(QBĐT) – Triển khai dự án 8 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần mang lại những đổi thay tích cực cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS-MN). Các mô hình, hoạt động được người dân đón nhận, ủng hộ, bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em nơi đây, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Để những đổi thay chất lượng và bền vững, vẫn còn đó một hành trình dài nỗ lực.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Như Ngọc cho biết, dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS-MN, giai đoạn 2021-2025 triển khai tại 19 thôn, bản thuộc xã Trường Sơn và 4 bản thuộc xã Trường Xuân. Với sự tích cực, linh hoạt, sáng tạo của các cấp hội, 19 tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) được thành lập, trong đó, riêng Hội LHPN xã Trường Sơn thành lập 8 tổ và Hội LHPN xã Trường Xuân thành lập 3 tổ.
Bên cạnh đó, các lớp tập huấn, truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân cận huyết thống, các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em DTTS…, nhất là các hội thi, được tổ chức hiệu quả. Hội LHPN huyện nỗ lực xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. 4 mô hình địa chỉ tin cậy và 2 câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự đổi thay” được triển khai và phát huy hiệu quả.
Các địa phương triển khai dự án 8 trên địa bàn tỉnh cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Các cấp hội khẩn trương khảo sát, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương và thành lập tổ TTCĐ với sự tham gia của các thành viên là những người có uy tín, năng lực truyền thông ở thôn/bản, mỗi tổ đều có sự tham gia của cả nam và nữ. Kết quả đến nay thành lập được 68 tổ.
Sau khi thành lập, Trung ương hội, tỉnh hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong quá trình thực hiện cho cán bộ từ tỉnh, huyện, xã phụ trách dự án. Nhờ đó, các tổ đi vào vận hành, thành viên của các tổ truyền thông phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.
Hội LHPN tỉnh đã tiến hành rà soát các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ để tập trung nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS theo 6 nội dung hướng dẫn. Theo đó, các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật được triển khai chất lượng. Các mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản vẫn duy trì, thu hút sự tham gia của chị em. Đến nay, toàn tỉnh củng cố, thành lập mới 18 địa chỉ tin cậy và hỗ trợ trang thiết bị cho mô hình. Hoạt động của các địa chỉ chủ yếu tập trung tuyên truyền các vấn đề về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc…
Điểm nổi bật của dự án 8 là việc đẩy mạnh các hoạt động đối thoại chính sách cấp xã với 24 cuộc đã được triển khai và bám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến tâm tư, đời sống của chị em phụ nữ, trẻ em.
Thời gian tới, để các kết quả thực sự bền vững, cần có hệ thống, tiêu chí đánh giá tác động hiệu quả của dự án 8 bảo đảm tính khách quan, khoa học và chính sách khen thưởng, các cơ quan đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới…
M.N
https%3A%2F%2Fbaoquangbinh.vn%2Fxa-hoi%2F202412%2Fde-nhung-doi-thay-chat-luong-ben-vung-2223151%2F