18.8 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeQuảng BìnhVề Cao Bằng... nhớ tướng Hoàng Sâm!

Về Cao Bằng… nhớ tướng Hoàng Sâm!

(QBĐT) – Cao Bằng, vùng đất “phên dậu” phía Đông Bắc Tổ quốc, nơi đầu tiên đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cũng là vùng đất hội tụ những học trò xuất sắc của Bác Hồ từ những ngày đầu phong trào cách mạng còn non trẻ. Một trong những tên tuổi gắn bó với Cao Bằng, với sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) là đồng chí Hoàng Sâm.

Dấu ấn của tướng Hoàng Sâm ở Cao Bằng

Tháng 11/1940, trước lúc chọn Cao Bằng để trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nhận định: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.

Như chúng ta đã biết, đồng chí Trần Văn Kỳ (Trần Sơn Hùng, Hoàng Sâm) khi sinh sống với gia đình tại Thái Lan được Bác Hồ (bí danh Thầu Chín) chọn làm liên lạc trong khoảng thời gian 1928-1929, khi Người về hoạt động tại đây. Năm 1940, khi Trần Văn Kỳ cùng một số “hạt giống đỏ” Cao Bằng sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) theo học lớp quân sự do Quốc dân Đảng tổ chức, gặp lại Thầu Chín, mới biết đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Bác đặt tên Hoàng Sâm.


Một Góc Trưng Bày Tư Liệu Tái Hiện Lại Quá Trình Thành Lập Đội Vnttgpq.
Một góc trưng bày tư liệu tái hiện quá trình thành lập Đội VNTTGPQ.

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng (Cao Bằng) sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Hành trình trở về Tổ quốc của Bác do các đồng chí Hoàng Sâm, Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Ông Dương Mạc Thăng, con trai chính trị viên Đội VNTTGPQ Xích Thắng (Dương Mạc Thạch), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: Sinh thời, ba tôi hay kể về tướng Hoàng Sâm. Được Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, đồng chí Hoàng Sâm luôn hoàn thành xuất sắc, giúp cách mạng Cao Bằng phát triển lên giai đoạn mới, thể hiện qua các dấu mốc lịch sử:

Tháng 6/1941, các đồng chí Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Đức Thanh, Thụy Hùng tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất châu Hà Quảng.

Tháng 5/1942, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất diễn ra tại Kẻ Giẳng, xã Hoàng Tung, châu Hòa An bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 9 đồng chí: Lê Tòng, Bằng Giang, Hoàng Đức Thạc, Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Dương Mạc Thạch, Lê Khương, Bình Dương và Hoàng Sâm.

Là Ủy viên Ban Châu ủy Hà Quảng và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, đồng chí Hoàng Sâm luôn chú trọng đến công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang… thúc đẩy phong trào Việt Minh không ngừng lớn mạnh.

Với lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng, tháng 11/1941, thực hiện chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, Đội du kích Pác Bó ra đời gồm 12 đội viên, đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng, Hoàng Sâm làm Đội phó, sau đó là Đội trưởng. Thực hiện phương châm “huấn luyện xong, đi công tác ngay”, Đội du kích Pác Bó dưới sự lãnh đạo mưu trí, dũng cảm của Đội trưởng Hoàng Sâm-Trần Sơn Hùng đẩy mạnh công tác dân vận, tăng cường sự đoàn kết các dân tộc Tây Bắc quanh lực lượng Việt Minh và tiểu trừ nạn thổ phỉ. Suốt một dãy biên cương, những tướng phỉ khét tiếng, như: Lý Xíu, Voòng A Sáng, Voòng A Sình… nghe danh “ông Trần” biệt tài phi ngựa không cần yên cương, bắn súng ngắn cả hai tay “bách phát bách trúng” đều mười phần kính nể, từ đó miền biên viễn dần ổn định.


Ông Dương Mạc Thăng Với Những Câu Chuyện Về Đội Vnttgpq Và Tướng Hoàng Sâm.
Ông Dương Mạc Thăng với những câu chuyện về Đội VNTTGPQ và tướng Hoàng Sâm.

Bước sang năm 1944, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến chuyển, Bác Hồ nhận định: Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy mạnh phong trào tiến lên. Hình thức thích hợp, theo Bác là thành lập “Đội quân giải phóng”-Đội VNTTGPQ.

Trong Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ, Bác nói rõ: Tên Đội VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên theo chỉ thị mới của Đoàn thể sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ, đội viên kiên quyết, hăng hái nhất…

Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba và Liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn) cân nhắc: Chỉ huy một đội quân “người trước súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự”, “lai vô ảnh, khứ vô tung”… phải là người có khả năng về quân sự lẫn chính trị, từng lăn lộn với phong trào cách mạng quần chúng, gắn bó mật thiết với quần chúng, am hiểu cách đánh du kích, giàu kinh nghiệm tổ chức chỉ huy, chiến đấu…; và người phù hợp nhất không ai khác chính là Hoàng Sâm.


“Hơn 80 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Hoàng Sâm và các cán bộ chủ chốt của Đảng cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Từ cội nguồn Pác Bó, ngọn lửa cách mạng mà đồng chí Hoàng Sâm góp phần khơi dậy, lan tỏa vẫn tiếp tục cháy mãi đến hôm nay và mai sau”, ông Bế Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Thực tiễn cách mạng chứng minh, Đảng, Bác Hồ chọn đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng Đội VNTTGPQ là một sự lựa chọn lịch sử đối với một con người lịch sử, thể hiện qua hai trận thắng đồn Phai Khắt, Nà Ngần, khởi đầu truyền thống “ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ân tình Cao Bằng với tướng Hoàng Sâm

Những ngày chúng tôi theo dấu chân tướng Hoàng Sâm trên mảnh đất Cao Bằng đã gặp rất nhiều người dân và nhân chứng lịch sử từng song hành với phong trào cách mạng của vùng đất “phên dậu” này. Người dân Cao Bằng luôn dành một tình cảm rất đặc biệt cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Hoàng Sâm, người Đội trưởng đầu tiên của Đội VNTTGPQ.

Ông Bế Thanh Tịnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ: Suốt 5 năm (1941-1945) hoạt động cách mạng tại Cao Bằng, đồng chí Hoàng Sâm thể hiện rõ phẩm chất, năng lực chính trị, quân sự của một vị tướng tài ba. Đồng chí hầu như có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm nhất vùng núi rừng Cao-Bắc-Lạng, góp phần xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Đồng chí có vai trò, ảnh hưởng và uy tín rất lớn trong nhân dân, đặc biệt là nhân dân các dân tộc thiểu số Cao Bằng.

Trong ký ức nhiều thế hệ người dân Cao Bằng vẫn không thể nào quên những câu chuyện đời thực cũng như huyền thoại về đồng chí Hoàng Sâm-Trần Sơn Hùng, vị tướng quân hết lòng yêu thương đồng đội, gắn bó mật thiết với nhân dân còn kẻ thù thì khiếp sợ. Đảng bộ, nhân dân Cao Bằng mãi mãi ghi nhớ, trân trọng, biết ơn công lao đồng chí Hoàng Sâm cũng như những người con ưu tú của dân tộc đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.

Hồ An

https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202411/ve-cao-bang-nho-tuong-hoang-sam-2222648/