24.5 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

Đánh thức “viên kim cương xanh” du lịch Quảng Bình

Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Quảng Bình đã tìm mọi giải pháp để đánh thức “viên kim cương xanh”. Không phải...
HomeQuảng BìnhNơi xuất phát chuyến "tàu không số" đặc biệt

Nơi xuất phát chuyến “tàu không số” đặc biệt

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình có vị trí chiến lược hết sức quan trọng: Tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam; là địa bàn trung chuyển chiến lược, chi viện sức người, sức của cho chiến trường… Quảng Bình cũng chính là nơi chuẩn bị và tổ chức chuyến vận tải hàng đầu tiên chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển của Tiểu đoàn vận tải thủy 603-Tập đoàn đánh cá sông Gianh (đóng tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch).

 

Để chuẩn bị cho những chuyến vượt biển vào Nam của Tiểu đoàn 603, ngay từ đầu năm 1959, việc đóng mới tàu, thuyền đã được cấp trên đặc biệt ưu tiên và khẩn trương xúc tiến. Một số cán bộ cơ sở được giao nhiệm vụ bí mật thiết kế mẫu thuyền đánh cá của ngư dân vùng Trung Trung bộ và đưa vào sản xuất. Quá trình thi công, ngoài việc bảo đảm chất lượng thì yêu cầu đặt lên hàng đầu là sau khi hoàn thành thuyền phải thật giống thuyền đánh cá của ngư dân. Song song với việc đóng thuyền, sau ngày thành lập và hành quân về vị trí đóng quân ở thôn Thanh Khê, được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo chính quyền địa phương, Tiểu đoàn 603 khẩn trương ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt, bắt tay vào học tập chính trị, huấn luyện quân sự và chuyên môn kỹ thuật, chuẩn bị cho những chuyến đi vào Nam.

 

Đầu tháng 7/1959, khoảng 70 cán bộ, chiến sĩ đơn vị với trang phục dân sự đã có mặt tại địa phương, được bố trí đóng quân ở xóm Thanh Gianh và xóm Chùa của thôn Thanh Khê. Tuy đóng quân ở hai vị trí, nhưng công việc hằng ngày của hai bộ phận này giống nhau. Buổi sáng tập thể dục, tập bơi, đan lưới, kết phao; buổi chiều sử dụng các loại thuyền nhỏ đánh cá gần bờ, rồi tập xà đơn, xà kép; buổi tối sinh hoạt và thả lưới. Tất cả hoạt động của đơn vị hết sức kín đáo, cách biệt hoàn toàn với bên ngoài, chỉ những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã mới biết.

 

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 603 phải thay đổi trang phục cho giống dân chài miền Trung Trung Bộ, tập giọng nói, xưng hô sao cho đúng là “dân ngư nghiệp chưa hề pha binh nghiệp”. Trong thời gian huấn luyện, lãnh đạo huyện Bố Trạch và xã Thanh Trạch mỗi tuần một lần bí mật tiếp tế khoai, rau, củ, quả và cá cho đơn vị. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân địa phương và Sư đoàn 325 (lúc này đang đóng quân tại Quảng Bình), đến giữa tháng 12/1959, Tiểu đoàn 603 đã có 20 chiếc thuyền buồm giống thuyền đánh cá của ngư dân Khu 5. 100% cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều được cấp thẻ căn cước có đóng dấu nổi và chữ ký của Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam, đồng thời triển khai công tác đánh bắt hải sản ven biển từ Nam Đèo Ngang đến Bắc Cửa Tùng, kết hợp vận chuyển, tiếp tế hàng cho bộ đội trên đảo Cồn Cỏ. 





Một Chiếc  &Quot;Tàu Không Số &Quot; Chuyển Vũ Khí Đạn Dược Vào Miền Nam. Ảnh Tư Liệu
Một chiếc “tàu không số” chuyển vũ khí đạn dược vào miền Nam. Ảnh tư liệu

Đêm Giao thừa Tết Canh Tý 1960, 6 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cùng một chiếc thuyền và 5 tấn vũ khí, đạn, thuốc quân y lặng lẽ rời cửa sông Gianh lên đường thực hiện chuyến đi đầu tiên vào Nam để vừa thăm dò, tiền trạm, vừa rút kinh nghiệm. Đêm Giao thừa giữa mịt mùng biển khơi và những đợt gió mùa Đông Bắc thổi mỗi lúc một mạnh, khi đến vùng biển quốc tế, thuyền bẻ lái thẳng tiến về Nam. 3 ngày vật lộn với sóng to, gió lớn, mặc dù ý chí quyết tâm cao, nhưng những trận cuồng phong của biển khiến bộ đội không thực hiện được theo kế hoạch ban đầu là sẽ cập bờ tại địa điểm Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân chi viện cho Khu 5.

 

Do bánh lái gãy nên thuyền mất phương hướng, trôi dạt đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và bị địch phát hiện, vây bắt. Trước tình thế không thể chống đỡ, kiên quyết không để hàng rơi vào tay địch, theo lệnh của thuyền trưởng, toàn bộ 5 tấn súng đạn, thuốc quân y đã nhanh chóng được thả xuống biển. Khi tàu địch tiếp cận được thuyền, 6 cán bộ, chiến sĩ bị bắt. Dù đã thống nhất lời khai là ngư dân đánh cá bị bão trôi dạt về đây và có thẻ căn cước của chính quyền ngụy, nhưng chúng không tin, giam riêng từng đồng chí và dùng mọi cực hình tra tấn dã man khiến 4 chiến sĩ anh dũng hy sinh trong nhà lao.

 

Chuyến đi đầu tiên không thành công, phải chịu tổn thất, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Phòng Nghiên cứu công tác chi viện quân sự miền Nam và Tổng cục Hậu cần tổ chức rút kinh nghiệm, tìm phương án mới để tiếp tục chi viện cho miền Nam. Cũng trong thời điểm ấy, Tiểu đoàn 603 sáp nhập với Tiểu đoàn 301 thuộc Đoàn 559 để thực hiện nhiệm vụ mới.

 

Đầu năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên Chiến trường Trị-Thiên rất khó khăn, ác liệt, nhất là vấn đề bảo đảm vũ khí cho bộ đội đánh giặc. Bộ tư lệnh Mặt trận B5 đề nghị Quảng Bình triển khai chi viện gấp cho chiến trường.

 

Nhiệm vụ vận chuyển vũ khí được lãnh đạo tỉnh chính thức giao cho huyện Quảng Trạch, mà trực tiếp là Đảng bộ và nhân dân xã Cảnh Dương, một địa phương làm nghề cá nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Trị-Thiên ruột thịt”, lực lượng tham gia vận chuyển được tổ chức thành 12 thuyền, mỗi thuyền có trọng tải từ 2 đến 3 tấn và biên chế 6 thuyền viên (đây chính là “Đoàn tàu không số” của Quảng Bình). Ngày 26/2/1968, đoàn thuyền rời Cảnh Dương vào Quang Phú, Đồng Hới tiếp nhận vũ khí.

 

Trong điều kiện gió mùa, mưa rét, trời tối, dù đã chủ động đưa thuyền vào tránh nấp và ngụy trang trước khi trời sáng nhưng vẫn bị địch phát hiện. Ngay lập tức, chúng huy động tàu chiến, máy bay bắn phá vào khu vực đoàn thuyền đang trú đậu, làm một chiếc bị chìm, một chiếc bị hỏng nặng. Trước tình hình trên, chỉ huy đoàn thuyền quyết định một số cán bộ ở lại cùng lực lượng dân quân, công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) trục vớt vũ khí, 8 thuyền còn lại tiếp tục tiến về Nam theo đúng kế hoạch. Sau khi liên lạc được với Mặt trận B5 và bàn giao xong vũ khí, để giữ bí mật, các thuyền viên ở lại cùng với nhân dân địa phương sản xuất và phối hợp với lực lượng du kích đánh giặc chống càn.

 

Trong chiến dịch vận tải VT5 từ năm 1968 đến 1969, quân dân Quảng Bình tổ chức thành các đội và sử dụng hầu hết các loại phương tiện vận tải, tiếp nhận và chuyển giao được 13,2 vạn tấn hàng hóa, vượt chỉ tiêu so với Trung ương giao hơn một vạn tấn…

Theo Báo QĐND

https://www.baoquangbinh.vn/quoc-phong-an-ninh/202410/noi-xuat-phat-chuyen-tau-khong-so-dac-biet-2221753/