Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDu LịchCái khó của… mật ong!

Cái khó của… mật ong!

(QBĐT) – Dạo một vòng quanh siêu thị Co.opmart Quảng Bình, vẫn không thấy một sản phẩm mật ong nào xuất xứ từ Quảng Bình, trong khi rất đa dạng mật ong đến từ nhiều tỉnh, thành khác. Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng như Lazada hay Shopee đã thấy xuất hiện sản phẩm mật ong đến từ các địa phương của Quảng Bình…, tuy nhiên, vẫn chưa thật sự tạo được sức hút mạnh mẽ, mẫu mã còn thiếu đa dạng, một số sản phẩm chưa thấy rõ được nguồn gốc xuất xứ, uy tín nhà cung cấp. Thực tế cho thấy, khâu marketing và ứng dụng TMĐT vẫn đang là “điểm nghẽn” để đưa mật ong tỉnh nhà vươn xa.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân (xã Trường Xuân, Quảng Ninh) có 14 thành viên và liên kết với 20 hộ thành viên. Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Võ Thị Hòe, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Sở Công thương và các cấp ngành, địa phương, HTX đã đưa sản phẩm mật ong Trường Xuân lên sàn TMĐT tỉnh; giới thiệu, bày bán tại các cửa hàng nông sản sạch, OCOP. Đặc biệt, HTX cũng đã linh hoạt, chủ động sử dụng mạng xã hội facebook để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Tín hiệu mừng là doanh số bán hàng qua kênh này khá khả quan. Mỗi năm, HTX tiêu thụ từ 3,5-4 tấn mật ong. Sản phẩm vừa hết thời hạn công nhận OCOP 3 sao, nên đang tiến hành thủ tục xin cấp lại bởi HTX thấy rõ tầm quan trọng của chứng nhận OCOP.

Tuy nhiên, chị Võ Thị Hòe chia sẻ, HTX vẫn chưa dám mạnh dạn đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn hay những trang mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, bởi chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm về TMĐT. Thêm vào đó, mẫu mã sản phẩm vẫn còn đơn giản, chưa đa dạng, chưa đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Ngoài ra, nguồn cung mật ong của HTX còn hạn chế nên chưa tự tin mở rộng thị trường. HTX rất mong muốn được hỗ trợ để nâng cấp bao bì sản phẩm, đa dạng mẫu mã và tạo điều kiện tham gia nhiều hơn các lớp tập huấn, bồi dưỡng về TMĐT.


Các Hợp Tác Xã Về Nuôi Ong Cần Được Hỗ Trợ, Tư Vấn Về Thương Mại Điện Tử.
Các hợp tác xã về nuôi ong cần được hỗ trợ, tư vấn về thương mại điện tử.

Trong khi đó, cũng ở huyện Quảng Ninh, HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn (xã Trường Sơn) lại ở tình cảnh mật ong thì cung ứng đầy đủ, nhưng thị trường lại chưa có. Phó Giám đốc HTX Trương Thị Hiển cho biết, sản phẩm mật ong của HTX chủ yếu là tự tiêu thụ, “hữu xạ tự nhiên hương”, khách hàng có nhu cầu tự tìm đến. HTX cũng chưa thể mạnh dạn đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con vì còn trăn trở về thị trường.

Thời gian qua, HTX được dự án 8, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tạo điều kiện để tập huấn chuyên sâu về TMĐT, nhất là bán hàng, marketing bằng Điện thoại thông minh ở Hà Nội và ngay tại địa bàn xã. Do đó, nhận thức của các thành viên dần đổi thay, bước đầu đã biết vận dụng vào quá trình bán hàng, như sử dụng facebook… Tuy nhiên, về lâu về dài, vẫn rất cần thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài cho sản phẩm mật ong Trường Sơn. HTX cũng mong muốn tiếp tục được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về TMĐT, nhất là với bà con dân tộc thiểu số. 


Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Bình Dương Thảo cho biết, trước đây, một số sản phẩm mật ong của Quảng Bình vẫn được siêu thị bày bán. Nhưng, do lượng tiêu thụ giảm, nhà cung cấp không mặn mà nên hạn chế dần. Quan điểm của siêu thị là hỗ trợ tích cực cho nông sản địa phương, nếu nhà cung cấp có nguồn hàng chất lượng, tiêu thụ tốt, siêu thị luôn sẵn sàng chào đón.

Được thành lập trên vùng đất di sản, HTX Nuôi ong lấy mật vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (xã Phúc Trạch, Bố Trạch) có nhiều thuận lợi hơn so với các HTX khác đối với thị trường tiêu thụ bởi nguồn khách Du lịch dồi dào. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nguyễn Tiến Dũng cho biết, HTX sản xuất 2.500-3.000 lít mật ong/năm. Với sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương, sản phẩm mật ong của HTX đã được phân phối rộng khắp, thông qua mạng xã hội, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mỗi năm 1.000 lít với một công ty. HTX cũng liên kết với một số công ty du lịch, cửa hàng… để đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn với khách hàng nhưng vẫn thiếu kênh phân phối và marketing chuyên nghiệp. Ngoài ra, do phụ thuộc vào mùa du lịch nên có thời điểm, sản phẩm vẫn tiêu thụ chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng, thị trường còn nhỏ lẻ, thiếu linh hoạt.

“Tin vui là dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong Phong Nha của tỉnh Quảng Bình” do Trung tâm Ứng dụng và Thống kê khoa học-công nghệ (Sở Khoa học-Công nghệ) chủ trì thực hiện đang được triển khai sẽ mang đến nhiều cơ hội cho HTX trong việc phát triển thương hiệu lên tầm cao mới, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cơ hội, độ nhận diện cho sản phẩm trong TMĐT”, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ thêm.

Trong bối cảnh phương thức canh tác hữu cơ, thực phẩm thực dưỡng đang rất được ưa chuộng, những sản phẩm thuần tự nhiên như mật ong đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, nâng cấp sản phẩm và đến với nhiều phân khúc khách hàng tiềm năng. Quảng Bình nổi bật với không ít sản phẩm mật ong “có tiếng”, riêng sản phẩm OCOP đã khá đa dạng: Mật ong Tuyên Hóa, mật ong Trường Sơn, mật ong Hương Hóa…

Nhưng, vẫn chưa thực sự có sản phẩm mật ong tạo được “cú hích” trên thị trường. Trên thực tế, các thành viên HTX chủ yếu chưa được đào tạo bài bản về marketing, TMĐT, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, rất cần được tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, cầm tay chỉ việc. Đồng thời, việc cần thiết xây dựng một hình mẫu về phát triển sản phẩm mật ong Quảng Bình cũng cần được chú trọng đúng lúc, đúng thời điểm, tránh “đem con bỏ chợ”, gây lãng phí.

Mai Nhân

https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/cai-kho-cua-mat-ong-2222971/