Theo quy định, tàu cá muốn xuất bến phải đáp ứng các yêu cầu về chức danh thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên… Tuy nhiên, hiện nay tại Quảng Bình có nhiều tàu cá có chiều dài 6-12m của ngư dân chưa đáp ứng yêu cầu này.
Trên thực tế, hầu hết ngư dân đánh bắt trên biển chỉ làm ăn bằng kinh nghiệm là chính; trong đó, nhiều người chưa được đào tạo các kiến thức cơ bản về thuyền trưởng, máy trưởng, cập nhật các quy định của pháp luật liên quan đến biển, hàng hải.
Đây cũng là nguyên nhân, điểm hạn chế trong phát triển nghề khai thác thủy sản ở Quảng Bình.
Việc đào tạo các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng sẽ giúp ngư dân được phổ cập các kiến thức, kinh nghiệm đánh bắt cũng như trang bị những kiến thức để tránh rủi ro trên biển, từ đó giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Cùng với hoạt động đăng kiểm tàu cá, thời gian qua, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Chi cục thủy sản) đã tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo các kỹ năng vận hành tàu cá có công suất lớn, các trang thiết bị hiện đại và tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong đánh bắt thủy sản.
Theo đó, từ tháng 7/2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 12 lớp đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền viên tàu cá các hạng I, II, III tại các địa bàn xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới); Nhân Trạch (Bố Trạch); Cảnh Dương (Quảng Trạch) và Quảng Phúc, Quảng Lộc (TX. Ba Đồn) cho gần 600 thuyền viên có nhu cầu, thời gian tham gia từ 5-10 ngày/lớp tùy theo hạng.
Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Phan Thanh Long cho biết, thông qua các lớp tập huấn, học viên được nâng cao kỹ năng, kỹ thuật khai thác thủy sản, các cách thức vận hành tàu cá nhằm làm chủ trang thiết bị hiện đại trên tàu, như: máy giám sát hành trình, máy dò cá, máy thu lưới…
Nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình khai thác, vận hành, bảo quản sản phẩm; đồng thời giúp ngư dân có đầy đủ chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng để ra khơi theo quy định.
Bên cạnh đó, tại các khóa học, các học viên còn được phổ biến về các quy định cơ bản của pháp luật về phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU”, ông Long nhấn mạnh.
Do đó, Chi cục Thủy sản tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương nhằm khảo sát nhu cầu, từ đó có kế hoạch phối hợp với các Trường có chức năng để mở các lớp đào tạo cho ngư dân.
Đồng thời, Chi cục cũng sẽ kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nhằm đưa ra những chính sách hỗ trợ để mở các lớp đào tạo nghề cho ngư dân.
Trong điều kiện đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn, việc đào tạo nghề cho ngư dân để giúp họ có thêm kiến thức khi hoạt động trên biển là hết sức cần thiết để họ tự tin vươn khơi, bám biển.
https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/quang-binh-dao-tao-cap-chung-chi-thuyen-truong-may-truong-20241222173859003.htm