24.5 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

Đánh thức “viên kim cương xanh” du lịch Quảng Bình

Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Quảng Bình đã tìm mọi giải pháp để đánh thức “viên kim cương xanh”. Không phải...
HomeDu LịchQuảng Bình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống...

Quảng Bình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN Du lịch VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Quảng Bình, một trong những địa phương giàu tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa, lịch sử, là nơi sinh sống của các nhóm DTTS đậm đà bản sắc, có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đa dạng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hiện có 2 dân tộc thiểu số là dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt, với 5.607 hộ, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng NinhLệ Thủy với diện tích tự nhiên hơn 3.800 km2. Điều đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình có dân số không nhiều, nhưng lại phân thành nhiều tộc người, trong đó có những tộc người dân số chỉ vài trăm người như A Rem, Rục…, sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội khó khăn, thường xuyên phải đương đầu với thiên tai, bão lũ hằng năm.

Các nhóm người đều có tập tục và tiếng nói riêng, tuy nhiên đã xuất hiện sự giao thoa, đan xen văn hóa giữa các tộc người với nhau, giữa dân tộc thiểu số và dân tộc kinh, giữa dân tộc bản địa với các dân tộc nước bạn Lào, làm dày thêm sự độc đáo và đặc sắc trong giá trị văn hóa của họ. Sự quan tâm vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Bình đã góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS, miền núi. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, phát triển. Một bộ phận đồng bào biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Số hộ đồng bào dân tộc có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng; có hơn 700 hộ làm ăn khá, giỏi, trong đó gần 200 hộ có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên/năm. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân từ 4-5%/năm trong giai đoạn 2016-2023. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS; 100% xã có trạm y tế. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được chú trọng. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được duy trì và phát triển. Nhiều gia đình, thôn, bản, khu dân cư ở vùng dân tộc và miền núi được công nhận là gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa. Mức hưởng thụ văn hóa ở vùng DTTS từng bước được nâng lên. 100% số xã đã được phủ sóng phát thanh, 95% địa bàn được phủ sóng truyền hình, sóng di động; 100% thôn, bản được cấp phát không thu tiền các loại báo, tạp chí, các chuyên trang về dân tộc, miền núi nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giới thiệu các mô hình làm ăn, gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS.

Với nguồn tài nguyên về thiên nhiên, con người đa dạng, phong phú, bản sắc, Quảng Bình có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng gắn với nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Ngày 10/6/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển các sản phẩm du lịch về văn hóa – lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người. Việc phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS sẽ làm đa dạng hóa, bổ sung các sản phẩm du lịch của tỉnh; đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng còn khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng Trường Sơn.

Lễ Hội Đập Trống Ma Coong Ở Xã Thượng Trạch, Huyện Bố Trạch (Ảnh: Hương Giang)

Lễ hội đập trống Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Ảnh: Hương Giang)

Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp…, nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài địa phương. Hơn 40 sản phẩm du lịch đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch đến với Quảng Bình như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại vùng đồng bào Rục ở Thượng Hóa; khám phá khe nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn – hang Rục Mòn; trải nghiệm thiên nhiên ở bản Dộ – Tà Vờng ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa… Các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào DTTS trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình. Một số lễ hội văn hóa độc đáo được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như lễ hội Đập trống của người Ma Coong ở huyện Bố Trạch; lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; Hò thuốc cá huyện Minh Hóa,…đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của nhân dân và khách du lịch.

THỰC HIỆN “MỤC TIÊU KÉP” CẦN DỰA TRÊN QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ DU LỊCH BỀN VỮNG

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, phong phú, chưa góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các DTTS. Nhận thức và sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và hệ thống chính trị về bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS để phát triển du lịch, dịch vụ còn hạn chế. Còn tình trạng ở các thôn, bản đồng bào DTTS giàu tài nguyên du lịch nhưng người dân nghèo, thiếu vốn để kinh doanh du lịch, nên thường dựa vào hoặc hợp tác với các doanh nghiệp và được hưởng tỷ lệ lợi nhuận chưa cao, không ổn định, dẫn tới việc chưa khuyến khích được người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Chưa khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa, đặc biệt khu vực miền núi, biên giới; chưa tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm tại nhiều địa điểm để mở rộng các phân khúc thị trường khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất phụ trợ…

Đáng lo ngại nhất là một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu, niên không còn mặn mà với các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Khi những người dân vùng đồng bào DTTS tham gia sử dụng internet, mạng xã hội nhiều hơn dẫn tới nguy cơ “quên dần” không gian văn hóa của dân tộc mình cũng hiện hữu rõ hơn. Các tín ngưỡng văn hóa đặc trưng bị bỏ qua trong các dịp quan trọng, kiến trúc nhà ở của một số đồng bào DTTS thay đổi, trang phục có xu hướng “phổ thông hóa”. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS còn hạn chế. Chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng nên chưa phát huy được hiệu quả tài năng, tâm huyết của đội ngũ trí thức, nghệ nhân dân gian dân tộc thiểu số. Người có uy tín, các nghệ nhân người DTTS ngày càng ít dần. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Các sản phẩm văn hoá, nhất là các sản phẩm văn hoá có nội dung và hình thức phù hợp với trình độ và thị hiếu của đồng bào còn ít.

Thời gian tới, đề bảo đảm cho công tác bảo tồn văn hóa DTTS đạt chất lượng, hiệu quả, gắn với phát triển du lịch bền vững cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 512/KH-UBND, ngày 1/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình…

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, về công tác quản lý văn hóa vùng đồng bào DTTS. Công tác tuyên truyền cần đa dạng, sáng tạo; lồng ghép với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa mới, bài trừ những tập tục cổ hủ; chống âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm gây chia rẽ, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành và nhân dân, nhất là ngành văn hóa trong tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về đổi mới hệ thống chính sách văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của người DTTS là chủ thể quan trọng trong bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi để nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, những công việc liên quan đến bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Từ đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc các yếu tố văn hóa hiện đại, phù hợp.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vùng đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch bền vững. Để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cần dựa trên quan điểm phát triển bền vững và du lịch bền vững. Nghĩa là, phải đáp ứng tốt nhất yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng các giá trị văn hoá phục vụ du lịch; hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng các DTTS với lợi ích nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn, trật tự xã hội; không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Việc phát triển du lịch tại khu vực đồng bào DTTS vừa làm đa dạng, bổ sung các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc.

Thứ tư, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là, nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa – lịch sử; sinh hoạt lễ hội và văn hóa, nghệ thuật dân gian; phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người. Phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, tăng độ dài lưu trú và mức chi tiêu của du khách, vừa đáp ứng mục tiêu tăng lợi nhuận của ngành du lịch tỉnh nhà, vừa giúp du khách tìm hiểu sâu hơn, đa dạng hơn giá trị văn hóa của các DTTS trên địa bàn tỉnh; tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch của tỉnh. Tăng cường liên kết với các vùng, miền lân cận để hoàn thiện các chuỗi sản phẩm mang tính liên vùng, nâng cao tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các DTTS kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Giữ gìn, phát huy văn hóa DTTS phải đi đôi với ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS tại chỗ. Gắn văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào; một mặt, bảo đảm cho văn hóa DTTS được phát huy, phát triển, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, mặt khác nâng cao ý thức, trách nhiệm của người DTTS với công tác bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số nhất thiết phải được đặt trong môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tôn trọng hệ giá trị văn hóa các dân tộc, không vì kinh tế mà hi sinh các giá trị văn hóa của các dân tộc. Quan tâm, bố trí đủ nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số. Chú trọng chính sách hỗ trợ, phục dựng các lễ hội truyền thống, các sản phẩm văn hóa truyền thống, bảo tồn làng, bản, tiếng nói và chữ viết; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ.

Thứ sáu, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ làm công tác dân tộc và quản lý văn hóa dân tộc thiểu số. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công tạo dựng các công trình, sản phẩm văn hóa, lưu truyền, truyền dạy các giá trị văn hóa DTTS; khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Kịp thời khen thưởng, biểu dương, động viên, hỗ trợ các nghệ nhân, người có uy tín tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ Nhân dân các dân tộc.

Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Chú trọng cơ chế phối hợp trong hoạt động của ngành văn hóa các cấp. Nỗ lực tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Văn hóa truyền thống các DTTS là tài sản có giá trị quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Do đó cần chú trọng đầu tư, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống vào việc phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội các DTTS trên địa bàn tỉnh./.




Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định ưu tiên, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay. Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: văn hóa các DTTS là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng vùng đồng bào DTTS.

 

TS. TRẦN HỮU THÂN

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình

 

 



https://tuyengiao.vn/quang-binh-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-gan-voi-phat-trien-du-lich-153245