(QBĐT) – Với địa hình bán sơn địa, nhưng lại thấp hơn mực nước biển hơn 1m và cạnh điểm hợp lưu giữa sông Cẩm Lý và sông Kiến Giang, nên cứ đến mùa bão lụt hàng năm, thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) thường là nơi lũ lụt “ghé thăm” sớm nhất và “rút lui” muộn nhất. Có những năm do bão lụt chồng chất, “rốn lũ” Vinh Quang ngâm trong nước cả tháng ròng. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm phòng, chống bão lụt được đúc rút qua nhiều đời, người dân thôn Vinh Quang đã khéo léo áp dụng, phát huy để tồn tại, kiến thiết nên một làng quê bình an, giàu đẹp nơi vùng chiêm trũng Lệ Thủy…
Trong đợt lụt do ảnh hưởng của bão số 6, tranh thủ lúc nước bắt đầu rút, chúng tôi đi theo một chuyến đò của UBND xã Sơn Thủy chở hàng cứu trợ tiếp cận vùng “rốn lũ” Vinh Quang để hỗ trợ bà con. Đây là địa bàn thấp trũng bậc nhất của xã Sơn Thủy nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung.
Ngồi lắc lư trên chuyến đò vượt sông Cẩm Lý đang chảy xiết, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Sơn Thủy Võ Văn Thông chỉ vào những ngôi nhà bị ngập lụt lên gần tận nóc, cất lời tâm sự: “Đợt lụt này lớn gần chạm mốc cơn lũ lịch sử năm 2020. Hôm nay bớt gió nên lũ trên sông không tạo sóng mạnh, thuyền lớn của xã có thể di chuyển một cách “đằm” và an tâm hơn. Cứ như hôm trước, lũ mạnh kèm gió to nên tạo sóng rất lớn, chiếc đò máy này không thể chạy được vào thôn Vinh Quang vì nguy cơ lật đò rất cao. Dù đã hỗ trợ bà con thôn Vinh Quang về lương thực, thực phẩm, thuốc men… để chủ động phòng, chống lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”, nhưng mỗi khi có hàng cứu trợ, UBND xã Sơn Thủy đều ưu tiên cho “rốn lũ” Vinh Quang. Chuyến hỗ trợ lần này gồm 200 thùng mì tôm, 30 thùng sữa cùng nhiều bánh kẹo (do Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các đoàn thiện nguyện hỗ trợ) cũng chính là chuyến hỗ trợ đầu tiên ở xã Sơn Thủy dành cho thôn Vinh Quang…”.
Ông Nguyễn Trọng Tới, Trưởng thôn Vinh Quang cho biết, toàn thôn hiện có 194 hộ, 730 khẩu. Thời điểm ngày 27/10, 100% nhà dân trong thôn đều bị nước lụt tràn vào và lúc cao điểm ngập sâu đến hơn 2m. Nhờ có sự chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, thôn đã bố trí lực lượng đến tận các nhà dân cao tầng, kiên cố vận động bà con giúp đỡ hàng xóm có thêm nơi để tá túc, sinh hoạt an toàn trong những ngày bão lụt. Nhờ vậy, có khoảng 70% các hộ dân trong thôn đều được trú tránh trong những ngôi nhà an toàn, thắt chặt tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong thời điểm thiên tai khắc nghiệt.
Đối với những ngôi nhà thấp, thiếu kiên cố, thôn Vinh Quang cũng chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực… nhằm di dời người già, trẻ em, hộ neo đơn, hộ sống trong vùng nguy hiểm đến trú tránh tại nhà chống bão lũ cộng đồng thôn Vinh Quang (với hơn 50 hộ)… Chính nhờ công tác phòng, chống thiên tai được triển khai chủ động, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa bàn, đến thời điểm hiện tại, thôn Vinh Quang chưa có thiệt hại về người, không có hộ bị thiếu ăn trong những ngày bão lụt…
Anh Dương Văn Thành, một người dân ở thôn Vinh Quang chia sẻ, nhờ chăm chỉ lao động và được “tiếp sức” về nguồn vốn, chính sách, cây, con giống…, hiện, toàn thôn Vinh Quang có trên 40% nhà dân được xây dựng 2 tầng khá kiên cố để phòng, chống bão lụt. Ngoài ra, khoảng 70% nhà dân ở đây đã tự sắm thuyền, đò (với nhiều kích cỡ khác nhau) để làm công cụ phục vụ quá trình lao động sản xuất, vừa đề phòng khi có lũ lụt thì sử dụng để di chuyển, hỗ trợ lẫn nhau… |
Anh Dương Văn Hiệu (43 tuổi) có nhà ở thiếu kiên cố nên phải di dời đến nơi cao ráo trong những ngày bão lụt. Anh xúc động kể: Nhờ cấp trên quan tâm hỗ trợ xây dựng, đưa vào sử dụng nhà chống bão lũ cộng đồng thôn Vinh Quang nên tôi và rất nhiều bà con trong thôn đã có được nơi tá túc rất an toàn, sạch sẽ. Trước đây, mỗi khi có lũ lụt về, cả gia đình tôi đều trú tránh ở trên gác tra của ngôi nhà cấp bốn, nơm nớp lo sợ lũ lớn sẽ ngập quá nơi trú tránh, nhà sập, trôi bất ngờ.
Nhiều cụ cao niên ở “rốn lũ” Vinh Quang bộc bạch, mảnh đất này hàng năm thường hứng chịu nhiều đợt “lụt sâu, ngập lâu”, nhưng bà con nơi đây vẫn rất lạc quan, đoàn kết bám đất, bám làng để mưu sinh, xây dựng cuộc sống ấm no, làng quê đẹp giàu. Tạm gác lại những hiểm nguy mà các đợt lũ lụt thường đe dọa, bà con nhìn về lũ lụt theo hướng lạc quan, đó là: Lũ lụt luôn chở nặng phù sa để bồi đắp cho mảnh đất này màu mỡ, phì nhiêu, nhờ đó mà ruộng lúa, cây màu nơi đây thường tốt tươi, năng suất hơn nhiều làng quê khác ở huyện; lũ lụt còn góp phần tạo nên một hệ sinh thái vùng chiêm trũng giàu cá, tôm, cua, lươn đồng, chim chóc… Nói chung, nguồn thực phẩm nơi đây dồi dào quanh năm, đủ để nuôi sống người dân, giúp không ít hộ dân vươn lên làm giàu…
Hiện ở thôn Vinh Quang, nước lũ đã dần rút. Trải qua nhiều đời sống chung với lũ lụt, người dân Vinh Quang đúc rút được nhiều kinh nghiệm để sống chung với lũ lụt một cách khá an toàn: Chủ động bố trí lịch thời vụ và thu hoạch cây màu, vật nuôi trước mùa mưa lũ để không bị thiệt hại bất ngờ; chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm từ khá sớm để đề phòng khi lũ về; chủ động giằng buộc, kê dọn các vật dụng thiết yếu ở nơi cao ráo nhằm tránh thiệt hại do lũ lụt gây ra… Đặc biệt, điều quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết ở thôn Vinh Quang rất cao, nhờ đó mà trong các đợt lũ lụt, người dân thường giúp nhau vượt qua hoạn nạn mà không hề tính toán hơn thua.
Văn Minh
https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202411/kinh-nghiem-phong-chong-lut-o-vinh-quang-2222144/