Đại biểu này cho biết, theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2020-2025, đến năm 2025, tỉnh có hơn 75% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt hơn 52% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, số trường quá hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia 23%.
Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia có nhiều tiêu chí, nhưng khó nhất vẫn là tiêu chí về cơ sở vật chất. Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn cơ sở vật chất được nâng lên rất cao nên nhiều trường không đáp ứng theo quy định chuẩn mới, do đó phải sụt chuẩn.
Quảng Bình khẩn trương tổng kết Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong tháng 12
Cùng đó, thực hiện theo phân cấp ngân sách nên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện, xã không được phân bổ từ ngân sách tỉnh. Trong khi đó, những năm gần đây, nguồn thu ngân sách huyện, xã tại Quảng Bình gặp khó khăn do phụ thuộc vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp huyện ở Quảng Bình hàng năm chỉ bố trí hỗ trợ kinh phí sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất cho trường đạt chuẩn quốc gia 150 triệu/trường và 300 triệu/trường đăng ký chuẩn quốc gia năm 2025.
Số kinh phí này còn quá ít so với nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất để đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Nhất là đối với các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thì việc đầu tư xây dựng trường học từ ngân sách cấp huyện, xã ở những địa bàn này càng khó khăn hơn.
Đại biểu Phan Trần Nam phát biểu tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: BT) |
Dẫn chứng vấn đề này, đại biểu Phan Trần Nam lấy thí dụ ở huyện miền núi Minh Hóa, đầu năm học 2023-2024, có 18 trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến nay chỉ còn 3 trường đạt chuẩn trong tổng số 48 trường thuộc quản lý của huyện do một số trường sụt chuẩn.
Vì thế, để xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Quảng Bình trong thời gian tới đạt kết quả cao, ông Phan Trần Nam đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 cần xem xét, tham mưu bố trí một nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ có mục tiêu cho cấp huyện giải quyết các vấn đề cấp bách về nâng cấp, sửa chữa trường lớp học, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ tại các trường học thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện.
“Đặc biệt, Ủy ban nhân dân và các ngành chức năng của tỉnh cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ dạy học ở các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi ở các nơi này ngân sách cấp huyện không đáp ứng được” – ông Phan Trần Nam đề nghị.
https://nhandan.vn/quang-binh-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia-gap-kho-do-thieu-kinh-phi-xay-dung-co-so-vat-chat-post849542.html