23.8 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDanh NhânGiữ gìn, phát huy giá trị đặc biệt di tích lịch sử...

Giữ gìn, phát huy giá trị đặc biệt di tích lịch sử Song Trung miếu bia

(QBĐT) – Cũng như nhiều làng, xã ở Quảng Bình, Phù Kinh xưa, nay thuộc xã Phù Hóa, Cảnh Hóa (Quảng Trạch) được hình thành từ những cuộc di dân ở các địa phương miền Bắc vào dưới thời Lý, Trần, Lê và những năm đầu thời chúa Nguyễn. Tại đây có di tích lịch sử đền Song Trung (hay còn gọi là Song Trung miếu bia) ở thôn Trung Tiến, là nơi thờ hai cha con Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ, hai vị công thần đã có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống cát cứ, bảo vệ quê hương, phục hưng đất nước thời Hậu Lê.

Tiếp cận với gia phả họ Hoàng Phù Kinh, được biết họ Hoàng Phù Kinh có từ triều Lý (thế kỷ XI), xưa vốn quê xã Lý Trai, huyện Phúc Khê, tỉnh Nghệ An, trải qua nhiều đời di cư vào xã Phù Kinh (tên xã Phù Kinh (Kênh) được xác lập từ cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng năm 1831-1832, thuộc tổng Thuận Lễ). Phù Kinh mảnh đất phù sa nhỏ hẹp bên núi bên sông, tạo nên thắng cảnh tuyệt vời. Tại văn bia miếu tộc công thần họ Hoàng xã Phù Kinh, châu Bố Chính chép: “Bố Chính là đất cũ của nước Lâm Ấp. Tính từ triều Lý, nước ta mới bắt đầu ghi chép vào hộ tịch, trên Ai Lao, dưới đến cửa biển. Trong chắn bởi Hoan Diễn, ngoài được khống chế bởi Quảng Hóa.

Vời vợi một hình tượng thắng địa lớn, núi kỳ lạ, nước đẹp trong, cây cối tốt tươi, hoa hương, thực sự là báu của trời hoa của vật, đất linh thiêng, con người tài giỏi. Có tài của người khôi ngô tuấn tú, có kẻ sĩ võ dũng trí tuệ giỏi giang… Lại thường nghe xuất ra ở đó ắt là có, ấp như núi Phù Kênh-Lôi Hoành, đỉnh núi nối với sông nước Đình Giang. Vòng quanh như thế nơi bãi cát bên sông, ôm ấp lấy nhau đầu đuôi tương ứng, cây cối thành dải uốn như lông chim tươi tốt, trời tạo nên, đất đặt ra, quỷ tạc, thần đâm, râm râm thế, ran ran thế tựa như chim le le đang ở. Bến sông nhân Phù Kinh mà có tên, cũng chính là quê hương của tướng công Phúc Khê hầu vậy…”





Tấm Văn Bia Đền Song Trung.
Tấm văn bia đền Song Trung.

Sử sách lưu lại rằng, vào những năm đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy vong, triều đình bộ máy quan lại ngày càng hủ bại, ruỗng nát. Lợi dụng triều Lê suy vong, tập đoàn nhà Mạc do Mạc Đăng Dung cầm đầu đã làm cuộc “đảo chính cung đình”, phế truất triều Lê, lập ra triều Mạc. Lúc bấy giờ, đất nước bị giặc phương Bắc quấy nhiễu hòng xâm lược nước ta, trong khi đó các cuộc nổi dậy tranh giành quyền lực của các phe phái phong kiến làm cho đời sống nhân dân lâm vào cảnh cơ cực, thống khổ. Năm 1540, trước sự đe dọa của nhà Minh (Trung Quốc), Mạc Đăng Dung dâng đất 6 động vùng Vĩnh An (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) để cầu hòa với nhà Minh, xúc phạm tinh thần độc lập dân tộc và danh dự của Tổ quốc, vì vậy nhân dân và hào kiệt các nơi theo về giúp triều Lê Trung Hưng rất đông.

Sinh ra và lớn lên vào thời kỳ lịch sử dân tộc đầy biến động, từ vùng đất Phù Kinh (thuộc châu Bố Chính, phủ Tân Bình)-nơi vốn là phên dậu phía Nam của nước Đại Việt, ông Hoàng Vĩnh Tộ đã gia nhập vào đội quân của tướng Nguyễn Kim phò Lê diệt Mạc. Tương truyền, thuở còn nhỏ, ông là cậu bé khôi ngô, tuấn tú, thông minh. Trưởng thành, ông là một thanh niên hào kiệt, có sức khỏe phi thường, có chí khí thông minh, hiểu biết hơn người, giàu lòng yêu nước, thương dân. Hoàng Vĩnh Tộ đã nhiều lần xung trận, chém giặc lập công to lớn. Ghi nhận công lao to lớn của ông, năm Thận Đức thứ I (1600) ông được vinh phong chức Hiệp mưu Dương Vũ công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Thự vệ sự hầu tước. Khi mất ông được truy phong tước Phúc Khê hầu Đại vương tôn thần (theo văn bia và gia phả họ Hoàng Phù Kinh).

Tiếp bước cha Hoàng Vĩnh Tộ, con trai trưởng của ông là Hoàng Vĩnh Dụ, từ nhỏ, vốn cũng là người thông minh, lanh lợi, có sức khỏe phi thường, giỏi võ thuật, lớn lên Hoàng Vĩnh Dụ đã cùng cha tham gia nhiều trận chiến chống giặc, góp công lớn. Đặc biệt chiến công lừng lẫy tiêu diệt quân ngụy Mạc ở trận địa đầu đất Giao Thủy (Nam Định). Năm Vĩnh Tộ triều Lê thứ 10 (1628) ông được vinh phong là Dương Vũ uy dũng Tán trị Công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Điện tiền Đô hiệu điểm ty Tả hiệu điểm hầu tước. Khi mất ông được truy phong tước Hoằng Dũng Đại vương tôn thần.

Rõ ràng, cha gây dựng nên sự nghiệp và con đã phát huy rực rỡ thêm, trước sáng chói, sau chói lọi, thật đúng với tên tuổi “Tôi trung con thảo”. Trong thời nhà Lê nói riêng, triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, việc hai cha con cùng được vinh phong Thượng tướng quân là điều hiếm có.

Trong lịch sử dân tộc, giai đoạn hai cha con ông Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ sống, cống hiến là giai đoạn lịch sử dân tộc đầy thăng trầm, biến động và cũng vì sự đố kỵ, chia rẽ, tranh giành ngôi thứ quyền lực giữa các vua chúa, nên quốc sử thời ấy ít viết hoặc viết thiên lệch, không đầy đủ, trong đó có trường hợp hai cha con ông. Tuy nhiên, dù lý do gì thì công lao và chiến tích của hai cha con Thượng tướng quân Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ bụi mù thời gian không thể che mờ. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần Đền miếu (trang 69) còn ghi: “Đền Song Trung ở xã Phù Kinh, huyện Minh Chính, thờ công thần triều Lê là Hoàng Vĩnh Tộ và con là Hoàng Vĩnh Dụ, trước đền có bia đá dài hơn 2 trượng, rộng 1 thước 5 tấc, trên mặt khắc chữ Song Trung miếu bia nay vẫn còn”.

Năm 1995, trong một chuyến công tác vào Quảng Bình, giáo sư đầu ngành Sử học Việt Nam Trần Quốc Vượng đã thăm, nghiên cứu ở đây và ông có nhận xét: Tấm văn bia của đền Song Trung là loại bia có niên đại khá sớm ở Quảng Bình và khu vực miền Trung. Đây là văn bia (có bài ký) ghi lại rõ ràng lịch sử mảnh đất, thân thế, sự nghiệp, truyền thống của hai vị Thượng tướng quân vào thời Lê Trung Hưng. Đây là một tác phẩm văn học sử vô giá, là bảo vật của quốc gia cần được bảo vệ.

Khi cầm xem mảnh ngói gốm sứ ở đền thờ Song Trung, giáo sư Trần Quốc Vượng tỏ ra ngạc nhiên vì những chất liệu từ cách tráng men, nung đất sét và hoa văn rất giống gốm sứ Nhật Bản từ những thế kỷ trước. Phải chăng từ vùng đất Phù Kinh, thuộc Châu Bố Chính này đã có sự giao thương nào đó khá sớm với bên ngoài? Đền Song Trung uy nghiêm nằm bên cạnh núi Lèn Rồng cây cối tốt tươi soi bóng sông Gianh trong vắt, nhìn sang bên kia sông, dãy núi Lệ Sơn trùng điệp 99 chóp cùng soi bóng, đúng là mảnh đất sơn thủy hữu tình, địa linh nhân kiệt hiếm nơi nào có được. Giáo sư Trần Quốc Vượng tâm sự: Với Quảng Bình nghiên cứu sử học trên mặt đất còn nhiều việc phải làm nhưng trong lòng đất còn vô vàn điều bí ẩn cần được đầu tư nghiên cứu… Nay giáo sư đã đi về miền mây trắng nhưng chúng ta còn nợ với lời ông dặn.





Lăng Mộ Hai Vị Thượng Tướng Quân Ở Đồi Rú Vắp.
Lăng mộ hai vị Thượng tướng quân ở đồi Rú Vắp.

Trải bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua thời gian cùng với thiên tai, chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt làm cho đền Song Trung nhiều lần hư hỏng nặng. Đến năm 1997 được Sở Văn hóa-Thông tin hỗ trợ kinh phí và sự đóng góp của con cháu, nhân dân trong xã, đền Song Trung đã được trùng tu một bước. Năm 2016 đền Song Trung được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Tiếp tục được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và địa phương, đặc biệt là sự đóng góp của con cháu họ Hoàng và bà con nhân dân, đền Song Trung ở Phù Kinh đã được trùng tu, sửa chữa và bảo tồn khá nguyên vẹn. Cùng với việc trùng tu, sửa chữa đền Song Trung ở Lèn Rồng, con cháu họ Hoàng cũng đã di dời mộ của hai vị Thượng tướng quân Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ về an nghỉ trên núi Rú Vắp.

Khu lăng mộ hai vị tướng quân đã được xây dựng khang trang, uy nghiêm, đẹp đẽ. Với hình sông, thế núi tuyệt đẹp. Đền thờ hai vị Thượng tướng quân, hai cha con Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ nằm bên núi Lèn Rồng soi bóng sông Gianh và khu lăng mộ hai cụ nằm trên núi Rú Vắp lộng gió bốn phương tám hướng, phía trước sông Gianh (Rào Nậy), phía sau sông Rào sau bao quanh tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình, hình sông, thế núi linh thiêng, hội tụ sinh khí phát tài phát lộc muôn đời con cháu.

Di tích lịch sử đền Song Trung đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện công lao to lớn của hai vị Thượng tướng quân trong cuộc đấu tranh chống cát cứ qua đó góp phần phục hưng đất nước, chuẩn bị binh lực để chống ngoại xâm phương Bắc lúc bấy giờ đang lăm le xâm lược nước ta. Đặc biệt, với tấm văn bia còn lưu giữ có niên đại khá sớm, rất hiếm hoi, là tác phẩm văn học sử vô giá, cùng với khu lăng mộ hai vị tướng an nghỉ rất xứng đáng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia để có điều kiện tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử đặc biệt này một cách lâu dài, bền vững.

Di tích đền Song Trung và khu lăng mộ của hai danh tướng ở xã Phù Hóa, Cảnh Hóa nằm trong tuyến tham quan Du lịch di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương: Đèo Ngang-Hoành Sơn quan, đền Liễu Hạnh công chúa, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vũng Chùa-Đảo Yến sẽ tạo nên tuyến du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến với vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình.

Hoàng Minh TIến

https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202410/giu-gin-phat-huy-gia-tri-dac-biet-di-tich-lich-su-song-trung-mieu-bia-2221666/