Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tứcCảnh giác hoạt động huy động vốn trá hình

Cảnh giác hoạt động huy động vốn trá hình

(QBĐT) – Đứng danh nghĩa của các công ty, dùng nhiều thủ thuật để khuếch trương, lôi kéo nhiều người tham gia bằng hình thức vay vốn đầu tư với mức lãi suất cao, huy động vốn, mua cổ phần, phát triển mạng lưới và đưa ra những chương trình “siêu ưu đãi”. Khi số người tham gia đông, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư thì các công ty này dừng hoạt động, phá sản khiến người tham gia góp vốn “dở khóc, dở cười” nhận ra là những công ty này hoạt động theo mô hình “vay người trước, trả người sau” và họ là những nạn nhân với “con mồi” lãi suất cao.

Những hoạt động huy động vốn trá hình

Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI được Sở Kế hoạch-Đầu tư TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) ngày 17/5/2018 với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn đầu tư (không bao gồm hoạt động đầu tư chứng khoán), do Nguyễn Quang Hoàng làm Tổng Giám đốc, gồm 1 trụ sở và 1 sở giao dịch cùng 11 chi nhánh tại các tỉnh, thành.

GFDI huy động vốn đầu tư từ người dân với lãi suất cao bằng hình thức “hợp đồng vay tài sản” trong thời gian dài. Để khách hàng tin tưởng và cho công ty vay tiền, Hoàng chỉ đạo đưa ra thông tin gian dối rằng toàn bộ dòng tiền của khách hàng sẽ được GFDI sử dụng đầu tư các dự án có khả năng sinh lời cao và cam kết sẽ hoàn trả tiền gốc, lãi đúng theo hợp đồng đã ký. Ngoài ra, Hoàng cho xuất bản các ấn phẩm quảng cáo, chạy nhiều chương trình marketing để giới thiệu về các dự án đầu tư và đưa ra các hạn mức lãi suất cho vay hấp dẫn, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.


Cơ Quan Điều Tra Công An Tp. Đà Nẵng Khám Xét Gfdi.
Cơ quan điều tra Công an TP. Đà Nẵng khám xét GFDI.

Sau khi nhận được tiền từ khách hàng, Hoàng sử dụng sai mục đích và sử dụng chính vào các chi phí cho hoạt động kêu gọi vay tiền cũng như trả lãi cho các hợp đồng đến hạn. Đến đầu tháng 11/2024, GFDI mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng. Hiện, chưa rõ số tiền hàng nghìn tỷ đồng mà GFDI huy động đã được sử dụng vào việc gì, ngoài việc sử dụng một phần để thanh toán các khoản vay trước đó.

Ngày 18/11/2024, Công an TP. Đà Nẵng tiến hành khởi tố vụ án, bị can đối với Nguyễn Quang Hoàng và đồng loạt khám xét trụ sở, chi nhánh của GFDI. Tại Quảng Bình, Chi nhánh GFDI đặt tại số 77 đường Lý Thường Kiệt (TP. Đồng Hới) và qua nắm tình hình xác định có hàng trăm người tham gia với số tiền hàng chục tỷ đồng. Từ sự việc của GFDI, cho thấy “miếng mồi” lãi suất cao được không ít DN và đối tượng lừa đảo giăng ra, dù không mới nhưng đưa nhiều nạn nhân vào tròng.

Tại Quảng Bình, thời gian gần đây xuất hiện một số DN được thành lập, tổ chức các hội thảo nhằm mời gọi người dân tham gia đầu tư, kinh doanh với cam kết lãi suất cao, sinh lời nhanh. Thông qua mạng lưới nhân viên và các nhóm kín trên mạng xã hội, các DN này tích cực quảng bá hình ảnh, giới thiệu về các dự án tiềm năng, quy mô lớn trên các lĩnh vực kinh doanh bất động sản trên nền tảng số, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), đồng tiền kỹ thuật số hoặc các loại thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe có công dụng vượt trội… Với hứa hẹn khi khách hàng mua sản phẩm sẽ thành đối tác của công ty và có nguồn thu nhập thụ động, tiền tự sinh lời nhanh, đồng thời đưa ra các mức thưởng “hoa hồng” hấp dẫn cho người tham gia hoặc khi giới thiệu người khác mua sản phẩm và tham gia hệ thống.

Mặc dù các sản phẩm, dự án do các DN này quảng cáo còn khá mơ hồ, chưa phổ biến rộng rãi trên thị trường, tuy nhiên, nhiều người bị hấp dẫn bởi mức lãi suất cao, tin tưởng theo lời giới thiệu của DN và những người đã tham gia trước đã bỏ một số tiền không nhỏ để đầu tư. Trong khi đó, bản thân họ cũng chưa hiểu rõ lĩnh vực đang đầu tư là gì và chưa tận mắt thấy hoặc hiểu rõ công dụng, chất lượng sản phẩm, kết quả đạt được sau khi đầu tư như thế nào? Nguy cơ người tham gia thiệt hại về tài sản và rủi ro về sức khỏe rất dễ xảy ra.

Làm gì để nhận diện thủ đoạn lừa đảo

Với hoạt động dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia các hình thức đầu tư có rủi ro cao này, vì sao pháp luật không cấm? Theo đó, hiện nay, pháp luật không cấm việc DN huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân ngoài các tổ chức tín dụng. Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng thành lập DN để lôi kéo người dân tham gia góp vốn bằng nhiều hình thức (tiền, bất động sản, tài sản có giá trị khác). Ban đầu, các đối tượng này sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nhưng sau đó vì nhiều lý do khác nhau các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là tận dụng tối đa internet, mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, dự án quy mô, hoành tráng triển khai, các hoạt động xã hội (tài trợ các chương trình giải trí, điện ảnh, hoạt động thiện nguyện…); mời người nổi tiếng, công chức, quân nhân đã nghỉ hưu tham gia các hội thảo, sự kiện nhằm tạo lòng tin với khách hàng. Sau đó, thông qua các hội, nhóm kín trên không gian mạng và mạng lưới chi nhánh, cộng tác viên khắp các tỉnh, thành để tiếp cận khách hàng; tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi, gói đầu tư với lãi suất cao nhằm đánh vào “lòng tham”, tâm lý muốn sinh lời nhanh của một bộ phận người dân. Đối tượng hướng đến thường là cán bộ hưu trí, người cao tuổi, nội trợ và một bộ phận thanh niên có nhiều thời gian, tiền nhàn rỗi nhưng thiếu thông tin và kiến thức đầu tư kinh doanh.


Cảnh Báo Của Cục Cạnh Tranh Và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng (Vcca) Về Sản Phẩm Bitney Multi Juice Và Lucenta.
Cảnh báo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) về sản phẩm Bitney Multi Juice và Lucenta.

Giai đoạn đầu, khi khách hàng đang ít, DN chi trả vốn góp gốc và lãi cho khách hàng đúng theo cam kết để tạo lòng tin; sau khi phát triển thành mạng lưới khách hàng đông, DN không còn đủ nguồn lực tài chính để thanh toán các khoản lãi và nợ gốc, dẫn đến sụp đổ hệ thống và người tham gia mất vốn đã đầu tư, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.

Theo khuyến cáo cơ quan chức năng, để hạn chế những rủi ro khi tham gia các hình thức góp vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư, các nhà đầu tư mà đặc biệt là người dân cần chú ý những nội dung: Cân nhắc trước khi góp vốn, trang bị kiến thức cơ bản về các hình thức huy động vốn, hợp tác đầu tư, liên kết kinh doanh; cần tìm hiểu kỹ, rõ về tính pháp lý của DN, tổ chức huy động vốn, về dự án đầu tư và tham khảo ý kiến của các chuyên gia; người dân có thể tham khảo danh sách các tổ chức, cá nhân bị Bộ Công thương cảnh báo có dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép tại website https://online.gov.vn.

Đồng thời, cảnh giác trước lời mời gọi góp vốn, cam kết với lãi suất “khủng”, bởi lợi nhuận càng cao thì rủi ro cũng sẽ tương ứng; tìm hiểu các thông tin về mục đích sử dụng của nguồn tiền mà nhà đầu tư đã góp vốn, nguồn chi trả lợi nhuận cho những nhà đầu tư; trường hợp phát hiện thấy những bất thường trong quá trình tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, liên kết kinh doanh thì các nhà đầu tư cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng và thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan để có cơ sở xử lý, giải quyết bảo đảm các quyền lợi của nhà đầu tư sau này. 

Trần Tuấn

https://baoquangbinh.vn/phap-luat/202412/canh-giac-hoat-dong-huy-dong-von-tra-hinh-2223046/