Dẫn chúng tôi ra bờ cát nham nhở do sạt lở, ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch cho biết, trên bãi biển qua địa bàn thôn có 6 hộ đầu tư tiền tỷ để làm hồ nuôi tôm trên cát từ trước năm 2020. Khi đó bãi biển chưa xuất hiện tình trạng sạt lở như hiện nay nên các hộ dân nuôi tôm ít lo lắng hơn.
Nhưng ba năm nay dòng chảy thay đổi, xâm thực bờ biển rất nghiêm trọng. Biển lấn dần vào bờ, hàng cây phi lao chắn sóng bị sóng đánh bật gốc và cuốn trôi. Các hộ nuôi tôm đã dùng bao cát đắp làm đê bao chắn sóng, ngăn sạt lở để bảo vệ hồ nuôi tôm, song không thể chống chịu được sóng lớn vào những ngày mưa lũ và biển động.
Bãi biển Bảo Ninh bị xâm thực bất thường
Một lao động nuôi tôm tại đây cho biết, anh đang được cử ở lại để nhặt nhạnh những vật tư phục vụ nuôi tôm thu gom lại để sau này nếu cần thì dùng chứ trước mắt việc nuôi tôm phải tạm dừng bị từng ngày bị sóng biển “ngoạm” hết.
Người này chia sẻ, ở đây gồm 6 hộ nuôi tôm bằng cách đào ao rồi phủ bạt, bơm nước biển để nuôi, mỗi hồ đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, đưa vào sản xuất chưa lãi lời được bao nhiêu đành chấp nhận bỏ cho sóng cuốn trôi.
Hiện những dãy nhà xây làm nơi ở cho người trông coi hồ tôm, nơi để dụng cụ, máy móc, thức ăn đang bỏ dở, hoang phế. Hàng cây phi lao chắn sóng chừng 7-8 năm tuổi, bảo vệ các hồ tôm, nay cũng đã bị sóng đánh tan hoang, chỉ còn trơ trọi một ít gốc.
Quảng Bình bất an ảnh 2″/> |
Biển “ăn” sâu vào khu vực nhà quản lý của khu nuôi tôm khiến hoạt động nuôi thủy sản phải tạm dừng. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Trạch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, xã có hơn 2km bờ biển, qua 3 thôn Thanh Xuân, Thanh Hải và Thanh Gianh đều bị ảnh hưởng lớn do sạt lở.
Riêng thôn Thanh Xuân là bị nghiêm trọng nhất khi có 450 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu đang nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng sạt lở bờ biển sâu vào khu dân cư.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, hiện tượng biển xâm thực vào đất liền diễn ra trong vòng 3 năm trở lại đây. Đặc biệt do ảnh hưởng của bão số 6 trong tháng 10/2024 rồi các đợt triều cường đã làm cho vùng cát ven biển của 3 thôn xã Thanh Trạch bị sạt lở nghiêm trọng hơn. Trong 3 năm qua, tình trạng xâm thực, xói lở sâu vào đất liền khoảng hơn 150m, chiều dài hơn 1km.
Bờ biển sạt lở không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân mà còn đe dọa đến sự an toàn của những ngôi nhà vốn cách xa biển nhưng vì khu vực rừng phi lao phòng hộ bị sạt lở nên bây giờ đang đối mặt với sóng gió của biển khơi. Tình trạng này khiến người dân hết sức lo lắng.
Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Tình mở hướng nhìn ra biển qua con đường bê-tông liên thôn. Mỗi ngày nhìn sóng biển cao đánh vào bờ cát mà các thành viên trong gia đình không khỏi bất an. Ông Tình lo lắng rằng, nếu không sớm có biện pháp xử lý thì tình trạng biển xâm thực, sạt lở sẽ uy hiếp cả con đường liên thôn của xã Thanh Trạch và khu nghĩa trang của người dân địa phương, rồi cả khu dân cư.
Người dân lo lắng vì sau mỗi trận bão, gió mùa đông bắc gây triều cường, bờ biển Thanh Trạch bị sạt lở nhiều thêm. |
Ông Nguyễn Văn Tình cho biết thêm, nhiều năm trước, bà con vùng biển xã Thanh Trạch đã góp công, góp sức xây dựng lại khu đền thờ cá Ông khá bề thế. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội cầu ngư hằng năm trước khi vào vụ khai thác thủy sản của bà con địa phương. Nhưng hiện nay, biển xâm thực vào tận hàng cây phi lao trước sân đền khiến người dân rất lo lắng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Trần Hoài Nam cho biết, tình trạng sạt lở ở vùng bờ biển xã Thanh Trạch là rất đáng báo động do tác động của biến đổi khí hậu. Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình có biện pháp khắc phục trước mắt như vận động người dân không sản xuất, nuôi thủy sản tại khu vực này để tránh bị thiệt hại về tài sản; tổ chức trồng cây phi lao để khôi phục rừng phòng hộ chắn sóng, nhằm hạn chế việc sạt lở sâu thêm vào đất liền. Bà con cũng chủ động phương án di dời đến nơi an toàn mỗi khi có gió bão theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Về lâu dài để chống sạt lở thì cần phải xây dựng hệ thống đê kè bê-tông và cần số vốn khá lớn. Do ngân sách của địa phương còn hạn chế nên tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống kè biển tại khu vực sạt lở nhằm ổn định sản xuất và đời sống cho bà con nhân dân.
https%3A%2F%2Fnhandan.vn%2Fbo-bien-sat-lo-nghiem-trong-khien-nguoi-dan-quang-binh-bat-an-post852434.html