Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDanh NhânCánh chim phượng hoàng-Bài 2: Sự lựa chọn lịch sử

Cánh chim phượng hoàng-Bài 2: Sự lựa chọn lịch sử

(QBĐT) – Trong hành trình theo dấu chân tướng Hoàng Sâm lên miền Tây Bắc, chúng tôi đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nơi cách đây tròn 80 năm về trước đánh dấu sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) vào ngày 22/12/1944 và đồng chí Hoàng Sâm chính là người Đội trưởng đầu tiên.

 

 

Thời khắc lịch sử

 

Dưới sự hướng dẫn của di sản viên Hoàng Thị Hoe, chúng tôi theo con đường nhỏ đi sâu vào khu rừng Trần Hưng Đạo bạt ngàn cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Điểm đến chính là nơi diễn ra sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ.

 

Bằng vốn kiến thức lịch sử rất chắc chắn, chị Hoàng Thị Hoe thuyết trình: “Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam, Bác Hồ nhận định: Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy mạnh phong trào tiến lên”. Hình thức thích hợp, theo Bác là thành lập “Đội quân giải phóng”.


Di Tích Lịch Sử Nơi Thành Lập Đội Vnttgpq Trong Rừng Trần Hưng Đạo.
Di tích lịch sử nơi thành lập Đội VNTTGPQ trong rừng Trần Hưng Đạo.

Bác Hồ ra Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ, nêu rõ: “Tên Đội VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ, đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung. Đội VNTTGPQ là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam”.

 

Mười bảy giờ ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội VNTTGPQ chính thức bắt đầu. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, trước đội ngũ 34 chiến sĩ chỉnh tề, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn từ: “Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề… Chúng ta sẽ vạch rõ cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc”.

 

Di sản viên Hoàng Thị Hoe chỉ cho chúng tôi gốc cây Sau Sau thân thẳng dài ngạo nghễ đâm vút lên trời cao (loài cây đặc hữu của rừng Trần Hưng Đạo-P.V) nằm cạnh Nhà bia trung tâm, tiếng cô gái chùng xuống: “34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ năm xưa, nay đều khuất núi. Gốc cây Sau Sau này trở thành một nhân chứng mãi trường tồn theo thời gian. Vì tại buổi lễ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cho treo lá cờ Tổ quốc lên trên ngọn Sau Sau này”.

 

Những con người lịch sử

 

Trong 34 đội viên Đội VNTTGPQ ngày đầu thành lập có 29 người đồng bào dân tộc thiểu số, 5 người dân tộc Kinh. Ngoài đồng chí Võ Nguyên Giáp chịu trách nhiệm chỉ huy chung, tự hào thay Quảng Bình có thêm hai đội viên gồm Hoàng Sâm và Võ Văn Dánh (1905-1991), bí danh Luận, quê quán xã Đức Hóa (Tuyên Hóa). Đội VNTTGPQ do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến…

 

Trở lại với câu chuyện cùng ông Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, con trai đồng chí Xích Thắng-Dương Mạc Thạch trong những ngày chúng tôi lưu lại xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, nơi trở thành khu di tích cấp tỉnh ghi dấu thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc đầu năm 1942. Ông Dương Mặc Thăng hồi tưởng: Ba tôi từng khẳng định, quá trình thành lập Đội VNTTGPQ, Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao chức vụ Đội trưởng cho đồng chí Hoàng Sâm, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách công tác tham mưu, tình báo, tác chiến không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà đó là sự lựa chọn của lịch sử, của cách mạng lúc bấy giờ.


Đường Vào Rừng Trần Hưng Đạo.
Đường vào rừng Trần Hưng Đạo.

Đội trưởng Hoàng Sâm ngoài thiên bẩm về quân sự, ông ấy còn có biệt tài thu phục nhân tâm. Nói theo quan điểm hiện nay, Đội trưởng Hoàng Sâm luôn “bốn cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào”. Đặc biệt, khi nghe danh Trần Sơn Hùng, bọn thổ phỉ một dãy biên giới Việt-Trung đều tâm phục, khẩu phục. Và sự lựa chọn của Đảng, Bác Hồ dành cho Đội trưởng Hoàng Sâm hoàn toàn đúng, khi chỉ mới thành lập Đội VNTTGPQ chưa được bao lâu, lực lượng vũ trang Việt Minh liên tiếp hạ gục hai đồn địch Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

“Đồng chí Hoàng Sâm là một con người của lịch sử. Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng qua nhiều thế hệ vẫn không thể nào quên những câu chuyện đời thực cũng như nhiều giai thoại về tướng Hoàng Sâm-Trần Sơn Hùng”-ông Bế Thanh Tịnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng nhận xét-“Gần 5 năm hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, đồng chí Hoàng Sâm thể hiện rõ phẩm chất, năng lực chính trị, quân sự của một vị tướng tài ba. Hoàng Sâm-Trần Sơn Hùng hầu như có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhất vùng núi rừng Cao-Bắc-Lạng, góp phần xây dựng, củng cố căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước vững chắc, lớn mạnh. Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng mãi mãi ghi nhớ, trân trọng và biết ơn công lao đồng chí Hoàng Sâm, đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng Cao Bằng và cách mạng cả nước, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân vô cùng yêu mến, cảm phục và kính trọng”.

 


Rừng Trần Hưng Đạo là một khu rừng nguyên sinh, diện tích gần 202ha. Trong rừng có 4 di tích lịch sử: Địa điểm thành lập Đội VNTTGPQ; lán nghỉ và bếp ăn; nguồn nước phục vụ sinh hoạt; đỉnh Slam Cao, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội VNTTGPQ đặt trạm quan sát. Tại vị trí Nhà bia trung tâm, 4 mặt bia khắc các nội dung: Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ; nội dung buổi lễ thành lập; 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ tuyên thệ (sau này trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam) và danh sách 34 đội viên.

 

Ngô Thanh Long

>>> Bài 3: Ra quân là đánh thắng

https://baoquangbinh.vn/phong-su/202411/canh-chim-phuong-hoang-bai-2-su-lua-chon-lich-su-2222476/