(QBĐT) – Quảng Bình đã và đang trở thành điểm đến đa dạng, đặc sắc với những sản phẩm Du lịch hấp dẫn, thu hút du khách. Một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, đang từng bước tạo nên thương hiệu riêng biệt cho ngành Du lịch tỉnh đó là du lịch gắn với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi.
Nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn
Quảng Bình là một trong những địa phương giàu tài nguyên du lịch hàng đầu Việt Nam, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa vật thể và phi vật thể ở khu vực Bắc Trung bộ. Vùng ĐBDTTS, biên giới và miền núi có diện tích khoảng 3.845km2 (chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh) với dân số hơn 45 nghìn người (chiếm khoảng 4,98% dân số toàn tỉnh. ĐBDTTS Quảng Bình sinh sống tập trung theo cộng đồng ở một số xã trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, gắn liền với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ.
Cộng đồng DTTS ở Quảng Bình có những giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện qua các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, ẩm thực… Nét đặc sắc về văn hóa, sự nổi bật của các di tích lịch sử cách mạng, sự kỳ vĩ của thiên nhiên là lợi thế để Quảng Bình phát triển các loại hình du lịch tại vùng ĐBDTTS, như: Du lịch văn hóa tộc người, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…
Giám đốc Công ty TNHH Netin Trần Xuân Cương cho biết, đơn vị đang khai thác 2 sản phẩm du lịch, gồm: Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều trên địa bàn 2 xã Trường Xuân (Quảng Ninh) và Ngân Thủy (Lệ Thủy); khám phá suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn ở xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
Tại đây, du khách được thưởng thức ẩm thực, lắng nghe lời ca, điệu múa, tiếng đàn riêng có của người Bru-Vân Kiều, đồng thời khám phá, chinh phục cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Nhờ đó, công ty đã tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Bà Hồ Thị Mom, xã Ngân Thủy chia sẻ: “Tính-tùng là một trong những nhạc cụ quen thuộc, độc đáo của người Bru-Vân Kiều. Tôi biết chơi loại nhạc cụ này lâu lắm rồi. Thông qua sự kết nối của Công ty TNHH Netin, tôi đã có cơ hội giới thiệu nhạc cụ này đến với du khách thập phương, rất vui!”.
Ngoài việc giới thiệu truyền thống văn hóa, ẩm thực, người dân nơi đây còn tham gia nấu ăn, khuân vác hỗ trợ du khách. Công ty TNHH Netin cùng với các dự án hỗ trợ tư vấn, đào tạo giúp bà con xây dựng homestay, phát triển du lịch.
“Thời gian tới, công ty tiếp tục làm việc với người dân để đào tạo nguồn nhân lực cho các tour du lịch đơn vị đang khai thác; mở rộng và phát triển các homestay dựa trên nhà có sẵn của bà con để phục vụ du lịch tại 2 xã Kim Thủy, Ngân Thủy. Công ty cùng bà con nghiên cứu trồng dược liệu và nuôi ong để bán, thúc đẩy sự tham gia của ĐBDTTS vào quá trình phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Trần Xuân Cương cho hay.
Phát triển du lịch gắn với đời sống ĐBDTTS, ông Phan Văn Thìn, Giám đốc điều hành tour Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) cho biết, hiện đơn vị có 2 tour: Khám phá hang Én 2 ngày 1 đêm và thám hiểm Sơn Đoòng 6 ngày 5 đêm, có hoạt động dừng chân ăn trưa và tham quan bản Đoòng-ngôi làng của người Bru-Vân Kiều ở xã Tân Trạch (Bố Trạch).
Bên cạnh đó, Oxalis cũng có thêm sản phẩm hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại. Du khách được trải nghiệm tham quan bản làng, tìm hiểu đời sống người Ma Coong, một tộc người thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều phía Tây Quảng Bình; lưu lại dùng cơm trưa tại bản Tuộc, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).
“Các sản phẩm du lịch gắn với đời sống ĐBDTTS được công ty khai thác đang hoạt động hiệu quả và được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Sự đặc biệt của Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, với vẻ đẹp hùng vĩ thiên nhiên ưu ái ban tặng cùng nét văn hóa, đời sống mộc mạc, tình cảm của người Bru-Vân Kiều… là những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn dành cho du khách. Do đó, tour này thường phải đặt chỗ trước từ vài tháng đến một năm”, ông Phan Văn Thìn chia sẻ.
Phát huy hiệu quả lợi thế sẵn có
Hiện, Quảng Bình có hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, trong đó có nhiều sản phẩm gắn với khu vực ĐBDTTS và miền núi. Bên cạnh đó, các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của ĐBDTTS trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý, xét về tổng thể, du lịch Quảng Bình hiện nay chưa khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa vùng ĐBDTTS và miền núi. Các sản phẩm du lịch tại khu vực này bước đầu mới có sự tham gia của bà con DTTS trong một số hoạt động, như: Phục vụ đoàn khách, cung cấp thực phẩm, giao lưu văn hóa văn nghệ… Các sản phẩm du lịch đặc trưng của ĐBDTTS chưa có; chưa tạo ra được chuỗi liên kết sản phẩm tại nhiều điểm đến để mở rộng phân khúc thị trường khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất phụ trợ…
Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025 đã chỉ rõ: Việc đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch không chỉ tập trung vào những lợi thế sẵn có (hang động, biển, văn hóa-lịch sử), mà cần “nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành những điểm du lịch văn hóa tộc người”.
|
Để phát huy thế mạnh, đưa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ĐBDTTS vào hoạt động du lịch cần có một quá trình, đòi hỏi nhiều công sức và nguồn lực. Ông Nguyễn Ngọc Quý cho rằng, trước hết, cần tập trung vào một số giải pháp, như: Kiểm kê, đánh giá tài nguyên du lịch văn hóa của ĐBDTTS. Sau khi xác định được sản phẩm có khả năng xây dựng thành sản phẩm du lịch, cần phải thiết lập chương trình dài hạn để quản lý một cách toàn diện quá trình khai thác cho hoạt động du lịch.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng là yếu tố quan trọng để khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ĐBDTTS vào hoạt động du lịch. Các sản phẩm du lịch văn hóa của ĐBDTTS khi khai thác cần tổ chức liên kết với các khu, điểm, sản phẩm du lịch khác trở thành chương trình du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh sản phẩm cần đẩy mạnh. Bên cạnh đó, mục đích chính của việc khai thác các giá trị văn hóa tốt đẹp của ĐBDTTS cho hoạt động du lịch là phát huy và bảo tồn. Để khai thác một cách bền vững, đòi hỏi có các hoạt động duy trì và bảo tồn nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa nội tại…
Lê Mai
https%3A%2F%2Fwww.baoquangbinh.vn%2Fdu-lich%2F202412%2Fde-du-lich-gan-voi-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2223396%2F