Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeTin tức"Đầu tư" niềm tin - Báo Quảng Bình điện tử

“Đầu tư” niềm tin – Báo Quảng Bình điện tử

(QBĐT) – Gần kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm đó, hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi bị đơn có đề nghị dừng phiên tòa để tạo điều kiện cho bị đơn tiếp tục thu thập chứng cứ chứng minh không vay mượn tiền của nguyên đơn. Thế nhưng, sau một hồi quanh co, bị đơn buông xuôi bảo, không yêu cầu…

Trước câu hỏi của HĐXX về việc vì sao có các khoản tiền giao dịch từ tài khoản của anh Phát, nguyên đơn sang tài khoản của bị đơn, anh Tín cho biết:  

– Trong vụ việc này, tôi không chủ động mà do anh Phát chủ động nhờ tôi lập tài khoản mua đồng USDT (tiền USD điện tử-một loại tiền ảo) trên trang điện tử để đầu tư, kiếm lời. Số tiền anh Phát chuyển cho tôi là để mua đồng USDT từ tài khoản của tôi.

– Anh đã trao đổi những gì để anh Phát chuyển tiền? – HĐXX hỏi.

– Khoảng cuối năm 2020, thấy công việc làm ăn của tôi khá tốt và có lợi nhuận cao nên anh Phát bắt đầu tìm hiểu và tham khảo những người đã đầu tư trước đó. Anh Phát cũng nhiều lần gọi để hỏi về kênh đầu tư Vast (một kênh đầu tư tài chính trên không gian mạng). Vì là anh em bà con, tôi cũng thật lòng chia sẻ cả số lợi nhuận được hưởng và những rủi ro gặp phải. Nếu anh Phát đầu tư và thua lỗ, tôi cũng không đủ khả năng để cam kết bảo lãnh. Một thời gian sau, anh Phát gọi điện nhờ tôi hướng dẫn cách đầu tư vào công ty Vast, bị đơn trả lời rành mạch.

– Việc chuyển tiền giữa nguyên đơn và bị đơn để đầu tư diễn ra như thế nào? HĐXX tiếp tục hỏi. Anh Tín cho hay, đầu năm 2020, anh tham gia đầu tư vào công ty Vast nên biết cách lập tài khoản để đầu tư và đồng ý hướng dẫn và hỗ trợ anh Phát. Lần đầu, anh Phát gọi điện và nhờ mua 4.000 USDT để đầu tư vào công ty Vast. Anh Phát đã được hưởng chu kỳ lợi nhuận đầu tiên theo quy định của công ty.


Images802194 Mh T7 Qbcn 29 12 2024Minh họa: Minh Quý

Sau khi thấy công ty làm ăn tốt, anh Phát trực tiếp đến hỏi anh Tín về chính sách của công ty. Anh Tín đã khuyên anh Phát tính toán cân đối kinh tế để đầu tư. Thế nhưng, anh Phát vẫn tiếp tục nhờ anh Tín lập tài khoản và chuyển số tiền 1,2 tỷ đồng để mua 50.000 USDT. Sau chu kỳ lợi nhuận 14 ngày, anh Phát đã rút lợi nhuận về. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, công ty Vast giao dịch gặp rủi ro và công ty phá sản, mất khả năng chi trả cho nhà đầu tư. Sự việc khiến không chỉ anh Phát bị mất tiền mà còn rất nhiều nhà đầu tư khác.

Đứng trước HĐXX, Tín khăng khăng bảo rằng, số tiền mà nguyên đơn chuyển cho mình chỉ là giao dịch hỗ trợ mua bán USDT để đầu tư vào công ty Vast, chứ anh không vay mượn. Những vấn đề nguyên đơn nêu trong đơn kiện là hoàn toàn sai sự thật. Bởi, quá trình đầu tư xảy ra rủi ro là điều không ai mong muốn. Và việc nguyên đơn đầu tư tiền để được hưởng lợi nhuận cao là hoàn toàn tự nguyện.

Điều đáng nói, quá trình giao dịch, chuyển tiền giữa 2 bên không hề có bất cứ một giấy tờ liên quan. Vì vậy, quá trình tranh tụng tại phiên tòa, khi HĐXX nhiều lần hỏi bị đơn về các giấy tờ chứng minh việc nguyên đơn chuyển tiền nhờ mua USDT để đầu tư, phía bị đơn đều nói rằng: “Nếu nguyên đơn có giấy tờ để chứng minh việc vay mượn tiền thì bị đơn sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Ngược lại, HĐXX truy vấn: “Vậy, bị đơn có giấy tờ liên quan đến việc nguyên đơn chuyển tiền nhờ mua USDT để đầu tư và số USDT đó đã được chuyển về “ví tài khoản” của nguyên đơn không? Lần này, bị đơn im lặng một lúc rồi trả lời: “Tháng 3/2021, công ty bị phá sản và trang web điện tử cũng bị đóng, vì vậy, mọi tài khoản, giao dịch đều không lấy lại được. Trong “ví điện tử”, tài khoản của tôi lúc đó cũng lên đến vài trăm tỷ, làm sao nhớ hết. Tôi chỉ là người mua đi bán lại thôi. Đó là chợ đầu tư, mua bán toàn cầu mà. Hơn nữa, mọi giao dịch giữa 2 bên lúc đó đều thực hiện qua zalo Điện thoại cũng bị xóa”.

Phản ứng lại, phía nguyên đơn bức xúc cho rằng, anh và vợ Tín là anh em con chú bác ruột. Cuối năm 2020, Tín đến nhà anh nói mình đang đứng đầu công ty chuyên về đầu tư chứng khoán, ngoại hối, thu nhập cao và muốn mượn tiền để đầu tư. Số tiền sinh lời hàng tháng, Tín sẽ chuyển cho anh nhiều hơn tiền lãi gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Đúng thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, làm ăn khó khăn và tin tưởng mối quan hệ anh em nên anh Phát đã vay ngân hàng 400 triệu đồng để chuyển cho Tín mượn.

Đầu 2021, anh chuyển tiếp cho Tín số tiền 1,2 tỷ đồng. Lần này, Tín hứa hẹn, sau thời gian 2 tháng sẽ hoàn trả. Thế nhưng, từ đó đến nay, những lời hứa đó vẫn chỉ là những lời hứa. Và cũng vì tin tưởng mối quan hệ anh em, anh Phát không viết giấy vay mượn, chính vì điều này mà tình cảm anh em từ đó đến nay không còn.

Căn cứ tài liệu hồ sơ và phiên tranh tụng, HĐXX tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 1,4 tỷ đồng, trong đó có trừ 200 triệu đồng nguyên đơn đã mượn trước đó. Kết thúc phiên tòa ngày hôm ấy, 3 vị thẩm phán trong HĐXX bảo rằng, nếu làm ăn chân chính, làm gì có công việc và khoản đầu tư nào mang lại món lợi nhuận “trên trời” như thế. Muốn thu nhập cao, lợi nhuận lớn, mà không mất công sức thì chỉ có đầu tư “niềm tin” và trước sau gì cũng tự… rước họa vào thân!.

Lê Thy

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202412/dau-tu-niem-tin-2223347/