(QBĐT) – Chọn nghề phụ xe với đồng lương không đáng kể để mưu sinh nhưng hễ gặp người nào có hoàn cảnh khó khăn, đáng thương, anh đều rút tiền túi của mình để hỗ trợ, giúp đỡ. Không vụ lợi, không mưu cầu điều gì cho bản thân, hành động đẹp của anh xuất phát từ tâm, từ lòng trắc ẩn trước những phận đời kém may mắn. Người đàn ông có trái tim nhân hậu ấy là Phạm Phương Nam (SN 1995), ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), phụ xe tuyến Ba Đồn–Đồng Hới thuộc Công ty CP thương mại và dịch vụ vận tải Quảng Bình.
Gặp gỡ và “cho đi”
Chiều muộn, người đàn ông dáng gầy gò, nước da đen sạm cố lê từng bước nặng nhọc lên chuyến xe Ba Đồn-Đồng Hới để kịp về với hai đứa con đang đợi cơm ở nhà. Anh chọn một góc phía sau xe rồi ngồi xuống, gương mặt mệt mỏi, đượm buồn.
Sau khi thu phí một lượt hành khách trên xe, đến lượt anh, người phụ xe chỉ hỏi nhỏ: “Mệt lắm hả anh? Sao hôm nay về muộn thế?” rồi rút ra tờ 500 nghìn đưa cho anh. Người đàn ông gầy gò ấy là anh Lê Đức Thắng (SN 1984) ở thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đã bước sang năm thứ 10 chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
Gia cảnh khó khăn lại mắc bệnh hiểm nghèo, không chịu được cảnh cơ cực, vợ bỏ đi, để lại anh “gà trống nuôi con” trong cảnh túng thiếu, bệnh tật. Mỗi tuần chạy thận 3 lần, anh trở thành khách quen trên chuyến xe có người phụ xe tốt bụng, hào sảng ấy. Anh Thắng nhớ rõ đây là lần thứ 6 anh được phụ xe hỗ trợ với tổng số tiền trên 5 triệu đồng và không lần nào anh đi xe phải trả tiền…
Trưa nắng, cụ bà ăn xin không có tiền đi xe đưa vội cho anh phụ xe lon bia vừa xin được để trừ tiền phí. Anh vội xua tay: “Cháu không uống bia! Mệ lên xe đi, về nhanh kẻo nắng!”. Thế rồi anh dìu bà lên xe, đỡ bà ngồi xuống và ân cần hỏi thăm về hoàn cảnh của bà.
Đưa cho bà 500 nghìn đồng, anh cười bảo: “Hôm nay về nhà nghỉ ngơi, không đi xin nữa mệ nhé!”. Đáp lại lời anh là nụ cười tươi rói kèm theo cái gật đầu xác nhận của cụ bà ăn xin…
Người phụ nữ tật nguyền kéo lê đôi chân giả cùng chiếc nạng rong ruổi khắp nơi bán hàng rong. Cuối ngày, chị lại bắt xe về với gia đình. Dìu chị lên xe, yên vị chỗ ngồi, người phụ xe không quên hỏi han:
– Hôm nay bán được nhiều không chị?
– Cũng được dăm bảy chục thôi em à!
– Dạ đây có tiền của cộng đồng mạng quyên góp, em gửi chị 500 nghìn đồng. Chị về mua gì ngon ngon mà tẩm bổ, chị nhé! – Dứt lời, người phụ xe làm ngay hành động quen thuộc. Nói là “tiền của cộng đồng mạng quyên góp” nhưng kỳ thực, đa phần đều là tiền túi của anh tự bỏ ra…
Gần 5 năm gắn bó với nghề phụ xe, Phạm Phương Nam đã gặp gỡ biết bao cảnh đời như thế. Khách đi xe có đủ thành phần, lứa tuổi và đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, tuyến xe Ba Đồn-Đồng Hới chạy qua Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới nên số bệnh nhân chạy thận đi xe khá đông.
Và mỗi cuộc gặp gỡ như thế, túi tiền của người phụ xe tốt bụng lại vơi dần, thay vào đó là niềm vui vì được giúp đỡ người khác, được làm điều ý nghĩa trong anh được tăng lên và niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bao người lại đầy thêm.
Như một bản năng
Sau nhiều cuộc hẹn không thành, chúng tôi gặp Phạm Phương Nam tại một quán cà phê nhỏ, khi anh tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát buổi trưa để tiếp tục chuyến xe chiều. Dáng người thấp, làn da rám nắng, chai sần đúng chất dân miền biển, Phương Nam gây thiện cảm với người đối diện bởi sự cởi mở, thân thiện. Anh kể, trước đây, khi còn theo nghề biển, tranh thủ những hôm nghỉ biển, anh xin đi phụ xe để vừa trải nghiệm vừa kiếm thêm thu nhập. Thế rồi ngày càng yêu, gắn bó với những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, anh quyết định nghỉ hẳn nghề biển để theo nghề phụ xe.
Rong ruổi trên những chuyến xe, được gặp, chứng kiến những cảnh đời bất hạnh, trái tim ấm áp của người đàn ông ấy lại thổn thức, thương cảm. Ban đầu, chỉ là giúp đỡ tiền vé xe. Sau đó, thấy ai hoàn cảnh khó khăn, nhất là các bệnh nhân chạy thận, anh đều tự bỏ tiền túi để hỗ trợ, số tiền tăng dần từ 300-500 nghìn đồng đến 2-3 triệu đồng mỗi trường hợp. Không ít người được anh hỗ trợ 5, 6 lần.
Phương Nam Bảo: “Cứ như bản năng vậy, thấy ai nghèo khó, tôi lại không đành lòng! Mức lương phụ xe không cao, nhưng giờ tôi đang độc thân, chưa phải chăm lo cho vợ con nên thay vì sử dụng số tiền ấy cho bản thân, tôi trích một phần để giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn, đáng thương. Gia đình, người thân cũng rất ủng hộ việc làm của tôi. Thấy gương mặt lộ vẻ tự hào của ba mẹ khi ai đó hỏi về việc làm ý nghĩa của con trai, tôi có thêm động lực để tiếp tục “cho đi” theo khả năng của mình”.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, nghĩa cử cao đẹp của Phạm Phương Nam ngày càng lan tỏa và được nhiều người biết đến. Cảm phục tấm lòng của người phụ xe giàu nhân ái, từ tháng 7/2024, không ít người đã tình nguyện đóng góp một phần để cùng anh giúp đỡ nhiều hơn cho những cảnh đời đáng thương. Từ đây, hành trình làm việc thiện của Phạm Phương Nam không chỉ đơn độc mình anh mà có sự chung tay của những tấm lòng thơm thảo, để có thêm thật nhiều hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, để giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại, vẻ đẹp từ tâm vẫn luôn tỏa sáng lấp lánh.
“Thấy con trai giúp đỡ được nhiều người, gia đình tôi rất vui vì Nam biết nghĩ cho người khác, biết “cho đi” bằng sức lao động của mình. Chúng tôi luôn mong và tin rằng, sau này, dù cuộc sống như thế nào, Nam vẫn luôn giữ được nhiệt huyết, trái tim ấm áp như thế…”, ông Phạm Ngọc Xiêm, bố Phạm Phương Nam bày tỏ. |
Tâm An
https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202412/toa-sang-ve-dep-tu-tam-2222880/