lý, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, coi trọng công tác quy hoạch và phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, quan tâm chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Phong trào khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương đã thúc đẩy NTM đi vào thực chất. Ngoài ra, Chương trình “Mỗi xã mỗi sản phẩm” OCOP cũng đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc thù của địa phương.
Nông thôn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp, bắt đầu quan tâm, chú trọng liên kết sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi liên kết. Tư duy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được nông dân từng bước tiếp thu, ứng dụng. Từ đó, đời sống của người dân được cải thiện.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2024, công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình NTM tiếp tục được triển khai kịp thời, quyết liệt. Ngay sau các Hội nghị trực tuyến của Trung ương, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và định hướng triển khai thực hiệncho các địa phương; phân bổ nguồn vốn ĐTPT về cho huyện chủ động từ đầu giai đoạn, nguồn vốn sự nghiệp năm 2024 đã được phân bổ sớm. Công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì Chương trình với các sở, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Một số huyện đã chủ động rà soát, đăng ký thêm xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu, như huyện Tuyên Hóa, huyện Lệ Thủy, TX. Ba Đồn… đã góp phần hoàn thành và vượt mục tiêu Trung ương giao trong năm 2024. Kịp thời tham mưu tỉnh lần đầu tiên tỉnh tổ chức công nhận xã đạt chuẩn ngay giữa năm cho các xã nộp hồ sơ sớm.
Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt kết quả toàn diện, nổi bật, dự kiến đến cuối năm 2024 các chỉ tiêu về xây dựng NTM của tỉnh Quảng Bình có 98/122 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 80,3%); Có 19/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 19,38%; Có 06/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 6,1%.
Năm 2024, dự kiến sẽ có 02 đơn vị cấp huyện (TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện đã hoàn thiện hồ sơ gửi Trung ương sau họp hội đồng kỹ thuật và đang chờ Họp hội đồng thẩm định Trung ương). Đây là giai đoạn đầu tiên, đánh dấu tỉnh Quảng Bình có đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, đời sống nhiều mặt của người nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao (thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43,1 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần so với năm 2020 và gấp 4,3 lần so với trước khi triển khai chương trình; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nhanh, đến tháng 10/2024 chỉ còn 3,85%, giảm 0,77% so với năm 2020). Các chương trình chuyên đề bước đầu đạt được những kết quả nhất định góp phần định hướng, hỗ trợ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy được nội lực, tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Trong đó chương trình OCOP được xem là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay đã có 03 sản phẩm dự kiến đạt 5 sao cấp tỉnh và chuẩn bị tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương.
“Vẽ cả ngày mai thành bức tranh trên quê hương Hai giỏi”
Dù đã đạt được những kết quả đáng trân trọng nhưng so với yêu cầu, phong trào xây dựng NTM của Quảng Bình còn bộc lộ không ít những hạn chế. Trong đó, một câu hỏi lớn đặt ra cần giải đáp là: Làm sao để các địa phương về đích NTM phải thực sự là tiêu biểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, có sức bật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, mang lại sự tiến bộ mọi mặt cho đời sống người dân.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Bình, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Để hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng NTM đến hết năm 2025 (Có 87% số xã đạt chuẩn NTM, 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu), Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tranh thủ các điều kiện, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Đối với các địa phương (huyện, xã) chưa đạt chuẩn cần tập trung rà soát, đánh giá thực trạng và xác định rõ lộ trình, khả năng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2025 đã được giao làm cơ sở để tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương vàchuẩn bị cho việc đề xuất Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2026 – 2030. Tập trung chỉ đạo các xã không nằm trong kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 thì đến cuối năm 2025 phải đạt từ 15 tiêu chí trở lên theo mục tiêu chung của Trung ương.
Tiếp tục quan tâm triển khai sâu rộng Bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn; Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tổ chức triển khai hiệu quả công tác thẩm định, xét, công nhận và công bố nhằm tạo sức lan tỏa và hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ của các khu dân cư và các vườn hộ.
Triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 06 chương trình chuyên đề trọng tâm, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới…
Mới đây, ngày 05/12/2024, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn 2296/UBND-KT về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình chuyên đề theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào kết quả chung về xây dựng NTM của tỉnh; ưu tiên bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương và các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện các mô hình thuộc Chương trình chuyên đề.
Đối với các mô hình thí điểm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, thời gian còn lại giai đoạn 2021 – 2025 không còn nhiều, do đó đề nghị các sở, đơn vị liên quan bám sát mục đích, yêu cầu, tiến độ chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khẩn trương triển khai thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống, chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm, có định hướng đề xuất nội dung thực hiện cho giai đoạn 2026 – 2030.
Định kỳ (06 tháng, 1 năm) báo cáo kết quả triển khai thực hiện các Chương trình chuyên đề, tiến độ giải ngân nguồn kinh phí được giao về UBND tỉnh (qua Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình) để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Khát vọng nông thôn mới đã, đang và sẽ được hiện thực hóa một cách sinh động trên mảnh đất của quê hương “Hai giỏi” giàu truyền thống văn hóa và dũng khí cách mạng. “Mệnh lệnh của trái tim” như thúc giục mỗi người dân quê hương “Hai giỏi” chung sức, đồng lòng hướng tới tương lai tươi sáng, ấm no, hạnh phúc.
Trần Phong
https://www.congluan.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-quang-binh-ve-ca-ngay-mai-thanh-buc-tranh-post327451.html