Thời gian gần đây, vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đang có dấu hiệu gia tăng trên phạm vi toàn quốc. Một số trường hợp bất chấp các thủ đoạn nhằm kiếm lời bất chính, điều này không chỉ xâm hại nghiêm trọng quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính, gây hỗn loạn thị trường.
Để thực hiện quy định quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối, qua đó xử lý vi phạm, bảo đảm ổn định cung ứng thị trường.
Thời gian qua, hoạt động xử phạt hành chính của các cơ quan chức năng đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã góp phần thiết lập trật tự trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vẫn bất chấp các quy định pháp luật để sản xuất, kinh doanh xăng giả, xăng lậu với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi; trong đó, đáng lo ngại là tình trạng pha chế, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng,… làm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại nặng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thất thu ngân sách nhà nước và xâm hại trực tiếp quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Trước đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa kiểm tra cửa hàng xăng dầu 888, có địa chỉ tại thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với cửa hàng do mua xăng dầu từ các đối tượng ngoài hệ thống phân phối và bán lẻ xăng dầu cho các đối tượng ngoài hệ thống phân phối. Với các lỗi trên, cửa hàng bị xử phạt 105 triệu đồng. Trong tháng 10/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra 73 vụ liên quan đến hoạt động kinh xăng dầu; phát hiện và xử lý 36 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 1,6 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho thấy, trong 7 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 1.355 vụ, xử lý 274 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; nộp ngân sách hơn 8,3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm diễn ra chủ yếu như: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường; mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; kinh doanh xăng dầu không có giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định,…
Trong số hàng loạt vi phạm về kinh doanh xăng dầu, các vi phạm của cửa hàng bán lẻ xăng dầu mặc dù không đáng kể, nhưng đang có xu hướng gia tăng. Do đó, để thực hiện quy định quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của sáu thương nhân đầu mối và tám thương nhân phân phối, đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra bốn thương nhân đầu mối và 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp kiểm soát thị trường xăng dầu, nhưng hiện nay vẫn tồn tại không ít vi phạm không chỉ gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng mà còn làm phương hại tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây lũng đoạn thị trường. Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho rằng, qua kiểm tra vẫn còn một số tình trạng vi phạm về xăng dầu như không bảo đảm chất lượng, kinh doanh xăng dầu không rõ nguồn gốc,… Mặc dù các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, công an đã có những chuyên án lớn để bắt giữ, khởi tố các vụ buôn bán xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc nhưng trên thực tế vẫn có một số đối tượng bất chấp các thủ đoạn để nhập lậu, đưa lượng xăng dầu không rõ nguồn gốc vào hệ thống tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính, gây thất thu ngân sách.
Để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này, đòi hỏi sự phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng từ tuyến biên giới, ngoài biển vào trong đất liền, vào sâu trong thị trường tiêu thụ nội địa cũng như tăng cường thông tin về quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thường xuyên liên tục thì mới ngăn chặn có hiệu quả vi phạm về chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, đáng ngại nhất hiện nay là tình trạng mua bán các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm dùng để pha chế xăng dầu trên thị trường khá dễ dàng là cơ hội để các đối tượng cố ý gian lận về xăng dầu lợi dụng. Khó khăn ở chỗ, các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước tương đối đầy đủ trong vấn đề chống hàng giả, nhưng lại thiếu những văn bản cụ thể xác định thế nào là xăng dầu giả, kém chất lượng,…
Vì vậy, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm. Đồng thời phối hợp tốt với các lực lượng chức năng khác, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là trong dịp cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ngoài ra, khuyến cáo người tiêu dùng cần có sự liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng thông qua việc chủ động tố giác những đối tượng, cửa hàng xăng dầu có nghi vấn cũng như tìm mua sản phẩm ở những cửa hàng có uy tín, tránh mua ở các cây xăng nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Theo các chuyên gia, để kiểm soát chặt hơn hoạt động kinh doanh xăng dầu, trước tiên các cơ quan quản lý cần hoàn thiện, bổ sung các quy định về công tác quản lý, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời, cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận.
Mặt khác, cần phải có hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu cần phải nâng cao từ chất lượng sản phẩm xăng dầu đến thái độ phục vụ. Cuối cùng, các lực chức năng, nhất là quản lý thị trường cần tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe cao với các trường hợp cố tình vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; có như vậy mới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các doanh nhân chân chính.
Theo NDĐT
https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/kiem-soat-chat-hoat-dong-kinh-doanh-xang-dau-2223055/