(QBĐT) – Một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được xem “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và kết nối đồng bộ với các địa phương trong vùng. Thế nhưng các dự án động lực này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và thiếu nguồn vốn.
1. Tại Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch, có một số hạng mục phụ trợ ở các dự án nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ bởi vì tình trạng tranh chấp đất đai giữa các hộ dân, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), một số hộ chưa nhận tiền hỗ trợ hoa màu, tái định cư… Để tháo gỡ khó khăn, nhà đầu tư đã đề nghị cấp có thẩm quyền khẩn trương triển khai xác định giá đất cụ thể; lập, công khai, trình phê duyệt phương án bồi thường đối với một số các hạng mục; có giải pháp rút ngắn thời gian hoàn thiện phương án bồi thường để trình phê duyệt phương án; bố trí các hộ đủ điều kiện đã được duyệt vào khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công…
2. Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La (thuộc Khu Kinh tế Hòn La), được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 9/2022, tổng mức đầu tư 2.112 tỷ đồng, diện tích đất và mặt nước sử dụng khoảng 38ha (trong đó điện tích đất 25ha, mặt nước khoảng 13ha), công suất thiết kế đến 100.000DWT.
Tuy nhiên, dự án đang “chậm” do thủ tục giao đất, giao khu vực biển, về phê duyệt đánh giá tác động môi trường; đồng thời, nhà đầu tư dự án này cũng đề nghị tỉnh đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường vào khu bến cảng Hòn La với điểm đầu từ Quốc lộ 1 có chiều dài khoảng 3,5km với bề rộng 27m theo quy hoạch đã được duyệt. Sau khi được giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, chủ đầu tư cam kết sẽ nỗ lực thực hiện các bước tiếp theo để khởi công xây dựng dự án trong quý I/2025.
3. Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương 2.700 tỷ đồng, ngân sách địa phương 800 tỷ đồng). Giai đoạn 2021-2025, dự án được Thủ tướng Chính phủ giao vốn ngân sách Trung ương là 1.700 tỷ đồng và UBND tỉnh đã bố trí vốn 800 tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB. Đến nay, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã được bố trí 1.700 tỷ đồng dự kiến sẽ giải ngân hết trong năm 2024; vì vậy, sang năm 2025, dự án không có vốn để triển khai thực hiện.
Do yêu cầu cấp bách hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng trong giai đoạn 2021-2025, dự án cũng cần hoàn thành dứt điểm công tác GPMB và bổ sung thêm nguồn vốn với số tiền 987 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Với nguồn lực này, chủ đầu tư cam kết sẽ tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, giải ngân hết số vốn được giao để hoàn thành công trình, sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Thiết nghĩ, Quảng Bình là địa phương đang còn khó khăn, nguồn thu chưa bền vững, do đó, các dự án chậm tiến độ hoặc thiếu vốn mà ngân sách địa phương không kham nổi sẽ gây lãng phí rất lớn về nguồn lực, tài nguyên và cơ hội để phát triển. Bởi vậy, cần có những chính sách thông thoáng, khắc phục tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, tháo gỡ “điểm nghẽn” để tận dụng thời cơ thúc đẩy đầu tư, hướng đến phát triển bền vững.
Minh Văn
https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/chuyen-quan-ly-vuong-mat-bang-va-thieu-von-2222993/