(QBĐT) – Những năm gần đây, Chi cục Kiểm lâm đã tích cực tham mưu Sở Nông nghiệp và. Phát triển nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng, chủ rừng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả trồng rừng. Qua đó, góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi, hạn hán, lũ lụt; thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và xã hội hóa ngày càng cao; tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; giữ ổn định độ che phủ rừng ở mức 68,7%…
Dù có thâm niên nghề trồng rừng trên 20 năm, thế nhưng, bước vào vụ trồng rừng năm 2024, ông Hoàng Văn Xuân, thôn Rào Đá, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) mới dám đánh liều “trích” 3/26ha quỹ đất lâm nghiệp của gia đình để trồng thử nghiệm giống cây rừng gỗ lớn (RGL).
Ông Xuân cho biết: Trước đây, gia đình ông trồng rừng theo cách truyền thống, không chú ý tới chất lượng cây giống, mật độ trồng, kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá, dù thời gian cho thu hoạch chỉ từ 4-5 năm. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và được cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tuyên truyền về trồng RGL nên gia đình ông đã mạnh dạn đổi mới. Mặc dù, trồng RGL phải sau 10 năm mới cho thu hoạch nhưng chất lượng, hiệu quả kinh tế thì cao hơn trồng rừng thông thường từ 2-3 lần. Mặt khác, trồng RGL sẽ giúp gia đình giảm bớt các chi phí phát sinh như nhân công, phân bón, giống. Ngoài ra, trồng RGL còn góp phần tích cực vào giảm thiểu biến đổi khí hậu, chống xói mòn, rửa trôi, hạn hán, lũ lụt.
“Vì thế, gia đình tôi dự kiến khoảng 2 năm tới, khi thu hoạch xong toàn bộ diện tích rừng trồng theo kiểu thông thường, thì sẽ trồng lại toàn bộ bằng giống cây RGL, xem đây là của “hồi môn” cho con cái sau này”, ông Xuân chia sẻ.
Hiện, toàn tỉnh có 39 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp được cấp phép. Bình quân mỗi năm, các cơ sở này sản xuất hơn 30 triệu cây giống (chủ yếu là các giống cây keo lai, phi lao, huỷnh, thông Cariber…) có chất lượng để cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đều tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp để bảo đảm cho kế hoạch trồng rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh. Số lượng nguồn giống hàng năm đưa vào trồng rừng được kiểm soát đạt trên 80%…
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người trồng rừng về sự đa dạng trong sử dụng giống cũng như đòi hỏi về chất lượng, hiệu quả, giá thành của từng loại cây giống, hiện, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất, cung ứng cho thị trường các giống cây keo lai cấy mô (dòng BV10, BV16), keo lá tràm cấy mô (dòng AA9, Clt 7, Clt 18, Clt 26) để phục vụ nhu cầu trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra, các cơ sở này còn tăng cường sản xuất thêm nhiều loại giống cây bản địa như lim, dổi, lát hoa, huỷnh… Để tạo niềm tin cho người trồng rừng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trong tỉnh luôn tuân thủ nghiêm túc việc sản xuất giống theo đúng quy trình kỹ thuật, vật liệu giống đưa vào sản xuất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cấp có thẩm quyền công nhận.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Long, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trồng rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực sự phát huy được thế mạnh về rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh. Nhằm tạo ra nhiều lâm sản hàng hóa góp phần nâng cao tỷ trọng của sản xuất lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; từng bước tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ công nghiệp chế biến; khuyến khích đẩy mạnh phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có khối lượng lớn, giá trị hàng hóa cao; góp phần thúc đẩy phân công lại lao động ở nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả…
Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng, thời gian qua, rất nhiều địa phương, chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã tập trung cơ cấu lại giống cây trồng lâm nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, mục đích kinh doanh và công nghệ khai thác, chế biến; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống chất lượng cao, trồng rừng thâm canh gỗ lớn, cơ giới hóa và công nghệ cao trong các khâu sản xuất. Theo kế hoạch đến hết năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu hình thành nên vùng nguyên liệu rừng trồng với diện tích 101.000ha (trong đó, diện tích rừng trồng gỗ lớn đến năm 2025 là 16.200ha và đến năm 2030 là 30.000ha)…
Từ năm 2021-2024, toàn tỉnh trồng được trên 35.000ha rừng trồng tập trung; diện tích rừng trồng khai thác ước đạt 34.933ha, sản lượng ước đạt 2,443 triệu m3. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh chăm sóc rừng đạt trên 26.000ha; trồng cây phân tán ước đạt 2,202 triệu cây. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 147.448ha rừng xây dựng xong phương án quản lý rừng bền vững và đã được phê duyệt; hơn 10.000ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC (trong đó năm 2024 là 4.502ha). |
Văn Minh
https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-trong-rung-2223312/