(QBĐT) – Vẫn những cánh đồng quen thuộc hàng ngày, vẫn công việc đồng áng quanh năm thường nhật, vẫn là con trâu, chiếc máy cày cơ giới, vậy mà giờ đây tất cả đã hòa chung vào ngày hội “Đường cày đảm đang”, “Cày hay, luống khéo” của những người nông dân Quảng Bình. Ngày hội cày giỏi ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua hứa hẹn sẽ là sản phẩm Du lịch đặc sắc, ấn tượng nếu có được sự quan tâm, đầu tư xứng đáng.
Những ngày tháng 10/2024, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) háo hức chào đón một ngày hội có cái tên khá lạ: “Hội thi máy cày nhanh, cày đẹp”. Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Trần Văn Tứ chia sẻ, xuất phát từ ý tưởng kết hợp du lịch và nông nghiệp, thúc đẩy cơ giới hóa; đồng thời chào mừng 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024), lần đầu tiên, Hội Nông dân thị trấn tổ chức hội thi như thế này. Với 11 chiếc máy cày của nông dân tham gia, hội thi đã mang lại một không khí hào hứng, náo nhiệt cho cả người thi và người dân đến cổ vũ. Theo đó, đội nào cày hết diện tích ruộng nhanh nhất, luống cày đẹp, cày sâu sẽ giành chiến thắng.
Ít ai ngờ, những chiếc máy cày-bạn của nhà nông vốn chỉ quen với từng đường cày miệt mài trên đồng ruộng lại có thể được tập hợp, tranh tài như những “ngựa chiến” thứ thiệt. Nông dân các đội thi cũng nỗ lực cạnh tranh tài năng điều khiển máy cày sao cho khéo léo, hiệu quả.
Sau thời gian thi tài, các đội đã cống hiến cho người xem những màn thi đấu ấn tượng, từng đường cày thẳng tắp, khéo léo cùng sự cổ vũ nhiệt tình của bà con. Hội thi còn góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong nông dân thị trấn, là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trồng trọt. Kết quả, anh Trần Văn Bằng, tổ dân phố Cù Lạc 1 đã giành giải nhất.
Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha Trần Đức Bình cho biết thêm, thị trấn kỳ vọng sẽ tổ chức hội thi thường niên, nỗ lực trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng đất di sản. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương, tăng cao tính nhận diện cho thương hiệu điểm đến. Đặc biệt, nếu tổ chức hiệu quả, mở rộng quy mô, ngày hội “độc lạ” được tổ chức trong dịp thấp điểm du lịch còn mang lại cơ hội “níu chân” du khách, nhất là khách du lịch quốc tế. Vậy là người nông dân hoàn toàn có thể làm du lịch từ chính nghề truyền thống cha ông để lại và tạo được bản sắc, dấu ấn riêng có trong bản đồ du lịch địa phương.
Ngay trong lòng TP. Đồng Hới, dư âm về hội thi “Mặt trận với những đường cày đảm đang” vào tháng 11/2023 vẫn còn náo nức, rộn ràng. Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Nghĩa Ninh Trần Thị Dung cho hay, trên địa bàn xã vẫn duy trì lễ hội xuống đồng hàng năm để cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Nhằm mục đích ôn lại truyền thống của cha ông, nhắc nhớ lại thời kỳ sản xuất còn thô sơ, vất vả trước đây và tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó của người dân, xã đã tổ chức hội thi “Mặt trận với những đường cày đảm đang” đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên hội thi được tổ chức, thu hút 9 đội thi đến từ 9 thôn của xã Nghĩa Ninh tham gia. Mỗi đội thi có 2 thành viên, đều là những nông dân dạn dày kinh nghiệm, nhiều kỹ năng cày ruộng. Đội nào cày nhanh, đường cày đủ theo yêu cầu đề ra, thẳng, đều, đẹp, về đích sớm sẽ giành chiến thắng. Những chú trâu huy động tham gia hội thi cũng chính là “bạn của nhà nông”, gắn bó với công việc đồng áng của nông dân xã Nghĩa Ninh trong suốt thời gian qua. Hội thi đã thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo bà con trong, ngoài xã bởi lần đầu tiên có một hội thi độc đáo đến thế ngay tại thành phố biển.
Hội thi cá trắm sông Son vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm tại thị trấn Phong Nha luôn thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần đưa thương hiệu cá trắm sông Son vươn xa. Đây là một gợi mở cho những hội thi của nông dân trong tương lai. |
Kết thúc hội thi, đội thi đến từ thôn Trung Nghĩa 6 đã xuất sắc giành giải nhất. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trung Nghĩa 6 Trần Thị Bích Huệ hào hứng chia sẻ: Hội thi là một kỷ niệm vui của thôn khi ai nấy cũng tham gia, hưởng ứng nhiệt tình, tích cực. Đội thi của thôn đã xuất sắc đoạt giải nhất. Qua hội thi, truyền thống sản xuất nông nghiệp cũng được tái hiện để lớp trẻ đi sau có thể hiểu rõ hơn; đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, tình làng nghĩa xóm trong cộng động dân cư. Toàn thôn hiện có 114 hộ/253 hộ làm nông, với một số mảnh ruộng nhỏ, trong vườn nhà, bà con vẫn dùng trâu kéo cày nên hội thi được tổ chức rất ý nghĩa.
Nghĩ xa hơn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ninh Đào Văn Tuấn kỳ vọng, bấy lâu nay, du lịch chưa được quan tâm phát triển trên địa bàn xã bởi rất khó khi tiềm năng không có, nhân lực hạn chế. Do đó, hội thi lần này có thể sẽ mở ra cơ hội cho xã để hình thành một sản phẩm du lịch tiềm năng trong tương lai khi du lịch nông nghiệp hoàn toàn có thể là thế mạnh của xã, tận dụng được các lợi thế vốn có để thu hút du khách.
Thực tế cho thấy, Quảng Bình luôn chờ đợi những sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng, tạo điểm nhấn cho du khách, nhất là khách quốc tế. Chính những hội thi như vậy có thể mở ra các cơ hội mới cho du lịch và tạo cơ hội cho người nông dân hoàn toàn có điều kiện vừa giới thiệu nghề truyền thống bản địa, vừa làm giàu từ chính đồng ruộng của mình.
Ý tưởng đã có, thực tế đã triển khai, điều quan trọng là cần những định hướng, kế hoạch bài bản và dài hơi, mở ra nhiều cơ hội đón khách trong những mùa thấp điểm hàng năm-“bài toán” làm đau đầu các nhà quản lý du lịch nhà suốt bao mùa qua.
Mai Nhân
https%3A%2F%2Fbaoquangbinh.vn%2Fchinh-tri%2F202412%2Fnong-dan-duong-cay-va-ngay-hoi-2222809%2F