Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tứcCâu lạc bộ nuôi ong của những người lính

Câu lạc bộ nuôi ong của những người lính

(QBĐT) – Sau những năm tháng cống hiến xương máu nơi chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, những cựu chiến binh (CCB) ở xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) trở về quê hương. Bằng việc làm thiết thực, các CCB đã thành lập 2 câu lạc bộ (CLB) nuôi ong lấy mật, giúp nhiều hội viên cũng như người dân trong xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Xã Đồng Hóa được thiên nhiên ban tặng cho những khu rừng tự nhiên. Rừng nơi đây quy hoạch rừng đặc dụng nên được bảo vệ nghiêm ngặt, cây cối xanh tốt, hoa nở bốn mùa. Tận dụng lợi thế này, nhiều người dân trong xã đã thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Theo một số người dân xã Đồng Hóa, trước đây, họ nuôi ong theo phương thức thủ công là bắt các đàn ong từ rừng về nuôi trong nhà. Với cách nuôi này rất khó để nhân đàn, mật khai thác được ít và chất lượng không bảo đảm.

Đầu những năm 2000, các hộ nuôi ong trên địa bàn xã, trong đó có nhiều hội viên CCB được tập huấn các lớp nuôi ong hiện đại bằng cách đóng thùng gỗ có hình hộp chữ nhật, lồng nhốt ong chúa, làm cầu… Từ đó, đàn ong trên địa bàn dần tăng lên, lượng mật khai thác được nhiều, đặc biệt chất lượng cũng tốt hơn trước.


Hội Viên Ccb Xã Đồng Hóa Tham Gia Lớp Tập Huấn Nuôi Ong Lấy Mật.
Hội viên CCB xã Đồng Hóa tham gia lớp tập huấn nuôi ong lấy mật.

Chủ tịch Hội CCB xã Đồng Hóa Trần Việt Hà cho biết: Thấy được hiệu quả, năm 2019, Hội CCB xã khảo sát và nhận thấy nhiều hội viên đam mê nuôi ong nên đã thành lập 2 CLB nuôi ong ở thôn Đại Sơn và thôn Thuận Hoan. Từ khi thành lập đến nay, thành viên các CLB không ngừng tăng lên. Số lượng đàn, sản lượng mật ong khai thác và bán ong giống cũng phát triển, giúp đời sống của thành viên CLB được cải thiện đáng kể”.

Sau khi rời quân ngũ, ông Trần Xuân Bình, ở thôn Đại Sơn trở về quê hương, tham gia công việc từ thôn đến xã. Với bản tính siêng năng, cần cù, năm 2002, ông bắt đầu học nuôi ong. Ông Bình chia sẻ: “Ngày đầu tập nuôi mới chỉ 4-7 đàn, tôi thường bị ong đốt, đàn ong cũng thường bị sâu bệnh, các loại côn trùng đến phá. Có thời điểm ong tách đàn nhưng không phát hiện nên chúng bay đi. Với quyết tâm “việc khó không nản”, tôi tự đi tìm hiểu thực tiễn, rồi học cách nuôi ong trên sách, báo và rút ra cho mình nhiều bài học, kiến thức bổ ích. Từ đó, tôi áp dụng trong mô hình nuôi ong của gia đình. Đến nay, đàn ong đã phát triển lên hàng chục đàn…”.

Hiện, gia đình ông Bình có 50 đàn ong, bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 500kg mật, cho thu nhập trên 70 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn cung cấp ong giống tầm 30 đàn/năm và hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật nuôi ong cho hàng trăm hộ dân trong huyện Tuyên Hóa, nâng mức thu nhập của gia đình trên 100 triệu đồng/năm. 

Với kinh nghiệm và hiểu biết về nghề nuôi ong, ông Trần Xuân Bình được tín nhiệm làm Chủ nhiệm CLB nuôi ong thôn Đại Sơn. CLB hiện thu hút được 42 thành viên là những người đam mê, tâm huyết với nghề nuôi ong, trong đó có 20 CCB. Tổng đàn ong của CLB phát triển hơn 500 đàn, lượng mật thu được từ 4.000-5.000kg/năm.

Cứ 2 tháng, CLB nuôi ong thôn Đại Sơn tổ chức sinh hoạt một lần với nội dung, như: Trao đổi kinh nghiệm nuôi ong; cách phòng, chống dịch bệnh, nhân đàn; phương pháp quay mật hiệu quả; vấn đề tiêu thụ sản phẩm…


Sản Phẩm “Mật Ong Rừng Voọc” Của Xã Đồng Hóa.
Sản phẩm “Mật ong rừng Voọc” của xã Đồng Hóa.

Anh Nguyễn Thế Anh, một thành viên CLB nuôi ong thôn Đại Sơn cho hay: “Việc nuôi ong tự phát của tôi trước đây gặp  nhiều khó khăn, nhất là nhân đàn, tiêu thụ sản phẩm. Từ khi tham gia CLB nuôi ong của CCB, tôi được tập huấn kỹ thuật, kỹ năng và hỗ trợ, giúp đỡ về con giống, vật tư… nên đàn ong phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập”. Gia đình anh đang có 70 đàn ong, mỗi năm thu về gần 700kg mật, doanh thu trên 100 triệu đồng. Nhờ nuôi ong, gia đình đã xây nhà ở khang trang…

Tại thôn Thuận Hoan, CLB nuôi ong lấy mật của CCB cũng thu hút 25 thành viên với hàng trăm đàn ong. Theo Chủ nhiệm CLB nuôi ong lấy mật CCB Thuận Hoan Nguyễn Văn Ninh: “Thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi”, chúng tôi thành lập CLB nuôi ong và hoạt động ngày càng hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của các thành viên được nâng cao, số hộ nghèo trong CLB và cả thôn giảm đáng kể…”.

Có thể khẳng định, việc thành lập và phát triển các CLB nuôi ong trên địa bàn xã Đồng Hóa là hướng đi phù hợp. Các CLB đã nâng tổng số đàn ong toàn xã, góp phần giảm hộ nghèo trong hội viên CCB xuống còn 3/184 hộ; đồng thời, mô hình còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng dân cư.

“Thời gian tới, hội sẽ tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, đặc biệt là cán bộ, hội viên CCB tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, phát triển đàn ong của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ; phối hợp với các ngành chức năng nhằm hoàn thiện các văn bản pháp lý để công nhận sản phẩm mật ong của địa phương trở thành sản phẩm OCOP”, Chủ tịch Hội CCB xã Đồng Hóa Trần Việt Hà nhấn mạnh.


Mới đây, dự án “Con người, linh trưởng, thực vật: Đồng quản lý đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế tại Việt Nam” đã hỗ trợ cho xã Đồng Hóa xây dựng nhãn hiệu “Mật ong rừng Voọc”. Sản phẩm do Quỹ sáng kiến Darwin của Vương Quốc Anh tài trợ với nỗ lực giải quyết các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế địa phương. Sự hỗ trợ này sẽ là điều kiện quan trọng để “Mật ong rừng Voọc” xã Đồng Hóa trở thành sản phẩm OCOP cũng như vươn xa hơn.

Xuân Vương

https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202412/cau-lac-bo-nuoi-ong-cua-nhung-nguoi-linh-2223095/