22.4 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeVăn HóaNgười dân Quảng Bình đón Tết Độc lập

Người dân Quảng Bình đón Tết Độc lập

(VOV5) – Tết Độc lập ở Quảng Bình là nét đẹp của truyền thống văn hóa làng xã, tăng cường sự đoàn kết của nhân dân.

Cứ mỗi dịp mừng Quốc khánh 2/9, người Nguồn ở huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình làm mâm cơm mừng Tết Độc lập và dâng hương lên bàn thờ Bác Hồ. Mâm cơm có những món ăn đặc trưng của người Nguồn, thể hiện tấm lòng thành kính đối với Bác, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Nhiều người lớn tuổi kể lại, trước đây, người Nguồn cũng làm mâm cơm cúng rằm tháng 7 âm lịch. Sau ngày 2/9/1945, người dân địa phương cúng rằm đơn giản hơn và dần dần chuyển sang ăn mừng Tết Độc lập với những mâm cơm tươm tất hơn. Từ đó, ngày 2/9 trở thành một lễ hội lớn ở địa phương này đến bây giờ.

 Nghe âm thanh phóng sự tại đây:   

Người dân Minh Hóa đón Tết Độc lập rất trang trọng, có phần lễ mừng Tết Độc lập. Người Nguồn thường làm một mâm cơm và đĩa ngũ quả đặt lên bàn thờ, cúng mời tổ tiên, ông bà và những người đã khuất trong gia đình về ăn mừng Tết Độc lập, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, địa phương tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, đi thăm nhà nhau. Điều đặc biệt là người dân ở đây còn gói bánh chưng mừng Tết Độc lập, con cháu ai đi xa cũng gắng về nhà sum vầy. Có nơi 3, 4 gia đình chung nhau mổ một con lợn rồi gói bánh, sửa soạn mâm cơm cúng.




Người Dân Quảng Bình Đón Tết Độc Lập - Ảnh 1Lễ hội bơi đua trên sông Kiến Giang 

Ông Cao Đình Huê, ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, ở nhiều xã như Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn đều chuẩn bị đón Tết Độc lập chu đáo, xem đây là 1 ngày hội của bà con hòa chung ngày vui của đất nước.

“Trước đây đã tổ chức Tết Độc lập, bà con làm bánh, đầu tiên sẽ chuẩn bị cho phần lễ, nhà nhà đều gói bánh chưng để dâng lên ông bà, tổ tiên và các tiền bối đi trước đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Các cụ cao niên ở huyện Minh Hóa kể rằng, năm 1969, khi người dân đang vui Tết Độc lập thì nghe tin Bác mất. Để tỏ lòng tiếc thương Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con người Nguồn ở khắp thôn xóm đều lập bàn thờ, để tang và thường xuyên hương khói, tưởng nhớ Bác Hồ. Từ đó đến nay, cứ vào dịp Quốc khánh 2/9, người Nguồn ở Minh Hóa cũng bày mâm cơm để cúng mừng Tết Độc lập và giỗ Bác Hồ. Trên mâm cơm đó có đầy đủ bánh chưng, bánh rò, thịt lợn, thịt trâu, hoa quả. Lễ mừng Tết Độc lập và giỗ Bác Hồ của người Nguồn luôn được tổ chức trang trọng. Trước đó nhiều ngày, bà con treo cờ Tổ quốc ở nơi cao nhất và trang trọng nhất. Sau đó các nhà làm những món ăn mang bản sắc của địa phương.

Ông Cao Xuân Diệu, ở xã Tân Hoá, huyện Minh Hóa cho biết, người Nguồn ở Minh Hóa luôn giữ gìn phong tục đón Tết Độc lập hàng năm, đây là nét đẹp truyền thống thể hiện lòng biết ơn Bác Hồ và các tiền nhân đi trước.

Chúng tôi đón Tết Độc lập cũng như Tết Nguyên đán, chỉ khác là tết này thời gian ngắn hơn, chỉ 1, 2 ngày. Bà con năm nào cũng tổ chức đúng dịp 2/9. Đây là ngày lập đất nước Việt Nam và tưởng nhớ Bác Hồ, có Bác thì mới có cuộc sống của mình hôm nay, nên phải tưởng nhớ, tôn kính Bác”.

Những ngày mùa Thu tháng Tám, dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình luôn rộn rã tiếng hò reo. Dưới sông, những trai bơi, gái đua say mê tập luyện chèo thuyền, chuẩn bị Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập. Trên bến, bà con mang kèn trống khua vang 1 góc trời, cổ vũ tinh thần cho các đội đua tập luyện. Trước ngày 2/9, những tay chèo ở các thôn, xã trong huyện Lệ Thủy thi tài vòng bảng và chuẩn bị kỹ cho trận chung kết bơi đua dịp Lễ Quốc khánh 2/9.

Lễ hội bơi đua trên sông Kiến Giang có từ hàng trăm năm trước và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019. Ngày 2/9/1946, kỷ niệm một năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền mừng Tết Ðộc lập. Từ đó đến nay, cứ đúng dịp 2/9, huyện Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và trở thành nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.

Ông Bùi Văn Hải, thành viên đội thuyền thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy bày tỏ, trước ngày Tết Độc lập, những trai bơi, gái đua khỏe mạnh nhất được tuyển chọn vào đội đua bơi thuyền, ra sức tập luyện trên sông Kiến Giang. Ở các bến sông, bà con dùng xô chậu để khoát nước vào đội đua chạy ngang qua, rồi cùng nhau hát làn điệu hò khoan Lệ Thủy cổ vũ các đội. “Hàng năm, lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy được tổ chức rất long trọng, chu đáo. Các thuyền bơi, các thuyền đua của các xã vùng giữa huyện Lệ Thủy tham gia rất nhiệt tình, bà con nhân dân khắp nơi tham gia và ủng hộ cổ vũ cho các đội, rất hào hứng, phấn khởi”.

Ngày Tết Độc lập, mỗi địa phương có 1 cách đón mừng riêng. Miền sông nước vang vọng hò khoan, miền núi có các món ăn đặc sản nhưng tất cả đều có điểm chung là làm mâm cơm tươm tất tưởng nhớ Bác Hồ, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tết Độc lập ở Quảng Bình là nét đẹp của truyền thống văn hóa làng xã, tăng cường sự đoàn kết của nhân dân và là dịp để người dân khắp mọi miền đất nước trở về quê hương đoàn tụ với gia đình.



https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/nguoi-dan-quang-binh-don-tet-doc-lap-1323218.vov