(QBĐT) – Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tướng Hoàng Sâm, ông nhận được rất nhiều tình cảm quý trọng, bao bọc, chở che của đồng chí, đồng đội và nhân dân. Ngoài tình cảm rất đặc biệt Bác Hồ dành cho tướng Hoàng Sâm thì giữa tướng Hoàng Sâm với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và vị “tướng” tình báo Mười Hương cũng có những ân tình khó diễn tả hết bằng lời.
Hai vị tướng đồng hương
Thủ đô Hà Nội những ngày cuối tháng mười một. Trong ngôi nhà ở phố Vương Thừa Vũ, bà Hoàng Mộng Liên, con gái thứ hai của tướng Hoàng Sâm dành trọn thời gian cả buổi chiều trò chuyện cùng chúng tôi, những người con từ quê hương Quảng Bình ra thăm.
Mở đầu câu chuyện, bà Liên nhớ lại: Nhờ sự quan tâm của Bác Hồ, bố mẹ tôi nên duyên vợ chồng khi bố bước qua tuổi 33. Mẹ tên Phan Thị Mỹ Lệ, nữ sinh trường Đồng Khánh (Hà Nội), sau này là giáo viên cấp hai dạy bộ môn Văn-Sử. Bố mẹ có 5 người con: Hoàng Thị Lan (SN 1948, đã mất), Hoàng Mộng Liên (SN 1950) là tôi, Hoàng Sùng (SN 1952), Hoàng Thu Thủy (SN 1955) và Hoàng Hải (SN 1961, đã mất).
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lịch sử ghi nhận, năm 1940, khi Trần Văn Kỳ sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) theo học lớp quân sự do Quốc dân Đảng tổ chức đã gặp lại Thầu Chín-Nguyễn Ái Quốc. Dịp này, Trần Văn Kỳ hội ngộ với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng. Bằng nhãn quan của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận ra ở người đồng hương hội tụ một tài năng thiên bẩm về quân sự lẫn chính trị.
Năm 1947, trong cuốn sách “Đội quân giải phóng”, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trân trọng viết về tướng Hoàng Sâm: Đây là Hoàng Sâm, đội trưởng, từ lúc bé đã thoát ly gia đình đi làm cách mạng, bôn tẩu từ trong nước sang Xiêm La (Thái Lan) và Trung Quốc. Trở về hoạt động ở miền biên giới… Từng lặn lội trong dân chúng Kinh, Thổ, Mán, Nùng… Từng vũ trang chiến đấu nhiều với quân tuần tiễu của Pháp và làm cho bọn thổ phỉ nghe tiếng là phải khiếp sợ.
Nhớ về tướng Hoàng Sâm, bà Hoàng Mộng Liên bồi hồi: Ba là một vị tướng trận mạc. Những giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng và nơi nào phong trào cách mạng cần là Đảng, Bác Hồ, quân đội đều tin tưởng giao trách nhiệm cho ba. Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chiến trường miền Nam trong đó có mặt trận Trị-Thiên gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi phải có một người đủ khả năng, bản lĩnh vào trực tiếp lãnh đạo phong trào.
Một lần nữa, ba được Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp lựa chọn giao nhiệm vụ vào Nam chiến đấu, chính Bác đích danh gửi thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, căn dặn anh Văn nhắn tướng Hoàng Sâm vào gặp Bác trước ngày lên đường: “Kính gửi chú Hai! 7 giờ sáng mai (thứ tư) hoặc ngày kia (thứ năm), Bác muốn gặp đồng chí Hoàng Sâm. Khi gặp, Bác nên dặn dò những điều gì? Thân ái. 2/7/1968. Bác”.
“Bác Giáp tình cảm lắm, bố mất năm 1968, đến năm 1991, mẹ qua đời. Thời gian tính từ lúc bố hy sinh đến lúc mẹ mất là 23 năm, thế mà hay tin vợ đồng đội mất, bác Giáp vẫn đến tận nhà chia buồn. Tình cảm giữa bác Giáp với ba và gia đình tôi khó có được, xuất phát từ tình đồng chí, đồng hương, gắn bó cùng nhau trên con đường hoạt động cách mạng… Gia đình chúng tôi nhớ ơn bác Giáp lắm!”, bà Hoàng Mộng Liên chia sẻ.
Hai vị tướng thông gia
Tại phòng khách nhà bà Hoàng Mộng Liên, ở vị trí trang trọng nhất có treo một bức tranh khá lớn vẽ chân dung tướng Hoàng Sâm và ông Mười Hương đứng cạnh nhau. Trong câu chuyện, chúng tôi đề cập đến xuất xứ của bức tranh, bà Hoàng Mộng Liên xúc động cho biết: “Ông Mười Hương là bố chồng cô”.
Ông Trần Quốc Hương tên thật Trần Ngọc Ban (SN 1924), quê quán xã Vụ Bản, huyện Bình Lục (Hà Nam), tham gia cách mạng năm 1937. Năm 1943, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhắc đến Mười Hương là nhắc đến một vị “tướng” tình báo chiến lược nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người thầy của những huyền thoại tình báo: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn…
Sau năm 1975, ông Trần Quốc Hương lần lượt giữ các chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VI, Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. Ông Mười Hương qua đời năm 2020.
Bà Hoàng Mộng Liên kể: “Không biết duyên nợ thế nào, tôi về làm dâu gia đình bố Mười Hương, chồng tôi là đại tá, tiến sĩ Trần Quang Trung, con trai trưởng của bố Mười Hương, cũng là một sĩ quan cao cấp Quân đội nhân dân Việt Nam. Bây giờ anh Trần Quang Trung không còn nữa mà đã về với hai người bố thân yêu của mình rồi”.
Chuyện gia đình mình, bà Hoàng Mộng Liên rất kiệm lời. Nhưng với hai người bố, bà rất đỗi tự hào khi kể về họ. Ở hai con người đầy tài năng thiên bẩm này có một điểm chung, luôn lấy nhân nghĩa, trí đức để đối nhân xử thế và chiến thắng kẻ thù và luôn luôn tràn đầy tình thương yêu như sinh thời ông Mười Hương quan niệm “Tình báo Việt Nam lấy văn hóa bản địa để cảm hóa và chiến thắng quân thù”. “Cái nhân đức, lễ nghĩa, tình yêu thương từ hai người bố được gia đình chúng tôi tiếp nối, gìn giữ và phát huy để mãi mãi thế hệ con cháu luôn luôn tự hào noi theo”, bà Hoàng Mộng Liên tâm niệm.
Một đồng nghiệp của chúng tôi công tác tại Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Quảng Bình kể: Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống, mỗi lần tiếp xúc với Đại tướng, người luôn nhắc đến tướng Hoàng Sâm với một tình cảm rất đặc biệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình nên làm một bộ phim về tướng Hoàng Sâm, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, người Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. |
Thanh Long
https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202411/ba-vi-tuong-nhung-an-tinh-2222644/