(QBĐT) – Đã nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa lũ, người dân thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) lại bị cô lập do không có cầu, đường đi lại. Không cầu khiến địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), giảm nghèo. Vì thế, ước mơ về một cây cầu kiên cố nối liền đôi bờ sông Gianh là nỗi khát khao cháy bỏng của người dân nơi này.
Thôn Đồng Phú là địa bàn khó khăn nhất của xã Đồng Hóa, với 220 hộ dân và 1.200 nhân khẩu. Bị ngăn cách bởi dòng sông Gianh, từ bao đời nay cuộc sống của người dân nơi đây luôn gặp khó khăn trong phát triển KT-XH cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi qua lại sông Gianh, nhất là vào mùa mưa lũ.
Những năm gần đây, giao thông đi lại của người dân thôn Đồng Phú có phần đỡ vất vả hơn, khi có cây cầu phao tư nhân bắc qua sông. Có thể nói, cây cầu đã giải quyết được một phần nhu cầu đi lại cho người dân. Hằng ngày có tới cả ngàn lượt người và các phương tiện xe máy, xe đạp qua lại trên chiếc cầu gỗ này.
Mặc dù chủ đầu tư đã rất cố gắng, thế nhưng người qua lại vẫn có cảm giác không an toàn mỗi khi chạy xe máy trên cầu bởi thân cầu cứ rung lên bần bật, nếu không cứng tay lái rất dễ bị ngã, thậm chí có thể lao xuống sông. Những người tay lái yếu thì phải dắt bộ xe qua. Việc lưu thông qua lại rõ ràng là bất tiện, tuy nhiên, vì chẳng còn con đường nào khác, người dân đành phải đi qua cầu này và phải trả tiền phí 2.000 đồng/lượt đi bộ, 5.000 đồng/lượt xe máy, nếu người ngoài địa phương thì 10.000 đồng/lượt xe máy. Các phương tiện khác không thể qua lại trên cầu phao này.
Anh Lê Văn Chiến, Trưởng thôn Đồng Phú cho biết: Có cầu phao thì đỡ vất vả hơn vào mùa nắng nhưng mỗi khi đến mùa mưa lũ, nước sông Gianh dâng lên cao, chảy xiết thì mọi việc qua lại của thôn đều phải ngừng hẳn. Khi đó, cả thôn như bị cô lập với “thế giới” bên ngoài. Gian nan nhất là việc học của trẻ em trong thôn khi có những trận mưa lũ kéo dài, các em phải nghỉ học cả tuần. Cũng vì lẽ đó, mà nhiều em trong thôn không thể theo kịp bạn bè, bỏ học…
Được biết, khi nước dâng lên khoảng 1m là cầu phao được tháo dỡ, việc qua sông phải phụ thuộc vào thuyền máy tự chế của chủ cầu. Vào ban ngày, qua sông phải đủ 5-7 người trở lên thì thuyền mới chạy còn đi 1, 2 người thì phải đợi, nhiều người phải đợi vài tiếng mới về đến nhà. Đêm hôm, người dân có việc cần đi lại hay cấp cứu người, phải thuê thuyền vượt sông Gianh với chi phí cao hơn thường ngày rất nhiều.
Do thôn bị cô lập bởi giao thông chia cắt, không có cầu để qua lại, nên việc sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, vất vả và thường xuyên bị thương lái ép giá…
Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nông lâm nghiệp Hương rừng Vĩnh Lợi có 15ha rừng trồng keo lai và 4ha cây rừng bản địa. Tuy nhiên, do giao thông đi lại không thuận tiện nên khi thu hoạch bán giá chẳng được bao nhiêu, chi phí vận chuyển nhiều hơn sản phẩm. Giám đốc HTX, Hoàng Thị Thu cho biết: HTX là đơn vị tiên phong trong việc trồng rừng tại địa phương, thế nhưng, khi rừng đến độ thu hoạch thì không tìm ra thương lái, đến họ ép giá thấp quá không thể bán, có thương lái đến đặt cọc tiền rồi nhưng khâu thu hoạch quá khó khăn do giao thông cách trở nên đành bỏ giữa chừng, giá bán không có lãi được bao nhiêu. Không chỉ sản phẩm từ rừng mà nông sản địa phương như: Sắn, khoai, ngô sinh khối, lạc… giá cũng thấp hơn các địa phương khác nhiều vì khi vận chuyển qua cầu bằng xe máy phải mất phí.
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa Cao Xuân Hùng cho biết: Các cuộc họp tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, chính quyền địa phương, nhân dân đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng có được cây cầu kiên cố bắc qua sông Gianh để thuận tiện đi lại. Sau nhiều lần kiến nghị, nhiều ý kiến cử tri, đã có một số đoàn về khảo sát, cắm mốc, lập hồ sơ… nhưng đến bây giờ cây cầu “mơ ước” vẫn nằm trên giấy, chính quyền địa phương cũng như người dân vẫn cứ hy vọng và chờ đợi.
“Người dân thôn Đồng Phú bây giờ chỉ mơ ước được đầu tư một cây cầu bê tông thay thế cho chiếc cầu phao đã xuống cấp để thuận tiện đi lại, bảo đảm an toàn khi mùa mưa lũ về. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trên địa bàn xã mà còn có hơn 30 hộ dân của xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) cũng qua lại trên chiếc cầu này”, Trưởng thôn Đồng Phú Lê Văn Chiến cho biết”. |
P.V
https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202412/can-lam-mot-cay-cau-kien-co-2222913/