(QBĐT) – Khi mở tập thơ “Mật thi” cú hích đầu tiên khiến tôi quan tâm là các bài thơ chỉ đánh số, từ số 0 đến số 101.
Đây là bài thơ số 7, con số lẻ-số dương-“Mang hộ chiếu bình dân/tôi qua cửa cộng đồng ra thế giới/lòng ngân ca dao mẹ/Đất nước bao người như tôi/công nhân hầm lò mặt còn nhem nhuốc/nông dân chân lấm tay bùn/người quét rác/ngẩng cao đầu khi đi qua cửa khẩu…”. Cái nhìn của thi nhân sâu sắc đến thế, hộ chiếu bình dân-diễn đạt thật thà đến mức không thấy thơ đâu mà chỉ nhận ra tiếng rung đến tận tâm hồn-tôi cũng từng đơn độc đi qua cửa khẩu để tham gia một cuộc hội thảo khoa học-lúc đó tôi ngơ ngác, rụt rè đi qua cửa an ninh, giờ mới thấm thía hết cái hay của câu thơ: “Mang hộ chiếu bình dân”… mà “lòng vẫn ngân ca dao mẹ”-bản sắc dân tộc hằn trong ánh mắt, trong bước chân để đi ra thế giới mà “lòng ngân khúc hát”. “Cha mẹ tôi chưa bao giờ được cấp visa/họ mang hộ chiếu truyền thống tổ tiên truyền lại/ngón Giao Chỉ hướng về Nam”. Đọc đến những câu thơ cuối, lòng tôi rung lên, thơ thật là thơ, khi chỉ với 3 dòng thơ mà ký thác vào căn cước dân tộc một nét vạch khó phai.
Tôi thích những bài thơ 18, 19, 22, 27, 29, 31, 33… có lẽ vì nơi đó tôi được đắm mình trong cảm xúc thân thương nơi ruộng đồng bờ bãi-nơi tuổi thơ tôi gắn bó ở vùng đất gia đình tôi tập kết-Quảng Bình–“đồng bệnh tương liên”. “Ngọn gió Lào lĩnh xướng suốt mùa hè/ù ù táp lửa bùi nhùi đọt chuối/Táp lửa vào mặt cha/táp lửa vào lưng mẹ/héo ruột những dòng sông/con nghé khát nước đăm đăm dấu chân khô/bập miệng vào cây xương rồng/gai găm vết bỏng/Cát cháy võng mạc người/cát chín da chân/giọt mồ hôi sôi trên da/rơi xuống đất là muối/Câu ru mùa hè vắt ngang ngọn gió/rễ cây nhúc nhích nghe/bờ tre gõ phách/nơi đó tôi sinh ra/Quảng Bình…” (18). Thơ viết đến thế này thì cần gì đến vần điệu, nốt lặng tâm hồn neo giấu trong cái nhìn tâm trạng về thời gian và không gian.
Thi ảnh thơ như đúc, như chạm, như khắc vào tâm hồn cảm nhận về quê hương-nơi tôi sinh ra. “Mẹ ngược gió ế hàng phiên chợ/đòn gánh cong oằn miền Trung/con khóc ra ngọn gió/sữa mẹ chiều hôm còn bỏng” (76). Thơ như nứt ra từ nước mắt, từ ngọt đắng quê hương, lối viết giản dị, bình thường mà thi ảnh quặn xót trong ta, ngược gió Lào mà cong oằn đòn gánh, bầu sữa mẹ bỏng nắng bỏng gió-khắc nghiệt vùng đất gió Lào cát bỏng.
Kết cấu đối lập trong từng khổ thơ ở bài 77, gợi nhiều liên tưởng, suy tưởng: “Tháng bảy/chén nước lã thơm mùi rượu/mùa vu lan rộn ràng…/Hàng xóm đưa bố mẹ lên nhà dưỡng lão/ồn ào cãi cọ”. Thơ là vậy, cô đọng, lời ít ý nhiều, không lời diễn giải, phân trần, chỉ vài dòng thơ, hiện thực hiển hiện…
“Mặc áo vàng: Lúa chín/trắng ngần ngọc trời/cơm thơm đắm hồn xứ sở/Cha cày mùa rét ruộng sâu/mẹ mặc áo tơi cấy lúa/mẹ ru nuôi cây lúa lớn/mẹ ru Người khi đi xa/Tạ ơn bùn đất quê nhà/tạ ơn bàn tay thô ráp/tạ ơn lưng còng bậc ruộng/tạ ơn câu hát tháng mười/Cây hương uốn cong như lúa chín/hồn quê theo con mỗi ngày” (27). Có thể gọi anh là nhà thơ của ruộng đồng, của người nông dân “một nắng hai sương”, khi anh có cái nhìn thấu cảm về sự vất vả của người nông dân. Thơ như độc thoại, đối thoại với bố mẹ-người nông dân cần cù với mùa màng từ mùa rát đến mùa khô. Đó là hồn quê, hồn cốt dân tộc. “Mình không nợ chủ quán/nợ miền đất yêu thương…/Nếu chết không quay đầu về núi/ta là người không tim” (26). Quê hương đau đáu trong tâm thức nhà thơ, nên mỗi câu thơ viết ra như nhắc nhở, như dặn dò “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”.
Thơ không thể thiếu em-đối tượng trữ tình. “Ngày yêu em anh làm nhẫn cỏ/cỏ tốt tươi hạnh phúc tròn đầy/chạm ngọn cỏ thanh tân run rẩy/cứ như cỏ đã chạm vào tim” (65). Soi chiếu cái nhìn thực dụng, với cái nhìn về tình yêu đầu đời, anh đã có khổ thơ trữ tình quá hay, đọc lên mà xao xuyến. Con người thơ đã bỏ qua mọi nghĩ suy thực dụng để tìm về tình yêu đích thực “Ai yêu vàng và ngẩng mặt nhìn lên/anh chỉ yêu cỏ thôi/cỏ biết mọc thêm nhánh/cỏ biết âm thầm kết thảm lặng im/trên cỏ mềm anh viết tên em”. Nhận thức về tình yêu trong thời “kim tiền” thơ anh như vượt thoát khỏi thực tại để đến với cõi yêu vĩnh cửu.
Nhà thơ độc hành trong nỗi cô đơn. “Đã có lúc tôi trào nước mắt, xúc động và “đau” nỗi đau của nhân vật” (Nhà văn/Dịch giả Khánh Phương-Mật thi, tr.6). “Nhà văn phải đau ở đâu đó thì viết mới hay”.
Đọc cả tập “Mật thi” lòng tôi cũng nhuốm buồn cùng tác giả. Tôi cảm giác anh như kẻ lữ hành, cô độc trong hành trình với thơ, với đời. “Một chiếc lá thu rụng vào nỗi cô đơn/im như tượng/tôi ngồi/trân trân nhìn khoảng trống/Lá lìa cành nhuộm màu thiền/xoay xoay trong gió/vũ điệu linh/từ biệt/Cầm chiếc lá nhỏ/cuống rụng khô vết sẹo/liền da cây/tôi nghe lá trên cành vẫn hát/sao tôi lại buồn/lại cô đơn/sao không như lá?/Một mai mình ra đi/thơ sẽ tự nhộm màu/phát sáng!” (79).
Vượt lên nỗi đau, vượt lên nỗi cô đơn, lối lập tứ của anh quá hay khi nói đến bi kịch giữa thời gian hữu hạn của đời người với thời gian vũ trụ vô thủy vô chung. Thi ảnh: “lá thu rụng, lá lìa cành”… âm tính, nhưng “lá trên cành vẫn hát” cũng như “thơ sẽ tự nhuộm màu” lại là dương tính.
Nhiều khi sự “sám hối” trong thơ anh, thức tỉnh trong ta biết bao nhận thức: “Ta đã đứt đường về tuổi thơ/bằng điều xấu gieo mỗi ngày/bằng mưu toan lừa lọc/bằng đố kị ghen tuông phản trắc/Ta như mây độc lơ lửng bay” (34). Bươn chải hơn nửa đời người, anh tự sám hối lòng mình khi “lạc đường về tuổi thơ”. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc thơ của anh đã gợi sự đồng cảm với những độc giả khi “lạc đường về tuổi thơ”…
Lúc ngoái lại, nuối tiếc, anh tìm về với cỏ: “Lướt tay trên cỏ/những vết thương tự lành/Nhắm mắt/cỏ mở một chân trời tưởng tượng/ai tung tuổi thơ ta lên không trung/Mùi cỏ không gỡ được/dan díu chiều đan/năm ta 16// Thua em ván đấu cỏ gà/thắng giặc trở lại/không bày được lượt về/Cỏ giấu ta điều gì/mà trinh nữ khép lá/Lướt tay trên cỏ/những vết thương tự lành/Xin trăng đừng ánh lên mặt lá…” (53).
Với nhà thơ Trần Quang Đạo, thi ảnh cỏ đi vào thơ anh với sự nuối tiếc-“năm ta 16” và niềm tin vào sự vĩnh hằng, bất tận-“Lướt tay trên cỏ/những vết thương tự lành”.
TS. Hoàng Thu Thủy
https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/nha-tho-tran-quang-dao-long-ngan-ca-dao-me-2222724/