(QBĐT) – Sau nhiều năm không ghi nhận ca mắc bệnh sởi, đến tháng 12/2024, Quảng Bình ghi nhận 31 trường hợp nghi sởi và đã xác định 13 ca dương tính, đa số là trẻ em.
Tập trung ở địa bàn Minh Hóa
Các ca mắc sởi và nghi sởi tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Minh Hóa và rải rác ở một số địa phương trong tỉnh, như: Bố Trạch, TP. Đồng Hới, Lệ Thủy,…
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính đến ngày 30/12/2024, huyện Minh Hóa ghi nhận 16 trường hợp nghi ngờ sởi, trong đó có 9 ca dương tính với virus sởi. Đặc biệt, 9 ca dương tính với virus sởi đều được ghi nhận ở tháng 12/2024. Trong 9 trường hợp dương tính nói trên, có 4 trường hợp chưa tiêm vắc-xin sởi, 1 trường hợp đã tiêm vắc xin sởi, 2 trường hợp chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin sởi và 2 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.
Khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) là nơi có phần lớn số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh đến điều trị, với 9 ca dương tính và 5 ca nghi sởi đang điều trị. Theo các bác sĩ, hầu hết bệnh nhân mắc sởi điều trị tại đây đều chưa tiêm vắc-xin và chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin (dưới 9 tháng tuổi). Trường hợp nào đã được tiêm vắc-xin, các triệu chứng nhẹ và nhanh hồi phục hơn.
Từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận hơn 38.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có hơn 6.700 ca dương tính, 13 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. (Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế). |
Chị Đinh Thị Lệ Quyên (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) có con gái gần 8 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện HNVN-CBĐH. Chị cho biết, ban đầu, con gái chị sốt, ho và sổ mũi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa 1 tuần. Ra viện, bé bị sốt trở lại. Do sốt không cao lắm nên chị cũng chỉ nghĩ con bị sốt mọc răng, ở nhà cho uống hạ sốt. Sau khi sốt 2 ngày đêm không bớt, chị đem con nhập viện trở lại. Khi phát hiện nổi ban, nghi sởi, bé được chuyển lên Bệnh viện HNVN-CBĐH.
“Nay bé điều trị được 1 tuần, đã đỡ hơn nhiều rồi, chỉ còn khò khè nữa thôi. Cũng may mà tôi đưa con đi bệnh viện kịp thời”, chị Quyên chia sẻ.
Những dấu hiệu cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện HNVN-CBĐH cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, viêm ruột… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, bệnh rất nặng nề đối với trẻ có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.
Hiện nay, điều kiện thời tiết chuyển mùa rất dễ lây lan. Phụ huynh cần lưu ý một số triệu chứng điển hình của bệnh sởi để phát hiện sớm trẻ mắc bệnh, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn kịp thời: Sốt cao; chảy nước mắt, nước mũi, ho khan, khàn tiếng, viêm đường hô hấp trên và viêm kết mạc;… Ban sởi thường mọc vào ngày thứ 4-6 của bệnh nhưng vẫn có thể ngay ngày đầu tiên khi xuất hiện sốt. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.
Tuy nhiên, nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu sau cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất: Trẻ sốt cao liên tục 39°C-40°C; khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, lơ mơ, phát ban toàn thân mà vẫn sốt…
Tăng cường tiêm chủng vắc-xin sởi đủ mũi, đúng lịch
Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC tỉnh, sởi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút sởi gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Một ca bệnh sởi có thể lây cho nhiều người. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi.
Giám đốc CDC tỉnh khuyến cáo: Để bảo vệ tốt nhất cho trẻ trước tình hình gia tăng của bệnh sởi cũng như chung tay góp phần tăng miễn dịch cộng đồng, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hai liều vắc xin phòng bệnh sởi được tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng khi trẻ được 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Nếu trẻ bị trễ mũi tiêm phòng bệnh sởi, cha mẹ hãy cho trẻ tiêm bù càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần thực hiện thêm việc đeo khẩu trang cho trẻ ở nơi đông người; vệ sinh tay bằng xà phòng thường xuyên; cho trẻ ăn uống đầy đủ nhằm tăng sức đề kháng trước các dịch bệnh theo mùa.
Bên cạnh đó, tại các nhà trẻ, trường học cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
“Đối với địa bàn huyện Minh Hóa, nơi hiện có số ca mắc sởi nhiều nhất, CDC tỉnh đã trực tiếp phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa tiến hành giám sát, điều tra xác minh thông tin các ca bệnh trên địa bàn, điều tra dịch tễ cộng đồng, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; hướng dẫn các trạm y tế xã, thị trấn và người dân về thông tin bệnh và biện pháp phòng, chống bệnh sởi. UBND huyện Minh Hóa cũng đã lên kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi trên địa bàn, không để gia tăng số ca mắc sởi và bùng phát dịch”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp chia sẻ. |
Hương Lê
https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202412/khong-chu-quan-voi-benh-soi-2223399/