(QBĐT) – Tháng 6/1998, Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) và Khu. bảo tồn đa dạng sinh học (BTĐDSH) Quốc gia Hin Nậm Nô (nay là VQG Hin Nậm Nô, Khăm Muồn), đã đặt quan hệ hợp tác chính thức bằng bản tuyên bố chung về BTĐDSH liên biên giới. Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển, gắn bó giữa hai đất nước, hai tỉnh, hoạt động hợp tác giữa VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và VQG Hin Nậm Nô tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu mới, hướng tới mục tiêu di sản liên biên giới.
VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và VQG Hin Nậm Nô là một trong những khu vực có hệ sinh thái quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, có giá trị cao về ĐDSH và địa chất, địa mạo, được các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đánh giá cao về giá trị bảo tồn, có ý nghĩa toàn cầu về mặt khoa học, giáo dục và phát triển. Với tầm quan trọng của hai khu bảo tồn liền kề và việc bảo tồn những giá trị ĐDSH, hệ sinh thái thiết yếu, cần có sự thống nhất giữa hai bên trong hợp tác, thực hiện những hoạt động liên quan. Xác định được ý nghĩa to lớn đó, Quảng Bình và Khăm Muồn là hai trong số các tỉnh của Việt Nam-Lào tiên phong thúc đẩy việc hợp tác liên biên giới.
Một dấu mốc quan trọng trong hành trình hợp tác giữa hai VQG, đó là năm 2016, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thông qua Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, hai bên đã hoàn thành bản đồ chung của VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô; thành lập tổ công tác hỗ trợ hợp tác liên biên giới, bắt tay thực hiện hoạt động đối thoại, trao đổi thông tin kỹ thuật một cách thường xuyên, có hệ thống.
Nhiều đoàn công tác của hai tỉnh, các sở, ngành liên quan đã có những chuyến thăm, làm việc để học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên của hai VQG. Từ năm 2017 đến nay, các bộ, ngành hai bên và Quảng Bình-Khăm Muồn tiến hành nhiều bước quan trọng để đặt nền móng cho việc công nhận VQG Hin Nậm Nô là Di sản thiên nhiên thế giới (DSTNTG), như một phần mở rộng của DSTNTG VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, tiến tới mục tiêu di sản liên biên giới.
Hoạt động hợp tác giữa hai bên là một nội dung quan trọng tại biên bản ghi nhớ, hội đàm của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (Việt Nam) và Bộ Thông tin-Văn hóa (Lào), hội đàm Quảng Bình-Khăm Muồn đã tạo khung pháp lý vững chắc để hướng tới sự hợp tác sâu sắc. Những kết quả đạt được giữa VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và VQG Hin Nậm Nô không chỉ thúc đẩy các nội dung cam kết mà góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó truyền thống lâu đời Quảng Bình-Khăm Muồn.
Những năm gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, những hoạt động hợp tác vẫn được duy trì, phát triển, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ đề cử VQG Hin Nậm Nô là DSTNTG. Tình trạng khai thác gỗ, bẫy bắt các loài động vật hoang dã trái phép; kết quả nghiên cứu ĐDSH, địa chất, địa mạo; hoạt động của các tổ chức quốc tế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tại khu vực hai VQG… thường xuyên được triển khai, cập nhật, thông báo cho nhau nhằm có sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của hai VQG.
Đồng hành, hỗ trợ VQG Hin Nậm Nô được công nhận là DSTNTG, hướng tới mục tiêu di sản liên biên giới là một nội dung quan trọng trong hoạt động hợp tác Quảng Bình-Khăm Muồn những năm qua. VQG Hin Nậm Nô trở thành DSTNTG sẽ giúp không gian bảo vệ liên biên giới thêm 94.000ha, nâng tổng diện tích rừng lên hơn 210.000ha, tính cả VQG Phong Nha-Kẻ Bàng. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc khẳng định quyết tâm và hiệu quả hợp tác của Quảng Bình-Khăm Muồn, góp phần xây dụng, vun đắp mối quan hệ Việt Nam-Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. |
“Từ khi được công nhận là DSTNTG vào năm 2003 đến nay, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của DSTNTG VQG Phong Nha-Kẻ Bàng luôn được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Các hành vi xâm hại rừng, tài nguyên rừng dần được cải thiện. Hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo tồn được nâng cao về chất lượng, các giá trị ngoại hạng và tính toàn vẹn của Phong Nha-Kẻ Bàng được gìn giữ, tôn vinh. Phong Nha-Kẻ Bàng thực sự trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Với tất cả những bài học kinh nghiệm qua hành trình hơn hai thập kỷ, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đồng hành để VQG Hin Nậm Nô được công nhận là DSTNTG, hướng tới mục tiêu chung về di sản liên biên giới đầu tiên của Đông Nam Á”, Giám đốc VQG Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái chia sẻ.
Sau hành trình dài với sự thống nhất, hỗ trợ của hai quốc gia Việt Nam-Lào, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bộ, ngành hai tỉnh Quảng Bình-Khăm Muồn, đặc biệt là vai trò quan trọng của VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, tháng 2/2024, hồ sơ đề cử di sản đối với VQG Hin Nậm Nô đã được trình lên UNESCO. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), hai VQG đang tích cực triển khai quá trình đánh giá tiêu chuẩn Danh lục xanh của IUCN, góp phần đóng vai trò nền tảng, khuôn khổ có giá trị để tăng cường hợp tác liên biên giới, nâng cao chất lượng bảo tồn ĐDSH của các khu bảo tồn, VQG được kết nối ở Việt Nam và Lào.
Ngọc Mai
https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202412/huong-toi-di-san-lien-bien-gioi-2222902/