(QBĐT) – Với bản tính siêng năng, cần cù cùng sự nhạy bén trong sản xuất, ông Trần Thiện Thuật, thôn Lệ Kỳ 2, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với diện tích hơn 2ha trên vùng gò đồi với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Dám nghĩ, dám làm
Về thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Trần Thiện Thuật cùng Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển, trước mắt chúng tôi là trang trại rộng lớn trù phú được quy hoạch hợp lý, khu ao nuôi cá tách biệt với khu chăn nuôi lợn và vườn cây ăn quả. Ít ai biết, trang trại trù phú này trước đây là mảnh đất đồi hoang vu, khô cằn sỏi đá.
Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại, ông Thuật kể về những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất nghèo khó. Sau nhiều năm bôn ba khắp các tỉnh thành để buôn bán, ông bàn với vợ trở về quê hương lập nghiệp. Trên diện tích hơn 2ha đất gò đồi, ông cải tạo phát triển mô hình trang trại tổng hợp.
Những ngày đầu lập nghiệp với bao khó khăn, vất vả trên vùng đất đồi hoang vu, đường sá đi lại cách trở nhưng vợ chồng ông Thuật vẫn không nản chí. Trên diện tích đất đồi, ông đầu tư trồng ổi Đài Loan, cam V2 và quýt Phủ Quỳ. Cùng với đó, ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn công nghệ cao và nuôi 3 ao cá.
Trời không phụ công người, cây xanh từ vùng đất đồi khô cằn được vợ chồng ông chăm chút từng ngày cứ thế vươn lên xanh ngắt. Đàn lợn, cá, ngỗng… cũng ngày càng sinh sôi, phát triển. Đến năm 2019, trang trại của gia đình ông Thuật đã có 200 gốc quýt, 300 gốc cam, 300 gốc ổi, 60 lợn nái… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Sau nhiều năm cực khổ, vất vả xây dựng, cơ ngơi đã đến ngày “hái quả” thì một lần nữa gia đình tôi lại trắng tay do thiên tai. Giữa năm 2019, trang trại của tôi bị sét đánh, chuồng trại, cơ sở vật chất, cây trồng, vật nuôi đều bị cháy, thiệt hại gần 4 tỷ đồng.”, ông Thuật giãi bày.
Quyết tâm làm giàu
Với quyết tâm “vượt khó làm giàu”, ông Thuật vay mượn thêm nguồn vốn mở rộng chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất. Trên diện tích 2ha, ông quy hoạch trồng 1ha cam V2, 1ha quýt và ổi. Nắm vững xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng, ông Thuật đã áp dụng quy trình trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại thuốc sinh học, phân hữu cơ để chăm bón cho cây. Từ phòng trừ sâu bệnh, các loại côn trùng đều được thực hiện bằng phương pháp an toàn sinh học để cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 10 tấn cam, 8 tấn quýt, 4 tấn ổi cho các thương lái trong và ngoài huyện.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Thuật dành nhiều thời gian đi học hỏi thực tế tại các mô hình trong và ngoài tỉnh, nghiên cứu thêm sách báo để thử sức với những loại cây trồng, vật nuôi mới. Trong một lần tình cờ biết đến giống dừa xiêm, ông đã liên hệ mua giống ở Bến Tre về trồng thử nghiệm tại địa phương.
Theo ông Thuật, trồng dừa xiêm chăm sóc rất đơn giản, vì cây dừa không tạo cành, nhánh; khi cây dừa còn nhỏ thì khâu làm vệ sinh là rất quan trọng, giúp cây phát triển nhanh, khoảng 1 tháng thì bỏ muối trên đọt 1 lần nhằm tránh sâu bọ ăn đọt dừa. Trồng dừa chủ yếu bón phân chuồng và thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho cây. Hiện, 100 gốc dừa xiêm của ông Thuật đã cho thu hoạch với giá bán 20.000 đồng/quả. Bên cạnh trồng dừa, ông còn trồng 200 gốc chuối ba hương, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Không chỉ tập trung vào trồng trọt, ông Thuật và vợ còn tích cực học hỏi kỹ thuật để phát triển mô hình chăn nuôi lợn. Với ý chí ham học hỏi, ông Thuật dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, ông cũng chủ động tìm mua những con giống có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển chia sẻ: “Ông Trần Thiện Thuật là người mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và là một trong những tấm gương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Thời gian tới, hội sẽ tích cực vận động hội viên chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, qua đó, giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”. |
Nhờ vậy, những năm qua, vật nuôi trong trang trại sinh trưởng và phát triển ổn định, cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước. Chính việc bảo đảm kỹ thuật và các biện pháp an toàn trong chăn nuôi đã giúp trang trại vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh. Mỗi năm, trang trại của ông nuôi xuất bán 100 con lợn nái siêu nạc, 3 tấn cá các loại, như: Trắm, chép, diếc… Ngoài việc phát triển kinh tế trang trại, ông Thuật còn trồng thêm keo, tràm để tăng nguồn thu và tạo cảnh quan môi trường xanh mát bao quanh trang trại.
Với sự nhạy bén, dám nghĩ dám làm, ông Thuật đã thành công trong phát triển kinh tế trang trại, đem lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Khi được hỏi về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, ông Thuật cho biết, ngoài sự cần cù chịu khó thì người nông dân cần phải đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây mới vào sản xuất; thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Yếu tố quan trọng nữa là phải biết áp dụng đúng khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình, tăng thu nhập, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”, ông Thuật cho hay.
Lan Chi
https%3A%2F%2Fwww.baoquangbinh.vn%2Fkinh-te%2F202412%2Fthu-tien-ty-tu-trang-trai-tong-hop-2223353%2F