24.1 C
Kwang Binh

Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDu LịchDự án 8 và những câu chuyện của sự đổi thay

Dự án 8 và những câu chuyện của sự đổi thay

(QBĐT) – Mặc dù mới được triển khai trên địa bàn huyện Minh Hóa hơn 2 năm qua, nhưng dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 đã đạt được những kết quả nhất định. Các nỗ lực đó đã góp phần nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em nơi đây, từ đó, đổi thay diện mạo, mang lại sức sống mới ở nhiều vùng đất còn gặp khó khăn, thách thức.

Em Hồ Minh Tiến, học sinh lớp 9, Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dân Hóa (Minh Hóa) trước đây là một cậu bé nhút nhát, rụt rè. Sau giờ học, em thường chỉ ở nhà, không tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Nhiều lần được thầy, cô giáo, các bạn động viên tham gia văn hóa văn nghệ, thể thao, em thường từ chối, “đóng cửa” trong thế giới riêng của mình.

Nhưng giờ đây, cậu bé nhút nhát ngày nào đã “nhường chỗ” cho một học sinh năng động, tích cực, hoạt bát. Gặp lại Hồ Minh Tiến tại cuộc thi “Người thủ lĩnh tài năng” vừa qua ở TP. Đồng Hới, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Là thành viên của đội thi đến từ bản Y Leng (xã Dân Hóa), em tự tin, tích cực tham gia các phần thi của đội, đặc biệt rất đa tài ở các tiết mục nhảy, múa, hòa nhập cùng các bạn.

Theo chị Hồ Thị Khuynh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Y Leng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự đổi thay” của bản, thành công này bắt đầu từ khi Hồ Minh Tiến tham gia hoạt động tại CLB. Với sự hỗ trợ tích cực từ dự án 8, CLB được thành lập năm 2023 với 22 thành viên, độ tuổi chủ yếu từ 10-14 tuổi. Các em tham gia sinh hoạt CLB với nhiều hoạt động bổ ích, ý nghĩa.

Đặc biệt, ngay tại buổi ra mắt CLB, các em đã được tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng điều hành, sinh hoạt CLB, kiến thức cơ bản về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực học đường… CLB cũng được dự án hỗ trợ 1 chiếc loa mini để sử dụng trong quá trình hoạt động.

Hàng tháng, CLB “Thủ lĩnh của sự đổi thay” bản Y Leng sinh hoạt một lần với nhiều hoạt động phong phú, từ trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan cho đến các trò chơi lồng ghép, sáng tạo… Từ đó, giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân và tự tin, bản lĩnh để thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống; dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống của ĐBDTTS tại địa phương. Không chỉ riêng Hồ Minh Tiến, nhiều thành viên của CLB khi tham gia sinh hoạt đã tự tin chia sẻ ý kiến, trao đổi, đồng cảm và vượt qua các khó khăn, thử thách trong học tập cũng như cuộc sống hàng ngày.





Với Sự Hỗ Trợ Từ Dự Án 8, Tổ Hợp Tác Mây Tre Đan Xã Trọng Hóa (Minh Hóa) Được Nâng Cao Tay Nghề, Tiếp Cận Thị Trường Tiềm Năng.
Với sự hỗ trợ từ dự án 8, Tổ hợp tác mây tre đan xã Trọng Hóa (Minh Hóa) được nâng cao tay nghề, tiếp cận thị trường tiềm năng.

Chị Hồ Thị Khuynh cho hay, để nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt của CLB, rất mong nhận được sự hỗ trợ thêm về các tài liệu bằng tờ rơi hay tranh, ảnh, sách… Hiện, Minh Hóa duy trì 4 CLB “Thủ lĩnh của sự đổi thay”, góp phần mang lại diện mạo mới cho trẻ em vùng cao, giúp các em vững bước, tự tin trên con đường chinh phục tri thức, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Còn tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa), chị Hồ Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác mây tre đan của xã chia sẻ, dự án 8 đã giúp các thành viên tiếp cận với những cách làm mới, nâng cao tay nghề, tiếp cận thị trường tiềm năng. Dự án phối hợp với Văn phòng dự án Plan Quảng Bình hỗ trợ thí điểm cho tổ hợp tác máy chẻ tre, máy vuốt mây cùng các đợt tham quan học tập kinh nghiệm tại xã Quảng Phương (Quảng Trạch) và Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn kỹ thuật đan lát mây tre cho tổ viên tổ hợp tác, vừa giúp tổ viên nâng cao tay nghề, kỹ năng, cập nhật kiến thức mới, vừa tạo điều kiện để trao đổi, sẻ chia kinh nghiệm.

Với sự phối hợp hiệu quả, tích cực từ dự án 8, các sản phẩm của tổ hợp tác đa dạng, phong phú hơn, không còn bó hẹp đơn thuần chỉ là những vật dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày của bà con nơi đây. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm rất phù hợp làm quà lưu niệm Du lịch, trang trí nghệ thuật… Thị trường tiêu thụ mở rộng, các đơn đặt hàng cũng thường xuyên hơn.

Chị Hồ Thị Thanh cho biết, thời gian tới, tổ hợp tác mong muốn tiếp tục được dự án 8 hỗ trợ để tổ viên được tham gia các lớp tập huấn về mây tre đan dài ngày cũng như tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều địa phương khác. Ngoài ra, chị em cũng mong mỏi được quan tâm, tạo điều kiện để có một địa điểm rộng rãi, ổn định làm nơi sản xuất tập trung và thuận tiện hơn trong quá trình hoạt động.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Minh Hóa Đinh Thị Ngọc Lê, mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng dự án 8 đã mang lại không ít đổi thay cho phụ nữ và trẻ em của địa phương. Cả 4 nội dung của dự án 8 đều được triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trên địa bàn 5 xã của huyện, gồm: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa và Hóa Tiến. Đến nay, dự án thành lập và duy trì 15 tổ truyền thông cộng đồng (cấp huyện 11, cấp xã 4); 2 địa chỉ tin cậy cộng đồng được thành lập (xã Dân Hóa và Trọng Hóa); thành lập 4 CLB “Thủ lĩnh của sự đổi thay”; tổ chức 3 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản tại các địa bàn đặc biệt khó khăn (1 cuộc cấp huyện tổ chức, 2 cấp xã tổ chức); các lớp tập huấn cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu được giao…

Đặc biệt, các tổ truyền thông cộng đồng đã tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng cũng như những tập tục lạc hậu; đồng thời, giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Mô hình cũng trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.




“Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả dự án 8 trên địa bàn huyện Minh Hóa, Hội LHPN huyện sẽ đẩy mạnh các giải pháp về tham mưu, đề xuất, tuyên truyền, vận động và tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp thực hiện các hoạt động giao lưu, gặp mặt, biểu dương, khen thưởng người có uy tín, các điển hình phụ nữ DTTS tiêu biểu; đồng thời, tập trung làm tốt công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc triển khai  dự án 8 tại các cấp hội; giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi”, bà Đinh Thị Ngọc Lê cho biết thêm.

Mai Nhân

https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202410/du-an-8-va-nhung-cau-chuyen-cua-su-doi-thay-2221556/