Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

Quảng Ninh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%

(QBĐT) - Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng khá trong năm 2024; các kênh...
HomeTin tứcTrọng thể kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông...

Trọng thể kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

(Baohatinh.vn) – Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên kênh HTTV của Đài PT-TH Hà Tĩnh và gần 50 đài PT-TH trên cả nước.

Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácCác đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, các cơ quan Trung ương và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Tối 27/12, tại Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT&DL, tỉnh Hưng Yên, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 – 2024).

Tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương; lãnh đạo các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định; đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trên cả nước.

Về phía tỉnh Hưng Yên có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Quốc Toản, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo bà con nhân dân tỉnh nhà.

Diễn văn khai mạc buổi lễ do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trình bày khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là tấm gương sáng về lao động, học tập, sáng tạo, y đức, trí tuệ, nhân nghĩa và tinh thần cống hiến. Ông đã để lại cho đời những giá trị trường tồn, góp phần làm rạng danh nền y học dân tộc và lan tỏa giá trị văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè thế giới Bộ sách “Hải Thượng Y tông Tâm lĩnh” được xem là “bách khoa toàn thư”, mang giá trị phổ quát của nhân loại, thể hiện rõ những giá trị to lớn về văn hoá, giáo dục, nhân học, đúc kết những chuẩn mực đạo đức; là lời thề, phương châm, kim chỉ nam cho sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc.

Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácBí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trình bày diễn văn tại buổi lễ.

Bên cạnh thành tựu về y học, Hải Thượng Lãn Ông còn là một nhà văn, nhà thơ lớn, nhà tư tưởng, nhà khoa học lỗi lạc. Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của ông viết trong thời gian vào kinh thành Thăng Long chữa bệnh cho hoàng tộc năm 1782 được đánh giá là tư liệu quý về y học, văn hóa, lịch sử; phản ánh chân thực, sinh động bức tranh xã hội Việt Nam đương thời.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng nhấn mạnh, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh rất vinh dự, tự hào khi được Trung ương giao chủ trì, phối hợp các địa phương, bộ ngành liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Mộ và Khu lưu niệm Đại danh y. Sự kiện Tổ chức UNESCO vinh danh, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng mộ và khu lưu niệm tại huyện Hương Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông chính là sự khẳng định về tầm vóc, sức ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực y học, giáo dục, văn hóa, xã hội trên toàn cầu.

Vinh dự là quê hương của Đại danh y, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên đã đoàn kết, nỗ lực, dành kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp bước truyền thống của các thế hệ tiền nhân, trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân 2 tỉnh quyết tâm nỗ lực xây đắp thêm hành trang, vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Hưng Yên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, phối hợp của các địa phương, các tổ chức quốc tế để kinh tế, xã hội hai tỉnh ngày càng phát triển; các di sản tiếp tục được bồi đắp, lan tỏa, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.

Gửi lời chúc mừng qua clip đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh nhân sự kiện quan trọng này, ông Jonathan Wallace Baker – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh y lỗi lạc, là người khai sáng nền y học cổ truyền Việt Nam. Những đóng góp của ông về y học, văn hóa, văn học dân gian đã để lại dấu ấn không thể phai mờ tại Việt Nam và trên thế giới. Tư tưởng y khoa của ông khởi nguồn từ nguyên tắc từ thiện, tôn trọng phẩm giá và vì lợi ích của bệnh nhân đã có ảnh hưởng lớn đến việc hành nghề y trong cộng đồng Việt Nam và thế giới, đóng vai trò là kim chỉ nam dẫn đường cho các chuyên gia y tế.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, quyết định của UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là minh chứng cho tầm ảnh hưởng lâu dài và giá trị phổ quát từ những đóng góp của ông; là sự ghi nhận đối với di sản văn hóa phong phú của Việt Nam, cũng như những đóng góp quan trọng của Việt Nam cho tri thức và những giá trị truyền thống trên toàn cầu. Mong muốn, Đảng, Nhà nước Việt Nam, chính quyền hai tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên tiếp tục phát huy giá trị những thành tựu của Hải Thượng Lãn Ông để di sản của đại danh y tiếp tục truyền cảm hứng và giáo dục các thế hệ tương lai, soi đường cho thế hệ sau trong hành trình theo đuổi tri thức, sức khỏe, sự đoàn kết.

Tiếp đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ – Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trao Nghị quyết của UNESCO vinh danh Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácTrao Nghị quyết của UNESCO vinh danh Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh. Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácChủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng tỉnh Hà Tĩnh.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh.

Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácTrao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh.

Sau phần lễ là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông”, gồm 3 chương: “Cơ duyên nghề thuốc”, “Dấn thân dựng nghiệp” và “Thênh thang một cánh diều”; được thể hiện dưới dạng hoạt cảnh có sử dụng các làn điệu dân ca ví, giặm, xen lẫn lời bình và các ca khúc, tập trung tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp, tài năng và nhân cách lỗi lạc của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácCa sỹ Tùng Dương mở màn với tiết mục Danh nhân sinh ra từ hai vùng văn hóa. Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácHoạt cảnh Thượng Kinh ký sự

Chương trình nghệ thuật đặc biệt do Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo nội dung; Sở VH-TT&DL chỉ đạo nghệ thuật; nhà văn Đức Ban chấp bút kịch bản văn học; nhà viết kịch Vũ Hải phụ trách kịch bản tổng thể và đạo diễn; nhạc sỹ Hồ Trọng Tuấn phụ trách âm; tổng biên đạo – NSND Hữu Từ.

Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácCa sỹ Tân Nhàn với ca khúc Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông

Chương trình nghệ thuật có sự tham gia biểu diễn của các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng như: Tùng Dương, Đức Tuấn, Tân Nhàn, Vũ Thắng Lợi, Minh Ngọc, Thanh Tài; NSƯT Minh Thông thể hiện hình tượng Hải Thượng Lãn Ông. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của tập thể diễn viên Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Nhà hát Chèo Hưng Yên, Đoàn Văn công Quân khu 5, Đoàn múa Mai Trắng, Vũ đoàn Sắc Việt, Trường Đại học Hà Tĩnh…

Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácThời tiết không thuận lợi nhưng có rất đông người dân đến theo dõi buổi lễ.

Khép lại buổi lễ là màn bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Theo đó, 500 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo hoa tầm thấp được bắn đan xen nhau nhằm tạo hiệu ứng trên bầu trời Hà Tĩnh.

Trọng Thể Kỷ Niệm 300 Năm Ngày Sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu TrácThời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến màn bắn pháo hoa.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn có tên gọi là Lê Hữu Huân – sinh ngày 27/12/1724 tại xã Liêu Xá – huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Thân phụ của ông là Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, từng làm quan đến chức Hữu Thị lang Bộ Công; sau khi mất được sắc phong hàm Thượng thư. Thân mẫu là cụ Bùi Thị Thưởng, quê ở xã Quang Diệm – huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Thuở nhỏ, Lê Hữu Trác nổi tiếng thông minh. Ông từng theo nghiệp kinh sử, rồi tham gia quân ngũ với hoài bão đem tài năng phục vụ triều đình. Tuy nhiên, trước sự rối ren của xã hội phong kiến thời Lê – Trịnh, ông đã quyết định rời xa kinh thành Thăng Long để về quê mẹ ở Hương Sơn. Với lòng yêu thương con người, trí tuệ uyên bác, ông đã dành thời gian hơn 40 năm ở quê mẹ để tìm tòi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, nâng tầm lý luận về y đức, y lý, y thuật và dược học Việt Nam, đưa nền y học Việt Nam ngang tầm với nền y học thế giới.

Cùng với viết sách, trị bệnh, cứu người, ông mở trường đào tạo, thành lập hội y để kết nối các thầy thuốc. Lòng nhân ái, tài năng, tư tưởng vượt thời đại của Hải Thượng Lãn Ông đã lan truyền đến kinh thành Thăng Long. Năm Nhâm Dần 1782, Chúa Trịnh triệu ông vào cung để chữa bệnh cho hoàng tộc. Trong thời gian ở kinh thành, ông đã hoàn thành tác phẩm “Thượng kinh ký sự”. Tác phẩm đã khắc họa rõ nét chân dung một nhân cách cao đẹp, không màng danh lợi, tất cả vì sinh mệnh con người của đại danh y.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác qua đời vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi 1791, hưởng thọ 67 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng ngời về y đức, trí tuệ và tinh thần cống hiến, để lại cho đời những giá trị trường tồn, góp phần làm rạng danh nền y học dân tộc và lan tỏa giá trị văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Kiều Minh – Thiên Vỹ – Đình Nhất

https://baoquangtri.vn/trong-the-ky-niem-300-nam-ngay-sinh-hai-thuong-lan-ong-le-huu-trac-190734.htm