23.8 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

Đánh thức “viên kim cương xanh” du lịch Quảng Bình

Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Quảng Bình đã tìm mọi giải pháp để đánh thức “viên kim cương xanh”. Không phải...
HomeDu LịchKinh nghiệm sống chung với thiên tai ở vùng rốn lũ Quảng...

Kinh nghiệm sống chung với thiên tai ở vùng rốn lũ Quảng Bình

Những năm gần đây tại tỉnh Quảng Bình, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nặng nề hơn. Đợt mưa lũ vừa qua gần chạm mốc cơn lũ lịch sử năm 2020, người dân vùng trũng tỉnh Quảng Bình đã chủ động ứng phó, phòng tránh từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sống ở vùng thường xuyên ngập lụt nên người dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình luôn chủ động phương án ứng phó. Khi nghe tin dự báo mưa lớn sẽ làm nước dâng cao, mọi người liền dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống cho gia đình đủ dùng trong vài ngày mưa lụt. Trận mưa lụt đầu tháng 10 năm nay, nước lên quá nhanh, kéo dài nhiều ngày và rút chậm nên nhiều gia đình không kịp trở tay.

Kinh Nghiem Song Chung Voi Thien Tai O Vung RonDi dời người già, người yếu thế ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn

Ông Trần Văn Hoàng, ở xóm 5, Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, hầu hết nhà dân trong làng ngập sâu, nhiều người chủ động kê dọn đồ đạc, lương thực lên cao nhưng vẫn không kịp vì nước dâng quá nhanh: “Tài sản của gia đình tôi mất hết. Gia đình dự trữ gần một tấn lúa để ăn trong Giêng hai, Tết, làm mùa, bây giờ ướt hết không còn bao nào. Nước lên đột ngột quá, bây giờ hư hết rồi. Bây giờ nghe thêm đợt mưa lũ mới nữa nên bà con cảm thấy mệt lắm rồi. Bây giờ nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ giúp đỡ”.

1730966253 494 Kinh Nghiem Song Chung Voi Thien Tai O Vung RonNgười dân sinh hoạt an toàn trong lũ

Ông Nguyễn Thành ở thôn Phù Thị, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy cho hay, người dân vùng lụt Lệ Thủy đã quá quen sống chung với lũ lụt. Nhà nào cũng có sẵn sàng phương án ứng phó, chạy lụt. Nhiều nhà sắm cả ghe nhỏ, áo phao, làm gác lửng để kê dọn đồ đạc. Ông Nguyễn Thành cho hay, thay vì chờ các lực lượng đến ứng cứu, bà con trong thôn xóm tương trợ, giúp đỡ nhau, đảm bảo an toàn trước thiên tai. “Hai, ba gia đình ở sát nhau thì nhà này, hỗ trợ nhà kia chuyển đồ đạc lên chỗ cao, kê ghế, giàn giáo đưa đồ điện, chăn màn, quần áo lên cao. Đối với người thì cùng nhau di chuyển lên chỗ cao hơn, đến nhà cao hơn xin họ cho ăn ở tạm nhà họ. Lá lành đùm lá rách. Bà con giúp nhau trong lũ lụt, mình đến nhà có điều kiện, cao hơn ở thì họ. Họ nấu cơm nước cho mình ăn, cái gì giúp được thì giúp cho mình ăn ở tạm ở nhà họ”.

1730966253 739 Kinh Nghiem Song Chung Voi Thien Tai O Vung RonNgười dân chủ động mua xăng dầu dự trữ trong lũ

1730966253 538 Kinh Nghiem Song Chung Voi Thien Tai O Vung RonNgười dân đưa phương tiện lên cầu để tránh lũ ngập hư hại

Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy cho hay, hầu hết nhà dân trong xã đều ngập sâu. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của xã sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ bà con di dời. Khi nước lũ dâng cao, các lực lượng huy động ghe thuyền đến những điểm cao ráo tiếp nhận hàng cứu trợ về phân phát tận nhà cho bà con, không để bà con đi lại trong mưa lụt, đề phòng bất trắc. Nhờ vậy, đa số người dân địa phương đều an toàn trong những ngày ngập lụt. Ông Nguyễn Văn Phong thông tin thêm: “Tình hình mưa lũ năm nay, trên địa bàn xã Liên Thủy lên ngập rất sâu. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của xã chủ động triển khai phương án để phòng chống lũ lụt. Các phương án phòng chống thiên tai của xã huy động, tăng cường các lực lượng, hỗ trợ bà con di dời từ chỗ thấp đến nơi an toàn”.

1730966253 592 Kinh Nghiem Song Chung Voi Thien Tai O Vung RonNgười dân lên nhà tránh lũ khi nước ngập vào nhà

Nằm bên cạnh điểm hợp lưu giữa sông Cẩm Lý và sông Kiến Giang, đến mùa bão lụt hàng năm, thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy là nơi lũ lụt vào sớm nhất và rút muộn nhất. Có những năm lụt chồng lụt, “rốn lũ” Vinh Quang ngâm nước cả tháng ròng.

Nhờ có sự chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, thôn đã bố trí lực lượng đến tận các nhà dân cao tầng, kiên cố vận động bà con giúp đỡ hàng xóm có nơi tá túc, sinh hoạt trong những ngày bão lụt. Bên cạnh đó, 50 hộ dân sống trong những ngôi nhà thấp, thiếu kiên cố, nhà có người già, trẻ em, hộ neo đơn, hộ sống trong vùng nguy hiểm đều được đưa đến trú tránh tại nhà chống bão lũ cộng đồng thôn Vinh Quang. Tại đây, địa phương đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men để bà con yên tâm. Chính nhờ công tác phòng, chống thiên tai được triển khai chủ động, sát với thực tiễn của địa phương nên trong đợt mưa lũ vừa qua, tại đây không có thiệt hại về người, không có hộ bị thiếu ăn trong những ngày bão lụt.

1730966253 602 Kinh Nghiem Song Chung Voi Thien Tai O Vung RonHội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình phối hợp với các đơn vị hỗ trợ bà con tại nhà tránh cộng đồng thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy Ảnh: Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, qua nhiều đời sống chung với lũ lụt, người dân đúc rút được nhiều kinh nghiệm để chung sống an toàn. Đó là, người dân chủ động bố trí lịch thời vụ và thu hoạch cây màu, vật nuôi trước mùa mưa lũ, hạn chế những thiệt hại bất ngờ. Bên cạnh đó, bà con chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm từ khá sớm. Trước khi bão lũ ập đến, bà con chủ động giằng buộc, kê dọn các vật dụng thiết yếu lên nơi cao ráo, tránh thiệt hại do thiên tai. Theo ông Nguyễn Văn Dương, trong mưa lũ, người dân đoàn kết, giúp nhau vượt qua hoạn nạn. “Nhà chống lũ cộng đồng đã phát huy phương châm ứng phó mưa lũ 4 tại chỗ như phương tiện tại chỗ, vật chất tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và lực lượng tại chỗ để đảm bảo cho sinh hoạt của nhân dân và đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con”.

1730966253 662 Kinh Nghiem Song Chung Voi Thien Tai O Vung RonKhi lũ rút chậm, người dân đi ghe đến điểm tập kết nhận nhu yếu phẩm

Đợt mưa lũ này, tỉnh Quảng Bình đã kích hoạt các đội xung kích phòng, chống thiên tai, sẵn sàng nhận và thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, nhanh chóng có mặt để triển khai các phương án ứng phó, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Các lực lượng này cũng phối hợp với lực lượng vũ trang đến các điểm xung yếu, vùng thấp trũng nhất để hỗ trợ di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn. Ngay sau khi nước rút, các đội hình xung kích tình nguyện kịp thời có mặt, hỗ trợ người dân và các trường học, trụ sở dọn dẹp vệ sinh để sớm hoạt động trở lại.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, trước lũ, tỉnh đã lên danh sách, kích hoạt các tổ đội ứng cứu nhanh khi lũ lụt lên nhanh tại các xã vùng trũng. Ở mỗi thôn sẽ có 1 đội từ 10- 12 người nằm trong tổ xung kích. Địa phương đưa thông tin, số điện thoại của tổ xung kích đề phòng khi nước lên nhanh thì bà con sẽ gọi đến hoặc lên mạng xã hội kêu cứu, tất cả phương án tình huống đều được chuẩn bị sẵn sàng. “Chúng tôi đã huy động 519 cano của các lực lượng chức năng, huy động 1800 thành viên lực lượng đội xung kích tình nguyện để triển khai thực hiện di dời người dân kịp thời. Trong giai đoạn nước rút chậm, chúng tôi đã triển khai kiểm tra để tiếp tế, hỗ trợ lương thực thực phẩm cho bà con”, ông Trần Quốc Tuấn nói.

1730966253 70 Kinh Nghiem Song Chung Voi Thien Tai O Vung RonTiếp cận, hỗ trợ người dân vùng ngập nặng

Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngoài việc chuẩn bị lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng phó, tỉnh Quảng Bình cũng huy động các lực lượng, phương tiện của tỉnh tham gia cứu hộ. Tùy theo từng cấp độ thiên tai để địa phương huy động các lực lượng hợp lý, phối hợp các lực lượng bên trong và bên ngoài vùng “rốn lũ” kịp thời cứu người, di dời tài sản. Khi xảy ra mưa lũ, nhân dân, người yếu thế tại khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven biển, cửa sông, vùng thường xuyên ngập lụt sâu, nhà yếu đều được lực lượng cứu hộ nhanh chóng sơ tán. Huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh đã áp dụng phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tình hình mưa lũ, địa chất, từ đó sớm di dời khẩn cấp nhiều hộ dân khi có dấu hiệu sạt lở và nước lũ lên nhanh. Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Các lực lượng Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng đã bố trí ứng trực 100% quân số và sẵn sàng chi viện cho các huyện khi các huyện yêu cầu. Còn đối với huyện Lệ Thủy thì chúng tôi chỉ đạo các xã triển khai lực lượng 4 tại chỗ để đảm bảo an toàn tính mạng người dân và an toàn tài sản”.

Theo VOV

Link: https://vov.vn/xa-hoi/kinh-nghiem-song-chung-voi-thien-tai-o-vung-ron-lu-quang-binh-post1133496.vov



https://hatinh.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-bai/22235/kinh-nghiem-song-chung-voi-thien-tai-o-vung-ron-lu-quang-binh