(QBĐT) – Để giúp những người nghèo, người yếu thế có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình đã tích cực giải ngân các gói vay ưu đãi đến người dân. Nguồn vốn đã trở thành “điểm tựa” để người nghèo, người yếu thế đầu tư sản xuất, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2020, gia đình anh Trần Văn Là là một trong những hộ nghèo của xã Quảng Thạch (Quảng Trạch). Mặc dù có đất sản xuất, tuy nhiên không có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất nên kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Anh Là cho biết: “Quảng Thạch là vùng gò đồi nên để phát triển kinh tế chỉ biết dựa vào trang trại hoặc vườn để trồng trọt. Thu nhập của gia đình lúc đó cũng chỉ phụ thuộc vào mấy gốc tiêu trong vườn và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng tiêu thì năm được mùa, được giá, có năm lại được mùa mất giá nên thu nhập cũng khá bấp bênh. Nhà có 5ha đất trang trại nhưng hiệu quả kinh tế không cao do không có vốn để đầu tư phát triển”.
Không chấp nhận cuộc sống khó khăn, nghèo khổ, anh Là luôn trăn trở để tìm hướng phát triển kinh tế mong cuộc sống gia đình sẽ khấm khá hơn. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tiếp cận gói vay thoát nghèo của NHCSXH, anh đã mạnh dạn vay 90 triệu đồng. Có vốn, vợ chồng anh đã bàn nhau đầu tư mua cây giống keo tràm để phủ xanh 5ha đất trang trại của gia đình. Tuy nhiên để thu lại nguồn lợi từ rừng keo tràm thì phải đợi thời gian dài, để lấy ngắn nuôi dài cần phải chăn nuôi thêm mới có nguồn thu nhập. Với suy nghĩ đó, anh mạnh dạn vay thêm từ NHCSXH 100 triệu đồng, gói vay giải quyết việc làm. Tận dụng diện tích đất vườn và 5ha trang trại, vợ chồng anh đầu tư để chăn nuôi tổng hợp.
“Tôi bắt tay vào xây dựng chuồng trại để mua 3 con bò sinh sản và gà giống. Đến nay, sau thời gian chăm sóc, đàn bò của gia đình đã sinh sản và bán được nhiều lứa. Mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp gia đình có thêm thu nhập và chủ động nguồn phân bón cho cây trồng”, anh Là chia sẻ.
Có nguồn thu nhập từ mô hình, anh Là không chỉ trả được lãi hàng tháng mà còn đầu tư mua một chiếc xe ô tô để làm thêm nghề dịch vụ. Từ hộ nghèo của xã, nhờ các chương trình vay của NHCSXH, anh Là đã dần vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương, với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ anh Trần Văn Là, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh cũng được tiếp cận các chương trình vay của NHCSXH để vay vốn đầu tư sản xuất và vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên chính quê hương.
Tổng doanh số cho vay toàn tỉnh đến nay đạt 1.431 tỷ đồng, với 27.582 lượt khách hàng vay vốn, bình quân cho vay 49,4 triệu đồng/khách hàng. Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. |
Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Để đáp ứng nhu cầu vốn vay đầu tư phát triển kinh tế của các đối tượng, khách hàng vay, NHCSXH đang triển khai các chương trình vay ưu đãi, như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn… Người nghèo và các đối tượng chính sách khác khi vay vốn được hưởng ưu đãi về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay chủ yếu trung hạn, không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khi vay vốn. Với lãi suất vay ưu đãi, thủ tục vay nhanh chóng phù hợp với những khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm…
Thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, nguồn vốn tín dụng đã đến được với những trường hợp chính sách có nhu cầu vay vốn thực sự. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH là một “phao cứu sinh” giúp những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương có cơ hội vươn lên và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất.
Đ.N
https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/diem-tua-de-thoat-ngheo-2222705/