(QBĐT) – Sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” đồng thời hạ quyết tâm “Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Thực hiện nhiệm vụ Đảng, Bác Hồ giao trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, Đội VNTTGPQ dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đội trưởng Hoàng Sâm vẫn lập nên hai chiến công vang dội tại Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống “ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
>>> Bài 1: Đất khoa bảng… nuôi chí anh hùng
>>> Bài 2: Sự lựa chọn lịch sử
“Lai vô ảnh, khứ vô tung”
Trên đường vào khu rừng Trần Hưng Đạo, cô gái Tày La Hồng Hạnh ở TP. Cao Bằng đưa chúng tôi đến thăm Di tích lịch sử các đồn Phai Khắt (xã Tam Kim), Nà Ngần (xã Hoa Thám) ở huyện Nguyên Bình.
Đồn Phai Khắt cách rừng Trần Hưng Đạo 7km, nguyên là ngôi nhà của ông Nông Văn Lạc, một “hạt giống cách mạng” tỉnh Cao Bằng, người tham gia cả hai trận đánh. Năm 1998, khi hay tin ông Nông Văn Lạc qua đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư chia buồn. Bức thư có đoạn: “Anh Lạc là người có công lớn trong những ngày đầu xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập Đội VNTTGPQ theo chỉ thị của Bác Hồ. Trực tiếp chuẩn bị và tiến hành hai cuộc chiến đấu thắng lợi đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần và các chiến thắng tiếp theo”.
Đồn Nà Ngần cách đồn Phai Khắt khoảng 20km nằm trên ngọn đồi cao, địa thế hiểm trở, từ ngoài vào phải qua mấy thung lũng. Ngôi nhà thiết kế theo kiểu nhà sàn gồm 3 gian, 2 chái lợp ngói thuộc sở hữu gia đình Phó lý Páo (Nông Văn Páo).
“Trận đầu nhất định phải thắng lợi”- lời Bác Hồ căn dặn trở thành phương châm hành động xuyên suốt của Đội VNTTGPQ, một nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt trên vai đồng chí Võ Nguyên Giáp và đội trưởng Hoàng Sâm.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Dương Mạc Thăng, con trai chính trị viên Đội VNTTGPQ Xích Thắng-Dương Mạc Thạch nhớ lại: Dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đội trưởng Hoàng Sâm, toàn Đội VNTTGPQ nhất quán lựa chọn, sử dụng chiến thuật tiến công bằng lối “hóa trang kỳ tập”. Đánh Phai Khắt, Nà Ngần là ngang với sức ta vì lực lượng ta trực tiếp đánh đồn chỉ khoảng 20 người, vũ khí thô sơ, cán bộ chỉ huy thử thách qua thực tiễn chiến đấu chưa nhiều. Thời điểm tấn công đồn phải bảo đảm các yếu tố bí mật, bất ngờ. Đặc biệt, sau thắng lợi, chúng ta rút đi, tính mạng, tài sản nhân dân vẫn an toàn, tránh sự trả thù của địch.
Ông Tô Vũ Công (SN 1954) ở xã Vĩnh Quang, TP. Cao Bằng, con trai đội viên Đội VNTTGPQ Tô Vũ Dâu, người trực tiếp tham gia đánh hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần nhớ lại: Bố tôi lúc còn sống hay kể về các trận đánh, luôn dành cho đội trưởng Hoàng Sâm một tình cảm rất đặc biệt về tài năng quân sự, đạo đức, tác phong chỉ huy, tình thương yêu với đồng đội, đồng chí, đồng bào. Để bảo đảm trận đầu nhất định phải thắng lợi, công tác trinh sát được đội trưởng Hoàng Sâm giao cho cậu bé Hồng (Nông Văn Xương) nhà ở gần đồn, chỉ mới 12 tuổi. Ngày ngày bé Hồng mang rượu, thức ăn ngon vào cho tên Đồn trưởng đồn Phai Khắt. Mọi vị trí kho súng đạn, giờ giấc sinh hoạt, đổi gác của địch… đều được bé Hồng nắm chắc và báo cáo cho đội trưởng Hoàng Sâm.
Trận đánh đồn Phai Khắt diễn ra chiều 25/12/1944 có sự tham gia của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau 30 phút chiến đấu, Đội VNTTGPQ làm chủ hoàn toàn khu vực. Ta thu được 17 súng, tiêu diệt tên đồn trưởng Pháp và bắt sống toàn bộ lính trong đồn.
Sau chiến thắng Phai Khắt, Đội VNTTGPQ tiếp tục hành quân đến mục tiêu thứ hai, đồn Nà Ngần. Sáng 26/12/1944, lực lượng ta bí mật áp sát đồn địch. Toàn đội cải trang bằng những bộ kaki lính dõng và lính tập, chiến lợi phẩm thu được ở đồn Phai Khắt. Trận đánh đồn Nà Ngần chỉ diễn ra khoảng 15 phút. Ta tiêu diệt 5 tên địch, bắt sống 17 tên, thu 27 súng. Đồng chí Hoàng Văn Thái giương cao lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên đồn Nà Ngần.
Chắc mới đánh… đánh chắc thắng
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự nhận xét: Tướng quân Hoàng Sâm là vị tướng tài, tướng đánh giặc. Khi Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp trao trọng trách làm Đội trưởng Đội VNTTGPQ, mặc dù thời kỳ đầu khi thành lập gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng cũng chính là lúc tài năng quân sự thiên bẩm của đội trưởng Hoàng Sâm bộc lộ. Hai trận thắng Phai Khắt, Nà Ngần và sau này là trận đánh đồn Đồng Mu (châu Bảo Lạc, Cao Bằng) ngày 4/2/1945 là những minh chứng.
Dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp, đội trưởng Hoàng Sâm sử dụng chiến thuật “hóa trang kỳ tập”, lấy ít địch nhiều, dùng ít súng đạn, hạn chế thương vong, kiên quyết giành thắng lợi theo đúng chỉ thị của Bác, thể hiện những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự, chắc mới đánh… đánh chắc thắng.
Đó là chọn mục tiêu và thời điểm tiến công phù hợp. Lực lượng ta trực tiếp đánh đồn chỉ có hơn 20 người, vũ khí thô sơ, cán bộ chưa được thử thách qua chiến đấu. Mục tiêu Phai Khắt, Nà Ngần nằm cách xa nhau, xa trung tâm chỉ huy của địch ở châu lỵ Nguyên Bình, mỗi khi có biến khó chi viện kịp thời lẫn nhau. Đội trưởng Hoàng Sâm chọn thời cơ tiến công vào lúc bất ngờ nhất. Đối với đồn Phai Khắt là 17 giờ, quân địch mới ăn cơm tối xong. Đánh đồn Nà Ngần, chúng ta chọn lúc 7 giờ khi quân địch vừa ngủ dậy. Thời điểm chúng ta tấn công, chỉ huy đồn người Pháp không có mặt nên cơ bản triệt tiêu hoàn toàn ý chí và sức đề kháng của địch.
Tờ báo “Việt Nam độc lập”, cơ quan tuyên truyền Việt Minh Cao-Bắc-Lạng số đặc biệt chào mừng năm mới 1945 (hiện đang lưu giữ tại Nhà trưng bày khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo) đề cập đến các sự kiện đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần như sau: “Ngày 11/11 ta là ngày 25/12 tây, một bộ đội lạ, ở đâu đến không rõ, kéo đến đồn Phai Khắt, tổng Kim-Mã, châu Nguyên Bình. Sau đó, người cai Tây và tất cả 17 người lính dõng mang toàn bộ khí giới trong đồn và tuyên bố với dân làng là cùng cách mạng đi đánh Nhật, rồi cùng bộ đội lạ kéo đi đâu mất”.
Đối với trận Nà Ngần, tờ báo tường thuật: “Sáng ngày 12/11 ta là ngày 26 tây, lúc 7 giờ 14 phút, đội tuyên truyền của Việt Nam giải phóng quân kéo đến đồn Nà Ngần… Họ kéo cờ đỏ sao năm cạnh lên, xưng rõ là quân cách mạng, đến lấy súng đạn của Tây phát-xít, tuyên bố quân cách mạng Việt Nam không bắn binh lính Việt Nam, kêu gọi anh em binh lính Việt Nam giơ tay lên đầu hàng… Đội tuyên truyền giải phóng quân thu thập toàn bộ súng đạn trong đồn rồi tập hợp anh em binh lính tất cả 15 người khố xanh (trừ 2 người chạy thoát). Khai hội nghị liên hoan giữa binh lính và cách mạng đồng thời đội phái người phát truyền đơn và dán biểu ngữ khắp đồn…”
Ông Tô Vũ Công kể: Sau này, ba tôi trên cương vị Bí thư Huyện ủy các huyện Hà Lam, Trà Lĩnh (Cao Bằng) thường hay nhắc về cái hay, cái đặc sắc của đội trưởng Hoàng Sâm về hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần. Đó là sự kết hợp giữa dân vận và binh vận với công tác tuyên truyền, nhờ đó mà thanh thế đội quân cách mạng lan tỏa nhanh, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của một đội quân từ nhân dân mà ra, đấu tranh vì chính nghĩa, độc lập. Cho nên rất nhiều binh lính địch quay súng theo về với cách mạng, thực dân Pháp cũng không dám mạnh tay đàn áp, khủng bố trắng nhân dân. |
Ngô Thanh Long
>>> Bài 4: Khúc tráng ca Tây Tiến
https://baoquangbinh.vn/phong-su/202411/canh-chim-phuong-hoang-bai-3-ra-quan-la-danh-thang-2222495/