(QBĐT) – Thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp (GDHN), xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Tăng cường giáo dục hướng nghiệp
Theo chương trình GDPT mới, GDHN được lồng ghép ở các môn học và hoạt động giáo dục. Ở bậc tiểu học, GDHN được tích hợp vào một số môn học, như: Tự nhiên-Xã hội, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh (HS) nhận biết công việc của cha, mẹ, người thân, các nghề cơ bản, nghề truyền thống của địa phương. Đối với cấp THCS, THPT, GDHN được triển khai bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, tư vấn nghề nghiệp, cung cấp thông tin về thị trường lao động, nhu cầu việc làm, các kỹ năng cần thiết cho từng nghề, giúp HS hiểu rõ về các ngành, nghề trong xã hội.
Mỗi giờ dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp (HĐTNHN) của cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường THCS Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) luôn thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của HS. Bằng nhiều hình thức, như: Cho HS diễn tả các hành động, cử chỉ về nghề yêu thích bằng ngôn ngữ hình thể; vẽ sơ đồ tư duy để nói lên ý tưởng nghề nghiệp trong tương lai; thảo luận nhóm; thuyết trình… HS được trang bị nhiều kiến thức quan trọng liên quan đến các ngành, nghề, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho từng nghề và những yêu cầu cần có của người lao động đối với từng nghề, nhóm nghề.
Trao đổi với chúng tôi về công tác GDHN, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thuận Nguyễn Xuân Hải cho biết: Để triển khai tốt GDHN, phân luồng HS sau THCS, nhà trường luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho HS, phụ huynh HS về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với điều kiện bản thân và nhu cầu của xã hội.
Nhà trường còn chú trọng việc nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn HĐTNHN, cử giáo viên có năng lực đứng lớp và tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa về chủ đề hướng nghiệp cho HS; đồng thời rà soát, đánh giá chất lượng học tập của HS để có cơ sở phục vụ cho hoạt động tư vấn nghề nghiệp, định hướng phân luồng phù hợp. Năm học 2023-2024, trường có 101 HS tốt nghiệp THCS, thực hiện phân luồng được 32 HS, đạt tỷ lệ 22,77%.
Với mục đích mang đến cho HS những bài học bổ ích, sát với thực tiễn, cô giáo Nguyễn Thị Lê Khanh, Trường THPT Quang Trung (Quảng Trạch) luôn cập nhật các thông tin mới về ngành, nghề để xây dựng bài giảng phong phú tạo hứng thú cho HS khi tham gia HĐTNHN. Từ đó, không chỉ giúp HS hiểu rõ hơn về các lĩnh vực nghề nghiệp, những yếu tố cần thiết khi lựa chọn nghề mà còn trang bị cho HS các kỹ năng mềm để phù hợp với nghề được lựa chọn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Quang Trung cho hay: Năm học 2024-2025, Trường THPT Quang Trung có 1.932 HS, trong đó có 598 HS lớp 12. Ngoài chú trọng lồng ghép vào các môn học và triển khai tốt HĐTNHN, rà soát đánh giá chất lượng học tập của HS, nhất là HS lớp 12 để có kế hoạch ôn tập phù hợp và định hướng phân luồng, nhà trường còn phối hợp với các trường cao đẳng, đại học trong toàn quốc, các trung tâm dịch vụ việc làm… tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp, giúp HS có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp để có sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp. Năm học 2023-2024, nhà trường có 40% HS sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục học lên các trường đại học, cao đẳng, số còn lại tham gia xuất khẩu lao động, theo học tại các cơ sở đào tạo nghề và lao động tự do…
Một trong những hoạt động được các trường tập trung triển khai là liên kết với những trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức hoạt động ngoại khóa, như: “Ngày Hội tư vấn định hướng nghề nghiệp”, “Ngày hội việc làm”… Qua đó, chia sẻ những thông tin hữu ích về ngành học, cơ hội nghề nghiệp, phương án tuyển sinh… giúp HS có những định hướng về ngành học để lựa chọn phù hợp.
Hiểu bản thân để chọn đúng nghề
Với nhiều hình thức GDHN khác nhau, HS được trang bị kiến thức để lựa chọn nghề nghiệp hợp với năng lực, sở trường, như: Lồng ghép qua các môn văn hóa; tổ chức cho HS tham quan thực tế tại đơn vị sử dụng lao động; dự án học tập, hoạt động trải nghiệm…
Em Trần Hà Phương, HS lớp 9A, Trường THCS Quảng Thuận chia sẻ: Từ những giờ học hướng nghiệp đã giúp em hiểu rõ hơn về khả năng, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để xác định nghề nghiệp phù hợp cho tương lai.
Với em Nguyễn Thị Thảo Nguyên, HS lớp 12A1 và Mai Phương Linh, HS lớp 12A8, Trường THPT Quang Trung thì HĐTNHN là một trong những môn học mà các em yêu thích nhất. Phương Linh cho hay: Trước đây, em chưa hình dung được sau này mình sẽ làm gì vì mỗi thời điểm em lại thích một nghề khác nhau và không biết mình thích hợp với nghề nào.
Từ việc chú trọng GDHN, tạo cơ hội cho HS tìm hiểu, trải nghiệm các nghề cụ thể và đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá phân luồng HS, chất lượng GDHN ở các trường học được nâng lên đáng kể. HS đã quan tâm hơn đến việc tìm hiểu thông tin về ngành, nghề và có định hướng từ sớm để đề ra mục tiêu trong học tập, rèn luyện. |
Nhờ được thầy, cô giáo cung cấp kiến thức, định hướng nghề nghiệp qua các môn học và tham gia dự án truyền thông của nhà trường, em đã có định hướng rõ ràng hơn cho bản thân, biết bản thân muốn gì, muốn trở thành người như thế nào và phải nỗ lực ra sao để đạt được. Mong muốn được trở thành nhà báo hoặc làm việc trong lĩnh vực truyền thông, em đã nỗ lực nhiều hơn trong học tập, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực.
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phân luồng HS sau THCS, THPT các nhà trường đều chú trọng GDHN. Tuy nhiên hoạt động này gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Theo Phó trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TX. Ba Đồn Hoàng Đình Thi: “Một trong những khó khăn, rào cản trong công tác phân luồng HS là do phần lớn phụ huynh HS đều mong muốn con học lên bậc học THPT và các bậc học cao hơn mà chưa quan tâm đến khả năng học tập thực sự của con mình. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ nên khó thu hút HS tham gia. Thực tế cho thấy, không ít học viên sau khi học nghề rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống… Vì vậy, chỉ tiêu phân luồng HS sau THCS trên địa bàn thị xã chỉ đạt 5-7%…”.
Ông Hoàng Đình Thi cho rằng, một trong những giải pháp để thu hút học viên đến các cơ sở dạy nghề nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” là phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các trường nghề, đa dạng hóa công tác đào tạo nghề, chú trọng các nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Cùng đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác GDHN, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh HS trong việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS.
Nhật Văn
https://baoquangbinh.vn/giao-duc/202501/dinh-huong-nghe-nghiep-chu-dong-tuong-lai-2223483/