Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tứcĐất… “hai huyện”(?!) – Báo Quảng Bình điện tử

Đất… “hai huyện”(?!) – Báo Quảng Bình điện tử

(QBĐT) – Gần 30 năm sinh sống, sản xuất ổn định trên thửa đất đấu trúng thầu, thế nhưng đến nay, ông Đoàn Ngọc Lĩnh (SN 1955) ở thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Năm 1996, ông Đoàn Ngọc Lĩnh đấu trúng thầu và được UBND xã Quảng Tiên giao 42,43ha đất ở khu vực Nương Dầu để khai hoang sản xuất với giá 4,5 triệu đồng. Thời hạn sử dụng 50 năm. Theo biên bản hợp đồng giao đất ngày 24/4/1996, ông Lĩnh được phép xây dựng nhà ở để bảo quản tài sản và cây lâu năm trên đất. Từ năm thứ 4 trở đi, ông Lĩnh có trách nhiệm nộp lệ phí vào ngân sách xã.

Ông Lĩnh kể, sau gần chục năm đi bộ đội, năm 1982, ông rời quân ngũ, về phục viên. Nghèo đói thì “đầu gối phải bò”, năm 1996, thấy khu vực rừng Nương Dầu chưa được ai khai hoang, trong khi nhiều gia đình cần đất để sản xuất, ông đứng ra nộp đơn xin đấu thầu và được UBND xã Quảng Tiên giao đất. Ngày nhận đất, không có tiền thuê người làm, một tay ông cày cuốc, cải tạo, khai hoang, phục hóa hơn 4ha đất rừng. Thôi thì có làm ắt sẽ có ăn, sức đến đâu làm đến đó. Mỗi năm làm một ít. Khi dăm gốc tiêu, khi vài gốc mít, cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi bò, dê. Rồi vườn cây, con vật trong vườn cũng cho thu tiền, nhưng cũng chỉ đủ để nuôi 4 người con ăn học.


Gia Đình Ông Đoàn Ngọc Lĩnh Mong Chờ Cấp Có Thẩm Quyền Cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất Kịp Thời.Gia Đình Ông Đoàn Ngọc Lĩnh Mong Chờ Cấp Có Thẩm Quyền Cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất Kịp Thời.
Gia đình ông Đoàn Ngọc Lĩnh mong chờ cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kịp thời.

Thực tế tại thời điểm đấu đất, ông là người đứng ra đấu đất và nhận đất. Còn sau khi đấu trúng có đến 9 hộ khác cùng đến khai hoang và sản xuất ở khu vực Nương Dầu. Trong tổng số tiền 4,5 triệu đồng nộp đấu giá, ông Lĩnh đóng góp 2 triệu đồng, 9 hộ còn lại mỗi hộ đóng góp hơn 250 nghìn đồng. Tuy nhiên, do việc khai hoang, cải tạo chủ yếu thủ công, nên hầu hết các hộ không sản xuất hết diện tích. Riêng gia đình ông khai hoang, cải tạo, quản lý và sử dụng ổn định trên diện tích 4,5ha. 

Năm 2008, Nhà máy xi măng Văn Hóa triển khai xây dựng trên địa bàn xã Văn Hóa (Tuyên Hóa). Theo kế hoạch, diện tích đất khu vực Nương Dầu của ông cũng thuộc diện đền bù giải tỏa, nhưng vì chưa có bản đồ địa chính chi tiết, nên ông vẫn sử dụng từ đó cho đến nay. Đây cũng là khu vực chưa xác định ranh giới và đang có tranh chấp giữa TX. Ba Đồn và huyện Tuyên Hóa. Năm 2012, cấp có thẩm quyền quyết định, khu vực Nương Dầu thuộc sự quản lý của xã Văn Hóa. Điều đó có nghĩa, ông là người xâm canh, xâm cư trên đất của huyện Tuyên Hóa. Lúc này, ông mới “giật mình”, vì sự tréo ngoe này. Ông Lĩnh cho hay: “Đất chúng tôi đấu trúng và được chính quyền địa phương giao và có hợp đồng giao đất hợp pháp. Vấn đề ranh giới giữa 2 xã không rõ ràng, người dân chúng tôi không biết và không sai”.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, từ năm 2016, ông đến xã Văn Hóa để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Nhưng vì thời điểm đó, khu vực đất này chưa đo đạc và chưa có bản đồ địa chính nên việc cấp GCNQSDĐ chưa thể thực hiện được. Không chờ đợi chính quyền địa phương, năm 2020, ông thuê đơn vị đo đạc địa chính về để đo đất. Có bản đồ trích đo, năm 2022, gia đình ông Lĩnh tiếp tục đến UBND xã Văn Hóa yêu cầu được cấp GCNQSDĐ. Lần này, một “sự cố” ngoài ý muốn xảy ra.


Gia Đình Ông Đoàn Ngọc Lĩnh Sinh Sống Và Sản Xuất Ổn Định Trên Thửa Đất Gần 30 Năm Nay.Gia Đình Ông Đoàn Ngọc Lĩnh Sinh Sống Và Sản Xuất Ổn Định Trên Thửa Đất Gần 30 Năm Nay.
Gia đình ông Đoàn Ngọc Lĩnh sinh sống và sản xuất ổn định trên thửa đất gần 30 năm nay.

Theo ông Đoàn Ngọc Lĩnh, nguyên nhân là do, thời điểm năm 1996, khi thấy ông Đoàn Ngọc Lĩnh đấu thầu được đất ở Nương Dầu, một người bà con họ hàng (chúng tôi không tiện nêu tên) đến xin ông chia một ít đất và nộp số tiền để cùng khai hoang. Ông đã bàn bạc với những người còn lại đồng ý cắt một phần đất (khoảng hơn 15.000m2), nhưng làm được 2 năm, người này “bỏ của chạy lấy người”. Khi thấy ông làm thủ tục để được cấp GCNQSDĐ, người này có đơn kiến nghị. Vì vậy, việc cấp GCNQSDĐ của ông Lĩnh bị dừng lại. Tháng 3/2024, UBND xã Văn Hóa tổ chức hòa giải giữa 2 gia đình, nhưng vì người khiếu kiện không có bằng chứng và văn bản giấy tờ chứng minh, nên cuộc hòa giải tạm dừng. Từ đó đến nay, xã Văn Hóa vẫn chưa giải quyết dứt điểm sự việc, dẫn đến việc cấp GCNQSDĐ của ông cũng bị “treo” từ đó cho đến nay.  

Làm việc với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa Trần Đức Hiến cho hay, do trước đây, việc phân định ranh giới tự nhiên giữa xã Văn Hóa và xã Quảng Tiên chưa rõ ràng, nên có nhiều người dân xã Quảng Tiên đến xâm canh, xâm cư trên đất của xã Văn Hóa. Hiện, ở khu vực Nương Dầu có 8 hộ dân hiện đang sinh sống, sản xuất ổn định. Căn cứ các quy định hiện hành, những hộ này đều đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ. Vừa qua, chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền đã cấp GCNQSDĐ cho 2 hộ.


Biên Bản Hợp Đồng Giao Đất Nương Dầu Giữa Ubnd Xã Quảng Tiên Và Ông Đoàn Ngọc Lĩnh, Năm 1996.Biên Bản Hợp Đồng Giao Đất Nương Dầu Giữa Ubnd Xã Quảng Tiên Và Ông Đoàn Ngọc Lĩnh, Năm 1996.
Biên bản hợp đồng giao đất Nương Dầu giữa UBND xã Quảng Tiên và ông Đoàn Ngọc Lĩnh, năm 1996.

Liên quan đến trường hợp ông Đoàn Ngọc Lĩnh, quá trình thực hiện các thủ tục, UBND xã Văn Hóa nhận được kiến nghị của một hộ liền kề. UBND xã đã nhiều lần tổ chức làm việc với 2 bên. Tuy nhiên, tại các cuộc hòa giải, phía người có kiến nghị không chịu hợp tác, chỉ nêu ý kiến chung chung. Mặc dù, người này không có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng thửa đất, song tại bản đồ địa chính khu vực Nương Dầu có thể hiện người này có thửa đất bên cạnh đất của ông Đoàn Ngọc Lĩnh. Quá trình lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Lĩnh, người này không hợp tác và không ký xác nhận hộ tứ cận. Vì vậy, hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Lĩnh chưa thể thực hiện được. UBND xã cũng đã làm việc với trường hợp này, yêu cầu nêu rõ nội dung kiến nghị để giải quyết nhưng họ không hợp tác.

Để giải quyết sự việc, vừa qua, UBND xã Quảng Tiên và xã Văn Hóa đã có buổi làm việc và thống nhất, sau Tết Nguyên đán 2025 sẽ phối hợp lập hồ sơ, lấy ý kiến khu dân cư, niêm yết công khai để đề nghị cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cho ông Lĩnh. “Quan điểm của chúng tôi, vướng đâu xử lý đó. Không vì một cá nhân mà làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”, ông Trần Đức Hiến nhấn mạnh.

Liên quan đến sự việc này, vừa qua, UBND TX. Ba Đồn đã có văn bản kiến nghị với UBND huyện Tuyên Hóa chỉ đạo UBND xã Văn Hóa và Phòng Tài nguyên-Môi trường quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đoàn Ngọc Lĩnh.

Dương Công Hợp

https://www.vietnam.vn/quangbinh/dat-hai-huyen-bao-quang-binh-dien-tu/