22.6 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDanh NhânVề sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Phạm Tuân

Về sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Phạm Tuân

(QBĐT) – Từ trước đến nay, trong các công trình khảo cứu đều đưa ra những nhận định và kiến giải khác nhau xung quanh sự hy sinh của quan Tán lý Nguyễn Phạm Tuân (SN 1842), một trong những thủ lĩnh hàng đầu của phong trào Cần Vương ở Quảng Bình.

 

Ngày 5/7/1885, sau biến cố thất thủ kinh đô, Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng rời kinh thành Huế ra căn cứ Tân Sở (Quảng Trị) và một tuần sau ban chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân cả nước đứng lên đánh Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, sĩ phu, thân hào tỉnh Quảng Bình nhất tề nổi dậy. Sách Đại Nam thực lục mô tả phong trào Cần Vương ở Quảng Bình: “Thân hào các phủ huyện: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch thuộc hạt Quảng Bình khởi loạn dựng các hiệu cơ “Cần Vương cử nghĩa” (thủ xướng là nguyên Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân). Nhiều lần các phủ, huyện ấy hoặc trốn tránh, hoặc bị bắt. Vua chuẩn cho viện Cơ mật bàn với Phó đô thống Pháp, phải định liệu rất khẩn; một mặt tư cho tỉnh ấy bàn với người Pháp đóng ở tỉnh ấy hiệp sức đánh dẹp, không cho chúng lan tràn ra”(1).

 

Phong trào Cần Vương nổ ra khắp mọi miền, quân Pháp tổ chức nhiều trận càn quét nhưng chưa đem lại kết quả. Vừa mới lên ngôi, vua Đồng Khánh đã ban dụ ngự giá Bắc tuần nhằm tăng thêm nhuệ khí cho binh sĩ. Khởi hành tại kinh đô Huế ngày 16/6, ngày 20/7/1886, vua Đồng Khánh đến thành tỉnh Quảng Bình và chuẩn y cho yết cáo: “Tất cả đầu mục bọn giặc (ý nói nghĩa quân Cần Vương-NV) dẫn thân đầu thú ở nơi hành tại, đều cho miễn tội: Người nào nguyên trước có quan chức đều cho vẫn theo như cũ (sau các địa phương cũng chiếu theo thế mà làm); người nào bắt chém được đầu sỏ bọn phản nghịch là Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Phạm Tuân, thì thưởng quan hàm có thứ bậc (bắt sống được thì bổ quan tam phẩm và thưởng 200 lạng bạc; chém được thì bổ quan tứ phẩm và thưởng 100 lạng bạc)(2).

 

Thời điểm này, dọc theo sông Gianh, có hai lực lượng chính, phía hạ nguồn là đội quân của Đề đốc Lê Trực đóng ở làng Thanh Thủy, quê hương ông, nay là xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa). Còn phía thượng nguồn là của quan Tán lý Nguyễn  Phạm Tuân được vua Hàm Nghi phong làm Thượng thư. Nhiệm vụ của hai nhóm này vừa bảo vệ vua Hàm Nghi đang ẩn náu ở phía thượng nguồn sông Gianh, vừa chiến đấu, nhằm ngăn chặn các trận càn quét của quân Pháp.

 

Quân Pháp nhiều lần mở các cuộc truy lùng hai đội quân này nhưng không có kết quả. Đến ngày 25/10/1886, đại úy Mouteaux được tăng cường đến đồn Quảng Khê với nhiệm vụ củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng, xây dựng thêm đồn bốt và chỉ huy các cuộc hành quân truy quét, tiêu diệt nghĩa quân Cần Vương.

 

Đầu tháng 2/1887, đại úy Mouteaux và hơn một trung đội lính Bắc Phi đến lập đồn Minh Cầm nằm phía trên làng Thanh Thủy. Việc lập đồn Minh Cầm có ý nghĩa hết sức chiến lược, cực kỳ lợi hại, một mặt ngăn chặn, chia cắt lực lượng của Đề đốc Lê Trực và quan Tán lý Nguyễn Phạm Tuân, mặt khác phong tỏa, kiểm soát cả một vùng rộng lớn, thuận lợi cho việc mở các cuộc truy lùng nghĩa quân. Nghĩa quân của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân buộc phải di chuyển ra xa nhằm tránh tổn thất lực lượng.





 Mộ Phần Nguyễn Phạm Tuân Ở Khu Mộ Gia Tộc Họ Nguyễn Tại Thôn Di Lộc, Xã Quảng Tùng (Quảng Trạch).
Mộ phần Nguyễn Phạm Tuân ở khu mộ gia tộc họ Nguyễn tại thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch).

Đại úy Mouteaux ngày càng tỏ rõ là tay cáo già, đầy kinh nghiệm trong trận mạc. Song song với việc thương thuyết, chiêu hàng nghĩa quân Lê Trực, cho treo bảng kêu gọi dân chúng vùng sông Gianh quy hàng, viên đại úy còn huy động lực lượng tấn công vào các khu căn cứ của nghĩa quân Nguyễn Phạm Tuân tại làng Yên Hương (Minh Hóa) với khoảng 100-200 quân đang trấn giữ.

 

Trong bài viết “Quelques papiers du capitaine Mouteaux” (Mấy trang tài liệu của đại úy Mouteaux) của giáo sĩ Cardière đăng trong tập Đô thành hiếu cổ (BAVH) Những người bạn cố đô Huế năm 1944 đã mô tả khá chi tiết cuộc hành quân này. Ngày 8/4/1887, đại úy Mouteaux biết tin Nguyễn Phạm Tuân đang xuất hiện ở làng Cổ Liêm, liền tổ chức hai cánh đi lùng để đón bắt. Hai cánh đều tiến về mục tiêu Bộc Thọ. Cánh 1, do thượng sĩ Braud chỉ huy. Cánh 2 do đại úy Mouteaux cầm đầu, với sự dẫn đường của dân phu tên là Lam Lang và Lê Trúc, người giúp việc.

 

Hành quân suốt cả đêm, đến khoảng 6 giờ 30 phút ngày 9/4/1887, cánh quân của đại úy Mouteaux đã tiến vào thung lũng Năn. Băng qua 1.500m trên khoảng đất trống, cánh quân này tiếp cận được nhà ở của Nguyễn Phạm Tuân mà không vấp phải sự kháng cự nào của nghĩa quân. Người lính đứng canh gác vi phạm huấn lệnh khi tự ý bỏ nhiệm vụ vào trong nhà ăn cơm mà không thấy toán quân Pháp đến ngoài hàng rào tre để báo động cho Nguyễn Phạm Tuân và nghĩa quân tẩu thoát hay chủ động tấn công lại. Sai lầm này đã phải trả giá đắt. “Nhà thứ nhất là nhà Phạm Thuận (tức Nguyễn Phạm Tuân-NV) trong lúc tìm cách trốn chạy và mang theo thanh kiếm chỉ huy và cái tráp nhà quan đựng giấy tờ của Cơ mật viện, thì ông ta trúng đạn súng lục bên sườn trái do đại úy bắn ra” (3).

 

Đại úy Mouteaux phải khá khó khăn mới kéo được Nguyễn Phạm Tuân ra khỏi đám đông đang nhốn nháo. Nguyễn Phạm Tuân yêu cầu được chết để bớt đau đớn và có những lời lẽ thóa mạ nặng nề mà viên thông ngôn người Pháp có tên là Arthur chẳng dám mở miệng phiên dịch. Sau đó, đại úy Mouteaux xem vết thương, dùng dao mổ rạch thịt lấy đạn ra và băng bó lại cho Nguyễn Phạm Tuân. Trước cử chỉ nhân đạo của viên đại úy, Nguyễn Phạm Tuân rất bất ngờ và giữ thái độ im lặng. Lính khiêng Nguyễn Phạm Tuân trên võng, rời Yên Hương lúc 10 giờ cùng ngày.

 

Sau một đêm đi bộ vất vả, đến 8 giờ 30 phút sáng 10/4/1887, đoàn quân về tới đồn Minh Cầm. Nguyễn Phạm Tuân được chăm sóc tại quân y của đồn. Lúc 5 giờ 30 phút, ngày 11/4/1887, Nguyễn Phạm Tuân gọi viên đại úy Mouteaux đến và nhờ viên đại úy chăm sóc cậu bé công tử mà ông có nghĩa vụ chăm sóc. Đây chính là con trai út của quan Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết giao lại cho Nguyễn Phạm Tuân nuôi nấng trước khi lên đường sang Trung Quốc cầu viện.

 

Khi được hỏi về vua Hàm Nghi, Nguyễn Phạm Tuân khẳng định còn sống và không đưa ra một chỉ dẫn nào về địa điểm mà nhà vua đang ẩn náu. Trước khi anh dũng hy sinh, Nguyễn Phạm Tuân nói rằng “Giá như ông làm cho tôi sống được, có lẽ tôi sẽ giúp ông bình định xứ sở. Tôi thấy có cơ sở khi người ta nói rằng, ông là người công bằng và hào hiệp…(4). Còn sách Đại Nam thực lục cũng mô tả về sự kiện này một cách khái lược: “Viên quan Pháp (không rõ tên), đóng ở đồn Minh Cầm (thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), đánh dẹp và bắn giết được Nguyễn Phạm Tuân (nguyên Tri phủ, xưng Tán lý), thu được ấn của vua Hàm Nghi”(5).

 

Sự hy sinh của Nguyễn Phạm Tuân là một tổn thất vô cùng lớn của phong trào Cần Vương. Trong lý lịch của tiểu đoàn 2 Bắc Phi cũng mô tả khá chi tiết cuộc đột kích ngày 9/4/1885 do đại úy Mouteaux cầm đầu. Đồng thời đánh giá cao vai trò, tầm ảnh hưởng của Nguyễn Phạm Tuân đối với phong trào Cần Vương “Cái chết của ông này có dư âm lớn trong các tỉnh phía Bắc của Trung Kỳ, bởi vì tại đây ông là thủ lĩnh chức lớn của phe phiến loạn”(6).

 

Phong trào Cần Vương trên vùng đất Quảng Bình rơi vào thoái trào khởi đầu bằng sự kiện Nguyễn Phạm Tuân, cánh tay hộ giá đắc lực vua Hàm Nghi anh dũng hy sinh. Hơn một năm sau, vua Hàm Nghi, linh hồn cuộc khởi nghĩa bị tay chân thân tín Trương Quang Ngọc phản bội, bắt giao cho quân Pháp. Đến sự kiện, ngày 17/11/1888, Đề đốc Lê Trực kéo quân ra hàng đã chấm dứt một trang sử bi tráng của phong trào Cần Vương. Tấm gương chiến đấu anh dũng của Nguyễn Phạm Tuân thể hiện bản lĩnh, khí phách hiên ngang, bất khuất của người dân nước Việt, càng thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, khát vọng đấu tranh giành độc lập cho dân tộc sau này.

Nhật Linh

 

1, 2, 5, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, NXB Hà Nội, HN, 2022, tr.201, tr.270, tr.322.

3, 4, 6, BAVH, Những người bạn cố đô Huế, số XXXI (năm 1944), NXB Thuận Hóa, Huế, 2020, tr.99, tr.102.

 

https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202403/ve-su-hy-sinh-anh-dung-cua-nguyen-pham-tuan-2216516/