Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tứcTrăm năm Huế vẫn nặng tình văn chương

Trăm năm Huế vẫn nặng tình văn chương

(QBĐT) – Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón nhận tin vui toàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025, cũng chính là lúc giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đón nhận công trình chào mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương-đó là cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920-2020)-Một góc nhìn” do nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong (chủ biên) và các tác giả khác. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 2024.

Theo lời tự sự của nhóm tác giả “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920-2020)-Một góc nhìn” rằng “Tất nhiên, tự lượng sức mình, chúng tôi chỉ giới hạn trong một góc nhìn có ý nghĩa khái quát, còn có quá nhiều hiện tượng, các sự kiện văn học, các tác giả tác phẩm, cũng như sự tác động liên tục, không ngừng và mạnh mẽ của dòng chảy văn học xứ Huế vào đời sống tinh thần/xã hội, mà do hạn chế về tầm nhìn, công trình này đã nỗ lực hết sức cũng chưa thể với tới một cách bao quát hết được. Chúng tôi mong ước còn có dịp quay lại vấn đề này và cũng xin mong chờ các đồng nghiệp, những nhà nghiên cứu có uy tín cùng hưởng ứng với tấm lòng ngưỡng vọng di sản văn học đồ sộ của xứ Huế”.


Cuốn  “100 Năm Văn Học Quốc Ngữ Xứ Huế (1920-2020)-Một Góc Nhìn”.
Cuốn “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920-2020)-Một góc nhìn”.

Với lời tự sự như vậy càng khiến người đọc không khỏi tò mò với cuốn sách dày dặn 385 trang, bề thế khổ lớn, trình bày bìa trang nhã đậm chất Huế. Bố cục của cuốn sách bao gồm Lời dẫn nhập, Lời kết; chương 1: Những năm mở đầu văn học quốc ngữ (1900-1945); chương 2: Văn học hai cuộc kháng chiến (1945-1975); chương 3: Văn học thời hòa bình, thống nhất và đổi mới (1975-2020). Cuối sách còn có Phụ lục 1: Văn học xứ Huế sau 1986-Thành tựu và đổi mới thể loại; Phụ lục 2: Văn học xứ Huế, nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975). Như vậy với một bố cục rõ ràng, khoa học, các tác giả đã dẫn dắt người đọc đi suốt hành trình 100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế qua một góc nhìn tác giả, tác phẩm, thể loại mà Huế đã có được trong suốt một thế kỷ qua.

Ngay từ chương 1: Những năm mở đầu văn học quốc ngữ (1900-1945), các tác giả đã cung cấp cho người đọc theo trình tự các thể loại văn xuôi, thơ mới, lý luận phê bình mà ở đó có sự đóng góp của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình tạo những dấu mốc quan trọng cho nền văn học Việt Nam. Các tác giả là người Huế và người nơi khác đến Huế cống hiến sự nghiệp văn học cho nước nhà được nhắc đến trong sách. Có thể kể đến những tác giả tiêu biểu của giai đoạn này là Đạm Phương, bà đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực sáng tác văn học, ở đó bà đã tìm đến với thể loại tiểu thuyết với hai tác phẩm nổi bật là Kim Tú Cầu và Hồng phấn tương tri. Đạm Phương đã thể hiện đầy đủ cốt cách và bản lĩnh của một tiểu thuyết gia Việt Nam hiện đại.

Có nhà văn Bửu Đình là người hoàng phái nhưng lại yêu nước, có tư tưởng chống Pháp, bị đày đi Côn Đảo sau đó vượt ngục và mất tích trên biển khi mới 33 tuổi. Nhà văn đã để lại một di sản đồ sộ về văn học với 11 tập truyện dài, hàng trăm bài nghị luận sắc sảo, mấy trăm bài thơ làm nên tập bản thảo Giọt lệ tri âm.

Hoặc còn có nhà văn Thanh Tịnh, nhà thơ Phan Văn Dật, nhà văn Trần Thanh Mại mỗi người đều có phong cách sáng tác riêng nhưng tạo dấu ấn đặc biệt không những cho văn học xứ Huế mà còn cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Ngoài ra, trong giai đoạn 1900-1945, còn có những đóng góp cho văn học quốc ngữ xứ Huế là các tác giả từ địa phương khác đã đến với Huế, viết về Huế có thể nhắc đến nhà thơ Lưu Trọng Lư, Đào Trinh Nhất, Hàn Mặc Tử.

Và đặc biệt trong giai đoạn này phong trào Thơ mới đã có những đóng góp của các nhà thơ xứ Huế, được Hoài Thanh đưa vào Thi nhân Việt Nam như Thanh Tịnh, Thúc Tề, Thu Hồng, Phan Văn Dật, Phan Thanh Phước, Mộng Huyền.

Dấu ấn văn học quốc ngữ xứ Huế giai đoạn đầu đã có nhiều tên tuổi đánh dấu mốc đầu tiên cho nền văn học Việt Nam như Hải Triều là nhà lý luận mác-xít đầu tiên, Trần Thanh Mại là nhà phê bình chân dung văn học xuất sắc. Bên cạnh đó, cũng từ Huế có các tác giả đến Huế và định hình tư cách nhà phê bình văn học trên đất Huế như Phan Khôi với Nam âm thi thoại, Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam, Đào Trinh Nhất chuyên nghiên cứu và biên khảo.

Đến giai đoạn 1945-1975, phần này thuộc chương 2: Văn học hai cuộc kháng chiến; đó là kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Tuy chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng đời sống văn học xứ Huế lúc bấy giờ cũng sôi động quyết liệt với các thành tựu đáng chú ý:

Lực lượng sáng tác đông đảo bao gồm những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 như Hải Triều, Tố Hữu, Thanh Tịnh, Phan Văn Dật, Thúc Tề, Lưu Trọng Lư, Trần Thanh Địch… hội ngộ cùng với thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Khoa Bội Lan, Hà Khánh Linh, Phùng Quán, Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đình Sử, Trần Phương Trà, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê… Họ chính là những người sinh ra và lớn lên ở Huế, người Huế sống ở miền Bắc và chiến khu.

Với nhiều thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, trường ca, lý luận phê bình, nghiên cứu văn học, dịch thuật đã phản ánh kịp thời đời sống kháng chiến và văn học cho đông đảo độc giả cả nước lúc bấy giờ.

Qua chương 3, các tác giả dành nhiều trang để nói về văn học thời hòa bình, thống nhất và đổi mới (1975-2020), thời kỳ này văn học xứ Huế có lực lượng sáng tác hùng hậu sinh hoạt dưới mái nhà chung văn học Bình Trị Thiên (1976-1989) và văn học xứ Huế sau ngày tái lập tỉnh (1989-2020), có thể kể đến các tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Võ Mạnh Lập, Hà Khánh Linh, Lương An, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Xuân Hoàng, Hải Kỳ, Hồng Nhu, Nhất Lâm, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Văn Dũng, Lê Xuân Việt, Phạm Phú Phong, Mai Văn Hoan, Lê Ngã Lễ và sau này là các thế hệ trẻ của văn học xứ Huế như Lê Vĩnh Thái, Lê Vũ Trường Giang, Phan Tuấn Anh… Họ sáng tác, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật đã tạo nên bộ mặt cho văn học xứ Huế mang đậm tính truyền thống, bản sắc văn hóa, luôn có sự tiếp nối và kế thừa liên tục giữa các thế hệ, tạo thành dòng chảy riêng giữa nguồn chung văn học Việt Nam.

Cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920-2020)-Một góc nhìn” là tâm huyết của các tác giả đã gắn bó với Huế trong cuộc đời dạy học, họ là những giảng viên đại học, đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên cho quê hương và đất nước. Và đâu đó chính Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã có nhiều thế hệ sinh viên đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình cho Huế như Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Vũ Trường Giang, Lê Vĩnh Thái, Lê Phi Tân, Lê Thanh Hà, Nguyễn Nguyên Du, Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà, Hồ Tiểu Ngọc…đó là niềm tự hào và vinh dự cho văn học xứ Huế.

Để kết thúc cảm nhận về giá trị của cuốn sách, cũng tâm huyết của nhóm tác giả, xin được trích lại lời kết của cuốn sách mà nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong đã thổ lộ rằng: “Xứ Huế đang đứng trước vận hội mới, trong nỗ lực xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, với bản thể đặc thù cốt lõi là các tố chất về văn hóa, càng cần phải chú trọng đến sự phát triển vững bền về văn học nghệ thuật, như là cái “xương sống” trong toàn bộ kết cấu của diện mạo của một vùng văn hóa nhân văn”.

Vì thế theo cảm nhận của tôi, trăm năm Huế vẫn nặng tình văn chương, hy vọng rằng từ năm 2021 trở đi sẽ có những người tiếp nối mạch nguồn văn chương ấy để rồi đến chừng nào đó sẽ có thêm những công trình biên khảo lý thú về văn chương của một vùng đất vốn là nơi ghi dấu của những cái đầu tiên trong văn học Việt Nam.

Trần Nguyễn Khánh Phong

https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/tram-nam-hue-van-nang-tinh-van-chuong-2223629/