Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tức"Trợ lực" để phát triển

“Trợ lực” để phát triển

(QBĐT) – Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại huyện Lệ Thủy đã mang lại những kết quả tích cực và được kỳ vọng là “trợ lực” giúp ĐBDTTS và miền núi vươn lên thoát nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn…

Hiệu quả từ các dự án

Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy Võ Minh Hải thông tin, huyện hiện có 3 xã vùng ĐBDTTS, gồm: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy với gần 1.600 hộ ĐBDTTS sinh sống tại 24 thôn, bản. Các địa phương này có địa hình phức tạp, nhiều khe suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn và thường xuyên bị chia cắt trong mùa mưa lũ. Hiện, 3 xã vùng ĐBDTTS ở huyện Lệ Thủy có tổng số hộ nghèo 817 hộ (chiếm tỷ lệ hơn 37%); hộ cận nghèo 364 hộ (chiếm tỷ lệ hơn 16%)…

“Trình độ dân trí vùng ĐBDTTS ở địa phương còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Ở đây, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng chưa phát triển. Những năm qua, mặc dù cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng vẫn chưa đồng bộ; KT-XH chậm phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với mặt bằng chung của toàn huyện…”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy cho hay.


Bản Làng Vùng Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số Ngày Càng Khởi Sắc.
Bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.

Thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Lệ Thủy được giao hơn 200 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện chương trình. Trong đó, có gần 123 tỷ vốn đầu tư công, hơn 77 tỷ vốn sự nghiệp. Thông qua nguồn vốn của chương trình, nhiều hạng mục đầu tư xây dựng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đem lại kết quả nhất định cho sự phát triển KT-XH ở 3 xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy.

Cụ thể: Đã xây dựng được 10 công trình giao thông nông thôn, 5 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ xây mới nhà ở cho 102 hộ đồng bào; xây dựng công trình nước sinh hoạt ở các bản: Bản Mới, Xà Khía, Tăng Ký, Tân Ly (Lâm Thủy); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 215 hộ nâng cao thu nhập cho đồng bào; hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa và mua sắm cơ sở vật chất cho một số trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện giúp nâng cao chất lượng dạy và học.

Cùng với đó là việc tổ chức các lớp tập huấn giúp nâng cao nhận thức của nhân dân về các quy định của pháp luật liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bảo vệ rừng; tổ chức các lớp về hướng nghiệp, dạy nghề giúp người dân nâng cao nhận thức về định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội chuyển đổi nghề phù hợp điều kiện; hỗ trợ phụ cấp cô đỡ thôn, bản giúp nâng cao chất lượng y tế các xã miền núi…

Đánh giá về thực hiện chương trình ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hoàng Văn Lình cho hay, nhiều dự án, tiểu dự án của chương trình được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống và thu nhập…

Tháo gỡ những khó khăn

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy Võ Minh Hải, những kết quả đạt được của chương trình là tích cực, tuy nhiên, địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ, như: Tỷ lệ giải ngân vốn của chương trình trên địa bàn huyện đạt khá thấp so với kế hoạch vốn; tiến độ thực hiện chương trình còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra.


Mới đây, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lệ Thủy Phan Hồng Đăng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục quan tâm, đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình; nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn; qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện đời sống của nhân dân…

Bên cạnh đó, huyện chưa bố trí vốn đối ứng theo quy định tại điều 5 quy định kèm theo Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND, ngày 26/7/2022 của HĐND tỉnh; đồng thời nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện các nội dung ở các dự án rất lớn, trong khi đó, số lượng có nhu cầu thấp, trùng với các chương trình, dự án khác, có dự án đã hết đối tượng, do vậy, phải trả lại ngân sách hoặc chuyển sang dự án khác…

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, huyện Lệ Thủy cũng đề nghị HĐND tỉnh cần có nghị quyết quy định định mức hỗ trợ cụ thể đối với nguồn vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở thuộc dự án 1, dự án 2 của chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; phân bổ nguồn bổ sung ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho những hộ gia đình đã làm xong nhà ở năm 2023; có ý kiến với Ngân hàng Chính sách xã hội để bố trí vốn vay cho bà con làm nhà ở; tăng cường đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung có quy mô, bảo đảm chất lượng; xem xét mở rộng phạm vi quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng việc hỗ trợ vật nuôi; nâng mức hỗ trợ vốn đối ứng của tỉnh lên ít nhất là 20 triệu/căn nhà; phát triển hạ tầng đồng bộ và đạt hiệu quả đầu tư cao hơn…

N.Hải

https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202412/tro-luc-de-phat-trien-2222891/