(QBĐT) – Năm 2024, cùng với TP. Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên-Huế, lần đầu tiên Quảng Bình vinh dự là một trong ba tỉnh, thành phố tại Việt Nam xuất sắc lọt vào vòng chung kết và có cơ hội tham gia vào chiến dịch “Tôi yêu thành phố” (We Love Cities) toàn cầu.
Đây là chiến dịch truyền thông gắn kết cộng đồng nhằm kêu gọi người dân trên toàn thế giới bình chọn và đề xuất các sáng kiến xanh-sạch-đẹp cho tỉnh, thành phố nơi mình sinh sống. Chiến dịch nằm trong khuôn khổ chương trình Thành phố Xanh (OPCC) do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) khởi xướng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững; thúc đẩy vai trò của người dân trong ứng phó với BĐKH nhằm kiến tạo một tương lai xanh, bền vững.
“Tôi yêu thành phố” năm nay nhận được sự tham gia, hưởng ứng của hơn 77 thành phố, đến từ 28 quốc gia; trong đó có 3 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết và có cơ hội tham gia vào chiến dịch, gồm: TP. Cần Thơ, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình.
Phó trưởng Phòng Khoáng sản, Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên-Môi trường) Nguyễn Thị Bích Lành cho biết: Dựa trên kết quả nỗ lực ứng phó với BĐKH của các tỉnh, thành phố, Ban Tổ chức quốc tế sẽ đánh giá và lựa chọn những tỉnh, thành phố có cam kết và hành động mạnh mẽ, quyết liệt vào vòng chung kết của chương trình. Những ứng cử viên vòng chung kết sẽ có cơ hội tham gia vào chiến dịch “Tôi yêu thành phố” và tỉnh, thành phố nhận được nhiều bình chọn nhất trong chiến dịch sẽ đạt danh hiệu “Thành phố dễ mến nhất”.
Trong bối cảnh chiến lược ứng phó với BĐKH được triển khai quyết liệt, Quảng Bình không chỉ hưởng ứng mạnh mẽ mà còn tận dụng các cơ hội mới từ quá trình chuyển đổi xanh. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu tổng lượng phát thải khí nhà kính giảm 30% so với kịch bản thông thường (BAU), và đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng không.
Trên cơ sở kết nối sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thời gian qua, Quảng Bình đã tích cực thí điểm các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái, nhất là tại khu vực đô thị nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế-xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học. Riêng tại TP. Đồng Hới, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, thành phố được đánh giá là khu vực rất dễ bị tổn thương trước BĐKH do các yếu tố về đặc điểm địa hình, vị trí địa lý và áp lực từ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng…
Với sự hỗ trợ của dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA)”, các mô hình thích ứng với BĐKH: Thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại công viên sông Cầu Rào; mảng xanh tòa nhà Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố và mô hình thí điểm thoát nước đô thị bền vững tại hoa viên ngã ba đường Hữu Nghị-Lý Thường Kiệt… đã được triển khai.
Trong chiến dịch “Tôi yêu thành phố” lần này, với sự đồng hành của WWF, Sở Tài nguyên-Môi trường đã có văn bản gửi các địa phương, đơn vị; đồng thời thiết kế các bài đăng tải trên fanpage QuangBinh tourism nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Bằng cách bình chọn trực tiếp hoặc gửi ý kiến phản hồi; thích, bình luận và chia sẻ các bài đăng của chiến dịch, “Tôi yêu thành phố” nhằm chia sẻ những thành công của Quảng Bình trong chương trình Thành phố Xanh và ứng phó BĐKH.
Qua đó, truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ứng phó BĐKH, phát triển bền vững; tăng cường kết nối trong ứng phó với BĐKH; khuyến khích sự tham gia của người dân trong ứng phó với BĐKH, kiến tạo tương lai xanh, bền vững.
Với các chủ đề về: Quảng Bình trước tác động của BĐKH; Tôi yêu Quảng Bình vì nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính; Tôi yêu Quảng Bình vì nỗ lực thích ứng với BĐKH; Quảng Bình trong tôi là…, các nội dung đăng tải đã cung cấp đầy đủ, ngắn gọn thông tin về bối cảnh BĐKH trên địa bàn tỉnh, giới thiệu các giải pháp đã và đang được thực hiện để ứng phó hiệu quả với BĐKH, như: Du lịch xanh, thích ứng với BĐKH, giải pháp mảng tường xanh và vườn trên mái, khu cảnh quan trữ nước, hệ thống thoát nước đô thị bền vững,…; đồng thời làm nổi bật nhiều danh lam, thắng cảnh, món ăn và hoạt động trải nghiệm độc đáo trong bài đăng tương tác với người đọc, từ đó khơi gợi tình yêu, sự gắn bó của người dân với Quảng Bình.
Anh Lê Nhật Hoàng, ở phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) chia sẻ: Với hình thức thiết kế ấn tượng bằng infographic, chúng tôi hiểu hơn về chiến dịch “Tôi yêu thành phố”, hiểu hơn về những nỗ lực của tỉnh trong ứng phó BĐKH. Tôi đã ấn link bình chọn vì thành phố nơi tôi đang sống.
“Tôi yêu Quảng Bình vì những cánh rừng xanh, dòng sông Son hiền hòa chảy qua những ngọn núi đá vôi kỳ vĩ và cả bãi biển Nhật Lệ cát trắng, nắng vàng. Tôi yêu Quảng Bình còn bởi vì nụ cười hiền hậu, thân thiện của người dân nơi đây; là tiếng mời gọi của những phiên chợ hải sản huyên náo, mang đậm vị tanh, vị mặn của biển cả mà tôi đã từng được trải nghiệm…”, chị Nguyễn Trà My, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.
Phát động trong tháng 10/2024, “Tôi yêu thành phố” đã được người dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, bày tỏ tình yêu với Quảng Bình. Hơn 17.889 lượt tiếp cận, 20.346 lượt hiển thị, 1.500 lượt yêu thích, bình luận, chia sẻ bài viết và ấn vào link bình chọn chính là cách để người dân lan tỏa tình yêu Quảng Bình.
Nhận thức được vai trò của các thành phố-vừa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn, nhưng cũng đồng thời là trung tâm ươm mầm các giải pháp đổi mới, sáng tạo, từ năm 2011, WWF đã khởi xướng chương trình Thành phố Xanh nhằm công nhận và truyền cảm hứng cho các thành phố trên khắp thế giới cam kết thực hiện các hành động vì khí hậu đột phá để giảm dấu chân carbon, tạo ra môi trường đô thị an toàn, bền vững, có khả năng thích ứng với BĐKH. Hiện, Thành phố Xanh đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của hơn 900 tỉnh, thành phố ở 70 quốc gia. |
Thanh Hải
https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202411/toi-yeu-thanh-pho-2222564/