(QBĐT) – Với mục tiêu giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai và bao phủ rộng khắp từ vùng nông thôn đến các bản làng miền núi xa xôi, giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Trong năm 2024, tỉnh ta phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đặc biệt là thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương trong toàn tỉnh bị ảnh hưởng cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt là hộ nghèo và các đối tượng yếu thế. Theo đó, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã kịp thời giải ngân các chương trình vay ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, khôi phục sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Năm 2024, chi nhánh đã giải ngân cho vay 35.960 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, với các chương trình vay có lãi suất ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm… Tổng doanh số cho vay trong năm đạt 1.868,5 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 161,9 tỷ đồng, bình quân cho vay 52 triệu đồng/khách hàng. Một số đơn vị có doanh số cho vay lớn, như: Bố Trạch, Lệ Thủy, TX. Ba Đồn. Các chương trình có doanh số cho vay lớn, gồm: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm (407,5 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (211,7 tỷ đồng), hộ cận nghèo (149,3 tỷ đồng)…
Chất lượng tín dụng chính sách được duy trì ổn định và tiếp tục được cải thiện rõ rệt.Bằng các giải pháp đồng bộ và sự quyết liệt của chính quyền địa phương, NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thu hồi nợ quá hạn, nhất là những món nợ xấu tồn đọng, kiềm chế tối đa nợ quá hạn phát sinh.
Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết: Năm 2024, doanh số cho vay của phòng giao dịch đạt 335 tỷ đồng, là một trong những đơn vị có doanh số cho vay lớn trong tỉnh. Từ nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách khác ở vùng nông thôn, những bản làng miền núi xa xôi có cơ hội được đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch), vốn chính sách cũng đang dần triển khai bao phủ ở các thôn, bản và làm thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Với tập tục sinh sống dựa vào rừng, mọi thu nhập của vợ chồng chị Y Tửi, xã Thượng Trạch đều phụ thuộc vào nghề đi rừng. Không có việc làm, thu nhập không ổn định nên hoàn cảnh kinh tế của vợ chồng chị vô cùng khó khăn.
Năm 2024, nguồn vốn tín dụng đã góp phần giúp cho 1.957 lượt hộ nghèo, 1.882 lượt hộ cận nghèo và 2.372 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn; 769 lượt hộ vay vốn cho học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn, 20.167 lượt hộ vay công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 7.242 lao động vay vốn giải quyết việc làm… |
Thế nhưng, cuộc sống dần thay đổi khi gia đình chị Y Tửi được tiếp cận gói vay tín dụng chính sách xã hội. Với sự hỗ trợ hướng dẫn của cán bộ chính sách, Hội Nông dân xã, vợ chồng chị được vay 50 triệu đồng. Sau khi được vay vốn, chị dành số tiền này để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua lợn, bò giống về nuôi. Sự cần cù, chăm chỉ của vợ chồng chị đã giúp đàn bò và đàn lợn phát triển, sinh sản và tăng đàn. Nguồn thu từ bán lợn, bò hàng năm giúp vợ chồng chị có thu nhập ổn định để nuôi con cái và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Có thể khẳng định, vốn tín dụng chính sách đóng vai trò quan trọng, đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân và từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Theo thống kê, số hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2024 còn 17.159 hộ, chiếm tỷ lệ 6,59%; trong đó, hộ nghèo 8.384 hộ, chiếm tỷ lệ 3,22%; hộ cận nghèo 8.775 hộ chiếm 3,37%.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được HĐND các cấp thông qua hàng năm như giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ số hộ dùng nước sạch đạt chuẩn quốc gia, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, giáo dục đào tạo, độ che phủ rừng hàng năm…
Nguồn vốn tín dụng cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng xã hội ổn định, công bằng và phát triển mà trước hết là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Việc chuyển tải nguồn vốn ưu đãi kịp thời đã tạo điều kiện để chính quyền cơ sở sâu sát, gần dân, hiểu dân hơn, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo, giữa thành thị và nông thôn, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo.
Đ.Nguyệt
https%3A%2F%2Fwww.baoquangbinh.vn%2Fkinh-te%2F202501%2Fhieu-qua-tu-nguon-von-tin-dung-2223715%2F