22.6 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDanh NhânCánh chim phượng hoàng-Bài 4: Khúc tráng ca Tây Tiến

Cánh chim phượng hoàng-Bài 4: Khúc tráng ca Tây Tiến

(QBĐT) – Từ Cao Bằng, chúng tôi xuôi về “Thủ đô gió ngàn” ATK Định Hóa (Thái Nguyên) đến với Di tích lịch sử đồi Phong tướng ở xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, sau đó sang Tuyên Quang bám đường số 6 ngược lên Mộc Châu (Sơn La) theo dấu chân tướng Hoàng Sâm và những người lính một thời viết nên khúc tráng ca Tây Tiến.

    >>> Bài 1: Đất khoa bảng… nuôi chí anh hùng

    >>> Bài 2: Sự lựa chọn lịch sử

    >>> Bài 3: Ra quân là đánh thắng

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Di tích lịch sử đồi Phong tướng tạc ghi: Ngày 28/5/1948, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp cử hành lễ phong quân hàm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cũng tại đây, Người công bố sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình, phong quân hàm Thiếu tướng cho các đồng chí: Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái. Như vậy, ba năm sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Quân đội ta đã có 1 Đại tướng, 1 Trung tướng và 9 Thiếu tướng. Vinh dự và tự hào khi Quảng Bình góp mặt hai vị tướng tài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Hoàng Sâm.

Trở lại với hành trình Tây Tiến, chúng tôi đến Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, nơi ghi dấu đoàn binh Tây Tiến tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Từ Nhà truyền thống lưu giữ những kỷ vật quý đoàn quân Tây Tiến. Vì Thị Thảo, nữ hướng dẫn viên dân tộc Thái đưa chúng tôi theo những bậc đá ngược lên khu tưởng niệm.


Nhà Truyền Thống Trung Đoàn 52 Tây Tiến Tại Thị Trấn Mộc Châu (Sơn La).
Nhà truyền thống Trung đoàn 52 Tây Tiến tại thị trấn Mộc Châu (Sơn La).

Vì Thị Thảo giới thiệu đầy tự hào: Những bậc đá thiết kế có đoạn thẳng vút, có đoạn uốn lượn, chênh vênh tái hiện cảnh đoàn quân Tây Tiến năm xưa đi chiến trường “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Đài tưởng niệm nằm ở vị trí cao nhất tựa vào đỉnh Pha Luông có hình lưỡi lê vút lên trời xanh, biểu tượng cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Trung đoàn Tây Tiến. Nhà bia theo kiến trúc “Khải Hoàn môn” ghi những chiến công oai hùng cũng như ước mơ về ngày chiến thắng của những người lính Tây Tiến cùng bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi bộ đội Tây Tiến nhân ngày thành lập, tháng 2/1947.

Trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Hôm nay các đồng chí lên đường lãnh nhiệm vụ tiến về hướng Tây… Tôi viết thư này cho tất cả các đồng chí, người hiện đã ở tiền tuyến miền Tây cũng như người vừa nhận được lệnh lên đường, mong vạch rõ được nhiệm vụ nặng nề, thiêng liêng mà nước nhà đã giao phó; tôi muốn kêu gọi các đồng chí chuẩn bị tinh thần cho đầy đủ để ứng phó với tất cả những khó khăn, hiểm nghèo đang đợi chờ các đồng chí ở nơi chiến địa”…

Theo lời hiệu triệu của Đảng, Bác Hồ, Quân đội… lớp lớp các chàng trai, cô gái miền xuôi cũng như đồng bào các dân tộc Tây Bắc xung phong tiến lên miền Việt Tây, “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

 

Những dấu ấn kiêu hùng!

Trang sử Tây Tiến bi hùng tái hiện rõ nét nhất qua bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng-một người lính Tây Tiến. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trung đoàn Tây Tiến (27/2/1947-27/2/2007), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: “Trải qua những năm tháng chiến đấu oanh liệt, Trung đoàn Tây Tiến đã rèn luyện, đào tạo được một đội ngũ sĩ quan, nhiều cán bộ cao cấp, trung cấp… trở thành những tướng lĩnh quân đội ưu tú như: Lê Hiến Mai, Lê Trọng Tấn, Hoàng Sâm, Trần Độ, Phùng Thế Tài, Anh Đệ, Văn Phác, Lê Linh…”.

Sau khi thành lập Trung đoàn Tây Tiến, mặt trận Tây Tiến với khu vực biên viễn thuộc các tỉnh Bắc Trung bộ, Tây Bắc sang Sầm Nưa (Lào) đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chiến khu II do đồng chí Hoàng Sâm làm Khu trưởng, đồng chí Lê Hiến Mai là Chính ủy.

Những ngày ở Mộc Châu, địa bàn hoạt động của Trung đoàn Tây Tiến năm xưa, chúng tôi lại nhớ đến lời nhận xét của Đại  tá Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự về tướng Hoàng Sâm: “Trong sự phát triển của cách mạng Việt Nam, nơi nào khó khăn nhất, thời điểm nào quan trọng nhất là lúc đó, ở đó có Hoàng Sâm. Mặt trận Tây Tiến là một minh chứng”.

Với mặt trận Tây Tiến, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Sâm. Đại tá Trần Quang Thường (tên thật Trần Đình Phác, quê quán xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn Tây Tiến khi còn sống, viết trong hồi ký: Hạ tuần tháng 9/1945, khi là chính trị viên đại đội Bắc Sơn trên đường Nam Tiến vào đến Quán Cháo (Ninh Bình) thì nhận thư anh Văn gọi quay lại Hà Nội. Lúc vào Bắc Bộ phủ đã thấy anh Hoàng Sâm ở đó. Tấm bản đồ “Hành chính Đông Dương” trải sẵn trên bàn làm việc, anh Văn nhìn vào tấm bản đồ, bảo: “Quân Pháp ở Vân Nam trở lại đánh chiếm Lai Châu, chúng ta phải lên Sơn La xây dựng và ngăn chặn âm mưu lấn chiếm của địch”. Anh Văn nói vui cùng Trần Quang Thường “Không đi Nam tiến được, về với Hoàng Sâm cũng là đi đánh Tây thôi mà!”.


Toàn Cảnh Khu Tưởng Niệm Tây Tiến.
Toàn cảnh khu tưởng niệm Tây Tiến.

Tại mặt trận Tây Tiến, sự hào hoa, đa tài, bản lĩnh quân sự thiên bẩm của Khu trưởng Hoàng Sâm một lần nữa hòa trong những chiến công kiêu hùng, bi tráng của những người lính Tây Tiến. Cũng theo hồi ký đại tá Trần Quang Thường: Khi cùng Khu trưởng Hoàng Sâm đến Hòa Bình, nghe danh Hoàng Sâm, Liên trưởng Tàu đang đóng quân ở đó thách đấu Hoàng Sâm uống rượu, giải thưởng là 300 khẩu súng. Bữa tiệc rượu gần trọn đêm, phần thắng thuộc về Hoàng Sâm. Thực hiện đúng lời hứa, Liên trưởng Tàu giao cho phía ta đúng 300 khẩu súng. Tại Hòa Bình, đồng chí Hoàng Sâm quyết định cử đồng chí Luận (Võ Văn Dánh, quê quán xã Đức Hóa, Tuyên Hóa, đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân) ở lại giúp tỉnh xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang.

Những người lính Tây Tiến năm xưa luôn nhớ đến câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về tình bạn, tình đồng chí keo sơn của Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề-một “lãng tử chọc trời khuấy nước” có tài bắn súng hai tay “bách phát, bách trúng”. Biết Hoàng Sâm là một tay thiện xạ, Tạ Đình Đề tìm gặp xin Khu trưởng “so kèo”. Kết quả, Tạ Đình Đề thua, “tâm phục, khẩu phục”.

Tháng 3/1947, quân Pháp nhảy dù xuống Mộc Châu đánh úp Bộ Chỉ huy mặt trận Tây Tiến, Tư lệnh Hoàng Sâm bố trí quân mai phục tại dốc Văn, dốc Đẹt chờ địch. Với tài thiện xạ của Tư lệnh Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề, từ trên hẻm núi cao, bất kỳ tên địch nào lọt vào dốc Đẹt đều bị tiêu diệt. Suốt một ngày đánh địch… rồi chờ… chờ mãi chẳng thấy giặc lên. Tạ Đình Đề sốt ruột xuống chân dốc Đẹt tìm hiểu mới hay địch hoảng sợ tháo chạy mất.


“Tây Tiến người đi không hẹn ước/Đường lên thăm thẳm một chia phôi/Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”… Nhiều người lính Tây Tiến mãi mãi nằm lại với Tây Bắc để đất nước có ngày khải hoàn chiến thắng, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thư gửi cho Trung đoàn Tây Tiến năm xưa: “Công đức của các đồng chí, đồng bào và Tổ quốc sẽ ghi nhớ. Dưới sự điều khiển của Bộ Chỉ huy Tây Tiến, các đồng chí mạnh tiến lên trên con đường vinh quang thắng lợi. Nếu trong cuộc kháng Nhật chúng ta thành công với khu giải phóng Việt Bắc thì trong cuộc kháng Pháp chúng ta phải thành công với công cuộc Tây Tiến”.

Ngô Thanh Long

>>> Bài cuối: Nghĩa nặng… tình sâu!

https://baoquangbinh.vn/phong-su/202411/canh-chim-phuong-hoang-bai-4-khuc-trang-ca-tay-tien-2222519/